Bí ẩn đội quân đặc nhiệm nữ Iran “kunoichi” sát thủ
VOV.VN - Các thành viên của đội nữ đặc nhiệm Iran này có võ nghệ cao cường, tinh thần chiến đấu cao, có học thức cao, biết nhiều ngôn ngữ và nền văn hóa...
Đội quân “Nhẫn thuật” đông đảo ở Iran
Năm 2012, hãng Reuters đưa tin, Tehran thành lập một đội nữ sát thủ để luyện Ninjutsu (Nhẫn thuật) - rèn kỹ năng chiến đấu - một trong những môn võ "chết người", phổ biến vào những năm 1185-1868 ở nước Nhật Bản phong kiến - quốc gia có rất ít liên hệ về văn hoá với Iran trong thời kỳ đó. Bài viết thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và nhiều phóng viên, nhà báo đã cất công điều tra, viết phóng sự.
Các nữ đặc nhiệm Iran. Ảnh: Anadolu. |
Thực ra, Ninjutsu không phải là môn võ mới mẻ ở Iran. Faraji - người du nhập Ninjutsu vào Iran - cho biết, ông thành lập câu lạc bộ Ninjutsu hoạt động theo quy định của Liên đoàn võ thuật Iran và Hiệp hội Nhẫn thuật quốc tế mấy chục năm về trước. Trong môn phái Ninjutsu, nam giới được gọi là ninja (tàng hình), còn nữ giới là “kunoichi”. Hiện câu lạc bộ đã có 24.000 thành viên, gồm cả những bé gái 5-6 tuổi và nhiều phụ nữ trên 50 tuổi.
Hình thức đào tạo ninja ở Iran tương tự những nơi khác trên thế giới, theo các mức độ phù hợp với sở thích và thể chất cũng như độ khó của bài tập. Để trở thành đệ tử của môn phái này, cần có nhiều đức tính như sự kiên nhẫn và khiêm tốn, lòng khoan dung và tinh thần dũng cảm... Bản thân những phụ nữ theo học môn võ này cho rằng nó giúp họ chịu đựng những khó khăn trong cuộc sống, kiên nhẫn, mạnh mẽ và kỷ luật hơn. Phụ nữ Iran thích học Ninjutsu còn vì đồng phục của môn võ này phù hợp với quy định về trang phục eikogi dành cho nữ giới theo luật Sharia của Hồi giáo.
Giống mọi môn võ được các sát thủ thời phong kiến Nhật Bản sử dụng, Ninjutsu cũng có nhiều ngón nghề cực kỳ nguy hiểm, có thể tước bỏ mạng sống của đối phương chỉ bằng một đòn duy nhất. Các ninja và kunoichi được dạy sử dụng những vũ khí nguy hiểm - gồm có cung tên, kiếm, nunchuck (côn nhị khúc) và shuriken (phi tiêu) - những loại vũ khí truyền thống nhỏ nhưng đáng sợ nhất của ninja Nhật Bản. Họ cũng tập các bài tập bật nhảy, các phương pháp "biến mất" trước đối thủ.
Đặc nhiệm nữ Iran với năng lực hạ sát đáng sợ
Lò đào tạo "kunoichi" tại Iran có trụ sở chính đặt tại lâu đài Jughin, cách thủ đô Tehran khoảng 40km, được thành lập vào năm 1989, khi võ thuật được cho là phù hợp với thể trạng của nữ giới và ngày càng thu hút phụ nữ bởi nó giúp cân bằng sức khỏe thể chất và tinh thần. Tại đây, hàng nghìn phụ nữ tập luyện để trở thành kunoichi - nữ chiến binh ninja.
Các nữ ninja Iran được huấn luyện bài bản và công phu trong điều kiện khắc nghiệt, sử dụng được nhiều loại vũ khí cổ. Ảnh: Anadolu. |
Trong bối cảnh Israel ngày càng gia tăng áp lực lên Iran do những quan ngại về việc quốc gia Hồi giáo này đang sản xuất vũ khí hạt nhân, các kunoichi này có thể sẽ được kêu gọi ra mặt giúp quốc gia trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. Tại Iran, nam giới khi đến 18 tuổi bị bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng chỉ giới hạn thời gian phục vụ trong quân ngũ 18 tháng, do vậy, những kunoichi có thể sẽ rất hữu ích.
Theo nhiều nguồn tin, những bí ẩn và đồn đại về đội quân toàn các nữ sát thủ chuyên nghiệp - kunoichi - mà Iran được cho là sử dụng để tiêu diệt kẻ thù đã được hé lộ. Dù nước Cộng hòa Hồi giáo (từ năm 1979) có nhiều điều cấm kỵ khắt khe của Kinh Koran, quân đội Iran vẫn thành lập một lực lượng đặc nhiệm có sự tham gia của các nữ quân nhân kunoichi, hay đặc nhiệm Ninja. Các nữ chiến binh Hồi giáo bắt đầu phục vụ trong quân đội Iran từ năm 1989 - khi lực lượng nữ đặc nhiệm Iran được thành lập để đảm nhiệm các nhiệm vụ cận vệ, bảo vệ cho thân nhân gia đình những vị lãnh đạo cao cấp của nhà nước Iran nhiều hơn là ám sát.
Những nữ sát thủ cận vệ này có thể mang lên mình vỏ bọc của một cảnh vệ khá dễ dàng mà không sợ bị bại lộ như những cảnh vệ nam cao to lực lượng; đôi khi với vỏ bọc là kế toán, thư ký của mình, họ khó có thể giấu súng dưới lớp váy bó sát người. Thêm vào đó, việc "quân tử không qua được ải mỹ nhân" cũng sẽ khiến các nữ sát thủ này sử dụng "mỹ nhân kế" để tiếp cận mục tiêu một cách dễ dàng. Với các nhiệm vụ ám sát, việc sử dụng nữ giới cũng sẽ khiến đối phương ít đề phòng hơn.
Sức mạnh quân sự khổng lồ của Iran khiến Mỹ phải dè chừng ở Trung Đông
Hiện, Iran chỉ có khoảng 4.000 kunoichi đặc nhiệm được tuyển chọn cực kỳ kỹ lưỡng. Sau quá trình tuyển chọn không hề dễ dàng là quá trình huấn luyện khắc nghiệt cả về thể lực lẫn võ thuật và tinh thần của một chiến binh. Họ cũng được rèn luyện ý chí mạnh mẽ trong xã hội Hồi giáo vốn không đề cao người phụ nữ. Theo luyện Ninjutsu, các nữ đặc nhiệm Iran phải học cả văn hoá Nhật để thấm nhuần tư tưởng của Ninjutsu.
Ngoài học cách sử dụng một số loại vũ khí có tính sát thương như cung, kiếm, côn nhị khúc và ám khí "shuriken", các Ninja Ranger - những cô gái được huấn luyện từ nhỏ trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt, kể cả giữa nắng nóng sa mạc 70 độ C - còn được huấn luyện kỹ năng leo trèo, nhảy qua các bức tường, ẩn mình trong những ngọn núi, ám sát, đột nhập, tẩu thoát... và kỹ thuật "cắt cổ đối thủ mà không gây ra bất kỳ tiếng động nào".
Việc biết cách sử dụng các loại vũ khí lạnh sẽ khiến các kunoichi có khả năng thích nghi với môi trường dễ dàng hơn khi một con dao, một sợi xích, hay một cái bấm móng tay… có thể trở thành vũ khí cực kỳ lợi hại trong tay những bông hồng sát thủ này. Mặc dù được phép mặc quần áo bình thường như những quân nhân khác, những cô gái trong đội nữ sát thủ Iran này vẫn phải đeo khăn che tóc đúng theo truyền thống của người Hồi giáo. Việc đeo khăn che kín tóc cũng sẽ giúp họ hạn chế việc bị đối thủ túm tóc khi giao tranh tay đôi ở cự ly gần.
Các thành viên trong đội sát thủ Ninja Ranger đều là những người có học thức cao, có thể nói được nhiều thứ tiếng, hiểu biết về nhiều nền văn hóa trên thế giới và có một ít nghiệp vụ cơ bản trong một số lĩnh vực như kinh doanh, thương mại... Tất cả những kiến thức đó đều rất hữu dụng trong việc xây dựng vỏ bọc trong những nhiệm vụ nguy hiểm và đầy thách thức mà họ sẽ phải đảm nhận./.