Chiến tranh Syria - cơ hội quảng bá tuyệt vời cho các loại vũ khí Nga
VOV.VN - Năm 2015, doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga đạt mức kỷ lục 14,5 tỷ USD.
Mới đây trên mạng xuất hiện một đoạn video được cho là do phe đối lập Syria tung lên ghi lại cảnh một chiếc xe tăng T-90 - loại xe tăng chiến đấu chủ lực tiến tiến của Nga - bị trúng một quả tên lửa dẫn đường BGM-71 TOW được mệnh danh là “sát thủ diệt tăng” trong trận chiến ở ngoại ô thành phố Aleppo. Tuy nhiên, trong đoạn video trên, chiếc xe tăng T-90 dù đã trúng phải đầu đạn của tên lửa TOW nhưng nó không bốc cháy và nổ tung. Một thành viên của kíp xe đã mở nắp tháp pháo và nhảy ra ngoài.
Xe tăng T-90 do Nga chế tạo hiện đang được quân đội Syria sử dụng. Ảnh: Sputnik |
Đoạn video trên có thể coi như một cuộc đọ sức của các loại vũ khí được sản xuất bởi Nga và Mỹ. Chiếc xe tăng T-90 do binh sĩ quân đội Syria điều khiển, trong khi đó tên lửa TOW được phóng đi bởi các tay súng thuộc lữ đoàn Diều hâu núi (Hawks Mountain) - một nhóm đối lập tại Syria có được loại tên lửa này từ Saudi Arabia hoặc do CIA trực tiếp cung cấp.
Đoạn video này là “một cơ hội để chứng kiến những gì sẽ xảy ra khi các loại vũ khí tối tân của hai cường quốc thế giới đụng độ với nhau tại Trung Đông”, chuyên gia phân tích quân sự Robert Beckhusen viết trên tạp chí National Interest. Ngoài ra, đây cũng có thể xem là một màn “chào hàng” hoàn hảo cho các nhà sản xuất vũ khí của Nga.
Cơ hội quảng bá các loại vũ khí
Điện Kremlin cho biết đã chi gần 500 triệu USD cho các hoạt động quân sự tại Syria kể từ ngày 30/9/2015 tới khi tuyên bố rút một phần cơ bản lực lượng tham chiến tại Syria vào tháng trước. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, Moscow có thể kiếm được nhiều hơn sau khi cho cả thế giới chứng kiến tính hiệu quả của các loại vũ khí do Nga chế tạo được không quân Nga cũng như binh sĩ của chính quyền al-Assad sử dụng trong điều kiện thực chiến tại Syria.
"Đây là màn quảng cáo hoành tráng và Nga hy vọng sẽ có những đơn hàng mới trị giá hàng chục tỷ USD", Alexander Markov - nhà phân tích chính trị và là thành viên Hội đồng đối ngoại chính trị và quốc phòng của Nga nói với Al Jazeera. "Hàng trăm chuyên gia đến từ các công ty sản xuất vũ khí có mặt ở đó và họ đã thử nghiệm hệ thống của mình trong điều kiện thực chiến".
Cuộc chiến tại Syria cũng giúp Moscow khẳng định vị thế của mình là một nhà sản xuất và xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Đây là tin tốt đối với Tổng thống Vladimir Putin trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế sâu sắc do giá dầu xuống thấp, đồng ruble mất giá cũng như các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với Nga.
Các hoạt động quân sự của Nga tại Syria là một "cơ hội tuyệt vời để phô trương các mặt hàng", Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ có trụ sở tại Moscow nói.
Chiến dịch quân sự tại Syria cũng là một cơ hội để Nga thử nghiệm các hệ thống vũ khí mà trước đó không có điều kiện thử nghiệm trong điều kiện thực chiến như các loại vũ khí có độ chính xác cao, tên lửa, máy bay trực thăng, tên lửa hành trình, chiến đấu cơ… ông Ruslan Pukhov cho biết.
Nhật báo Kommersant của Nga tuần trước dẫn lời quan chức điện Kremlin và các nhà phân tích quân sự cho rằng “hiệu ứng marketing” của cuộc xung đột Syria sẽ giúp doanh số bán vũ khí của Nga tăng thêm 7 tỷ USD.
Algeria đã ký hợp đồng mua khoảng 10 máy bay chiến đấu Su-32 - phiên bản xuất khẩu của tiêm kích đa nhiệm Su-34 vừa chứng tỏ tính hiệu quả của nó trong chiến dịch tại Syria. Những chiến đấu cơ mới này sẽ thay thế phi đội máy bay MiG-25 đã lão hóa của nước này.
Tàu chiến Nga tại biển Caspian phóng tên lửa hành trình Kalibr tiêu diệt các mục tiêu IS tại Syria. Ảnh: Sputnik |
Doanh thu xuất khẩu vũ khí tăng kỷ lục
Hiện một loạt các quốc gia châu Á và Mỹ Latin không chỉ rất muốn mua thêm máy bay ném bom và trực thăng của Nga mà còn nhiều loại vũ khí khác dù các loại chiến đấu cơ vẫn là "xương sống" trong hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Các khách hàng đang chuyển sang quan tâm đến các trạm gây nhiễu thông tin, hệ thống tên lửa S-400, xe tăng, hệ thống phòng không… thậm chí là cả loại tàu ngầm vừa được thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu ở Syria. Các số liệu bán hàng đã phản ánh sự thay đổi này.
“Ngay cả các nước thành viên NATO như Hy Lạp cũng cho thấy sự quan tâm đối với các loại vũ khí của Nga”, nhà phân tích quốc phòng Anatoly Tsiganok nói.
Trong một cuộc họp với các quan chức quốc phòng cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Nga Putin cho biết: Năm 2015, doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga đạt mức kỷ lục 14,5 tỷ USD bởi “độ tin cậy và tính hiệu quả” của chúng. Con số này cao hơn dự kiến và các đơn đặt hàng mua vũ khí Nga của khách hàng nước ngoài đã vượt qua con số 56 tỷ USD.
Ngày 7/10/2015 - đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 63 của ông Putin, 4 tàu chiến của Nga tại biển Caspian đã phóng hàng loạt tên lửa hành trình tầm xa trúng 11 mục tiêu ở Syria từ khoảng cách hơn 1.500 km. Vào tháng 12/2015, một tàu ngầm của Nga từ lòng biển Địa Trung Hải cũng đã phóng tên lửa hành trình nhằm vào các mục tiêu ở tỉnh Raqqa của Syria.
Tất nhiên, việc triển khai các loại vũ khí tiên tiến này cũng như sự phối hợp hiệu quả của Moscow trong chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria sẽ không thể có nếu không có một loạt cải cách sâu rộng về quân sự dưới thời của Tổng thống Putin.
Những cải cách này được tiến hành bởi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov với việc tinh giản hàng trăm ngàn sĩ quan và binh sĩ cũng như đóng cửa hàng chục căn cứ quân sự, đặc biệt là ở miền Tây nước Nga.
Kết quả của những cải cách về quân sự của Tổng thống Nga Putin đã chứng minh tính hiệu quả trong việc sáp nhập Crimea một cách nhanh chóng, hầu như không có đổ máu cũng như trong chiến dịch quân sự tại Syria vừa qua.
“Phương Tây đã bị sốc”, nhà phân tích quốc phòng Anatoly Tsiganok nói./.
Những vũ khí lợi hại của Nga làm thay đổi cục diện cuộc chiến Syria