Chuyên gia nhận định mục đích Nga sử dụng tên lửa Kh-55 SM ở Ukraine
VOV.VN - Việc Nga sử dụng tên lửa Kh-55 SM từ thời Liên Xô được cho là nhằm “bẫy” hệ thống phòng không Ukraine, khiến chúng lộ vị trí và dễ bị tấn công.
Đánh giá của Bộ Quốc phòng Anh
Báo cáo công bố ngày 26/11 của Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Nga nhiều khả năng đã tháo dỡ đầu đạn hạt nhân khỏi các tên lửa hành trình cũ từ thời Liên Xô và phóng những quả tên lửa này vào Ukraine.
Dựa trên phân tích hình ảnh các mảnh vỡ, các chuyên gia phỏng đoán loại tên lửa được sử dụng là Kh-55 SM, sản xuất vào những năm 1980. Loại tên lửa này tháo đầu nổ vẫn có thể gây thiệt hại thông qua động năng và lượng nhiên liệu chưa tiêu thụ, nhưng khó đạt hiệu quả như các quả đạn hoàn chỉnh.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh cho rằng: “Nga gần như chắc chắn muốn những quả tên lửa này hoạt động như mồi bẫy hệ thống phòng không của Ukraine. Bất kể ý định của Nga là gì, điều này cho thấy kho tên lửa tầm xa của Nga đang cạn kiệt”.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) do chính phủ Mỹ cũng đưa ra nhận định tương tự báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh: “Việc quân đội Nga có khả năng sử dụng một hệ thống vũ khí có vai trò chiến lược hơn để làm mồi bẫy lực lượng phòng không Ukraine đã chứng minh báo cáo trước đây của ISW rằng quân đội Nga đang cạn kiệt đáng kể kho tên lửa chính xác cao”.
Tên lửa Kh-55 SM
Kh-55 SM (NATO gọi là AS-15 “Kent”) là tên lửa hành trình chiến lược cận âm, phóng từ trên không, tầm bắn 2.500 km, được Liên Xô phát triển vào những năm 1970.
Tên lửa do MKB Raduga thiết kế, có hệ thống dẫn đường quán tính và khớp ảnh địa hình, có khả năng bay bám địa hình ở độ cao nhỏ và cơ động liên tục để tránh lưới phòng không đối phương. Kh-55 có thể mang đầu đạn hạt nhân 200 kiloton và được trang bị riêng cho các máy bay ném bom chiến lược của Nga như Tu-95MS và Tu-160, cho phép chúng tấn công mục tiêu từ ngoài tầm đánh chặn của mọi tổ hợp phòng không đối phương.
Cuối những năm 1980, Raduga bắt đầu nghiên cứu thay thế Kh-55 SM bằng các loại tên lửa có khả năng tàng hình cao hơn có thể mang đầu đạn thông thường (Kh-101) hoặc đầu đạn hạt nhân (Kh-102).
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, do những hạn chế trong việc triển khai tên lửa hạt nhân tầm xa, Nga bắt đầu phát triển một biến thể thông thường của Kh-55 SM. Năm 2001, Lực lượng Không quân Nga được cho là đã bật đèn xanh cho sự phát triển tên lửa Kh-555 (NATO gọi là AS-15 Kent C).
Kh-555 được hình thành như một bản nâng cấp của Kh-55 SM, chứ không phải là sự thay thế như trường hợp của Kh-101. Kh-555 có kích thước tương tự Kh-55 SM.
Tín hiệu radar của Kh-555 nhỏ hơn Kh-55 SM. Tuy nhiên, Kh-555 không phải là tên lửa tàng hình như Kh-101.
Sau các cuộc thử nghiệm và đánh giá, Kh-555 được phê duyệt sản xuất vào năm 1999. Không quân Nga nhận tên lửa Kh-555 vào năm 2004.
Cả Kh-555 và Kh-101 đều được sử dụng trên máy bay ném bom của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Nga sử dụng Kh-55 làm mồi bẫy như thế nào?
Nhà phân tích quân sự Vijainder Thakur, phi công nghỉ hưu của Không quân Ấn Độ cho rằng, báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh là nhằm đưa thông tin sai lệch, tạo ấn tượng rằng, do cạn kiệt kho tên lửa hành trình hiện có, Nga sẵn sàng hy sinh khả năng răn đe chiến lược của mình để tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Theo ông Thakur, với sự ra đời của tên lửa Kh-102, nhiều tên lửa Kh-55 SM đang bị rút khỏi vai trò chiến lược.
Có bằng chứng cho thấy sau khi ra mắt tên lửa hành trình chiến lược tầm xa Kh-102, Nga đã bắt đầu thay đổi mục đích sử dụng tên lửa Kh-55 SM không mang đầu đạn từ năm 2015.
Năm 2015, Không quân Nga tuyên bố 4 tiêm kích đánh chặn MiG-31 Foxhound đã bắn hạ thành công tên lửa hành trình Kh-55 trong cuộc thử nghiệm với sự hỗ trợ của máy bay A-50.
Các quân đội trên khắp thế giới luôn tìm cách hoán cải các hệ thống vũ khí đã nghỉ hưu để sử dụng vào các mục đích phù hợp.
Ông Thakur nhận định, có khả năng Nga đang sử dụng tên lửa Kh-55 SM làm mồi bẫy các hệ thống phòng không của Ukraine, khiến chúng lộ vị trí để máy bay chiến đấu Su-35S được trang bị tên lửa Kh-31 dễ dàng tấn công.
Theo chuyên gia Ấn Độ, không có bằng chứng nào cho thấy việc cạn kiệt kho tên lửa hành trình buộc Nga phải sử dụng tới Kh-55 SM không mang đầu đạn./.