Chạy đua để dẫn đầu, tại sao các nước đều muốn sở hữu tên lửa siêu thanh?
VOV.VN - Triều Tiên, Mỹ và Nga gần đây đã tiến hành thử tên lửa siêu thanh và đã thu về những kết quả nhất định. Điều gì khiến cho không chỉ 3 quốc gia này mà hàng loạt nước khác trên thế giới đang tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển công nghệ siêu thanh?
Cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh hồi tuần trước của Triều Tiên đã làm dấy lên những lo ngại mới về cuộc đua phát triển công nghệ này, vốn khó bị đánh chặn và có nguy cơ phá vỡ sự cân bằng hạt nhân toàn cầu.
Ngày 4/10, Nga cũng cho biết nước này đã lần đầu tiên thử thành công tên lửa siêu thanh phóng từ tàu ngầm, dẫn dầu cuộc đua trước Mỹ, Trung Quốc, cùng với ít nhất 5 quốc gia khác cũng đang theo đuổi công nghệ siêu thanh.
Tại sao các nước muốn sở hữu vũ khí siêu thanh?
Các tên lửa siêu thanh, giống như những tên lửa đạn đạo truyền thống có thể mang vũ khí hạt nhân, có khả năng bay nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh.
Tuy nhiên, trong khi các tên lửa đạn đạo bay cao trong không gian theo đường vòng cung thì tên lửa siêu thanh bay ở tầm thấp trong bầu khí quyền nên có khả năng nhắm đến mục tiêu nhanh hơn.
Quan trọng hơn, khả năng linh động của tên lửa siêu thanh khiến nó khó bị phát hiện và khó bị đánh chặn. Trong khi các quốc gia như Mỹ đã phát triển được những hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình thì khả năng phát hiện cũng như bắn hạ tên lửa siêu thanh vẫn là một câu hỏi.
Các tên lửa siêu thanh có thể được sử dụng để mang các đầu đạn theo quy ước nhanh hơn và chính xác hơn các loại tên lửa khác. Ngoài ra, khả năng mang đầu đạn hạt nhân của nó có thể trở thành mối đe dọa của một quốc gia và làm gia tăng sự nguy hiểm của chiến tranh hạt nhân.
Tên lửa siêu thanh có phải mối đe dọa hiện nay?
Nga, Trung Quốc, Mỹ và hiện nay là Triều Tiên đều đã tiến hành phóng thử tên lửa siêu thanh.
Pháp, Đức, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản đang phát triển tên lửa siêu thanh, trong khi Iran, Israel và Hàn Quốc đã tiến hành những nghiên cứu cơ bản về công nghệ này, báo cáo gần đây của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho hay.
Nga hiện là nước phát triển nhất về tên lửa siêu thanh. Moscow đã thông báo hôm 4/10 rằng nước này phóng 2 tên lửa siêu thanh Zircon từ tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk.
Tên lửa đầu tiên đã nhắm trúng mục tiêu trên Biển Barents trong khi tàu ngầm vẫn ở trên mặt nước. Tên lửa thứ hai được phóng khi tàu ngầm đang lặn ở độ sâu 40 mét dưới mực nước biển.
Trung Quốc cũng đang tập trung phát triển công nghệ này và coi điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đối phó với Mỹ trên lĩnh vực siêu thanh cũng như các công nghệ khác. Cả Trung Quốc và Nga đều có khả năng vận hành các phương tiện lượn siêu thanh, báo cáo này cho hay.
Bộ Quốc phòng Mỹ đang có một chương trình phát triển công nghệ siêu thanh mạnh mẽ với kế hoạch tiến hành 40 cuộc thử nghiệm trong 5 năm tới.
Lầu Năm Góc đã thử tên lửa siêu thanh phản lực tuần trước và đánh giá cuộc thử nghiệm này là "sự thể hiện thành công khả năng của chúng ta và sẽ biến các tên lửa hành trình siêu thanh trở thành công cụ hiệu quả cao cho các binh lính của chúng ta”.
Trong khi đó, thông báo về cuộc thử nghiệm của Triều Tiên cho thấy họ còn một chặng đường dài trong lĩnh vực này và cuộc thử nghiệm mới đây tập trung vào "khả năng cơ động" cũng như "các đặc điểm bay".
"Dựa trên những đánh giá về các đặc điểm của tên lửa như tốc độ, Triều Tiên hiện ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển và sẽ cần một thời gian đáng kể để những tên lửa này được triển khai", quân đội Mỹ và Hàn Quốc cho hay trong một thông báo.
Thay đổi cuộc chơi?
Các chuyên gia cho biết, các tên lửa siêu thanh không nhất thiết làm đảo ngược sự cân bằng hạt nhân toàn cầu mà thay vào đó sẽ bổ sung thêm một phương tiện mới vào bộ ba truyền thống gồm: máy bay ném bom, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Rủi ro hiện nay tập trung vào việc chúng ta khó có thể biết được liệu tên lửa siêu thanh của đối thủ mang đầu đạn hạt nhân hay đầu đạn theo quy ước.
Sau khi xem xét các đặc điểm của tên lửa siêu thanh, CRS cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không đủ khả năng để bảo vệ, theo dõi và phản ứng kịp thời trước các tên lửa này.
Cameron Tracy - một chuyên gia kiểm soát vũ trang tại Đại học Standford đã gọi tên lửa siêu thanh là một bước tiến.
"Nó không hoàn toàn là một nhân tố thay đổi cuộc chơi. Đây là một cuộc chạy đua vũ trang. Nhìn chung, điều này cho thấy đối với bất kỳ vũ khí nào mà bất kỳ ai cũng có thể phát triển, bạn phải là người đi đầu".
Theo chuyên gia này, giải pháp hiện nay chính là đưa tên lửa siêu thanh vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân, giữa bối cảnh Triều Tiên và Trung Quốc không nằm trong bất kỳ hiệp định nào, đồng thời kêu gọi các bên hành động nhanh nhất có thể để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định toàn cầu./.