Cường kích Nga Su-34 thả bom lên mục tiêu Ukraine bằng chiến thuật Jaguar
VOV.VN - Video xuất hiện gần đây ghi cảnh máy bay cường kích tiên tiến nhất của Nga, Su-34, bay rất thấp và bằng rồi ném bom vào các vị trí của Ukraine. Chuyên gia nhận thấy, chiến thuật thả bom này giống cách đánh của cường kích Jaguar.
Trong clip nói trên, chiếc Su-34 bay cực thấp và thả vài quả bom không dẫn đường - các quả bom này chỉ phát nổ sau khi máy bay đã rời khu vực oanh tạc ở Ukraine. Điều này cho thấy các quả bom đó có thể đã dùng ngòi trì hoãn.
Phi công kỳ cựu của không quân Ấn Độ, Vijainder Thakur, người từng lái máy bay Jaguar nhận định: Chiếc Su-34 này ném bom theo phong cách Jaguar.
Bay ngang, tính toán hướng gió bằng máy tính để thả bom
Máy bay SEPECAT Jaguar là máy bay cường kích Anh-Pháp, ban đầu được cả không quân Anh và không quân Pháp sử dụng trong yểm trợ đường không cũng như vai trò tấn công hạt nhân. Hiện nay, máy bay này vẫn tiếp tục phục vụ trong không quân Ấn Độ.
Trong cuộc chiến Kargil, không quân Ấn Độ đã sử dụng máy bay Jaguar để tấn công sâu vào địa bàn đối phương, sử dụng cả bom thường lẫn bom dẫn đường bằng laser.
Ngày nay, Ấn Độ giữ lại máy bay cường kích Jaguar nhằm phục vụ mục đích ném bom hạt nhân trọng trường và do vậy đây là một phần quan trọng trong bộ ba hạt nhân của Ấn Độ.
Phi công Thakur giải thích rằng Jaguar là một trong số ít các chiến đấu cơ thả bom chính xác khi bay ngang, trong khi các máy bay thế hệ trước đó sẽ ném bom khi bổ nhào xuống mục tiêu.
Máy bay Jaguar sẽ sử dụng máy tính để xác định hướng gió chính và tốc độ gió, đồng thời tính toán tác động của gió lên hướng đi của bom thả từ trên không.
Ông Thakur nói tiếp: “Tính đến tốc độ máy bay và cao độ của máy bay, máy tính sẽ chỉ ra chính xác thời điểm phi công có thể thả bom”.
Theo Thakur, nhờ năng lực này, một chiếc Jaguar không phải “trèo và bổ nhào” sát xuống mục tiêu khiến nó đối mặt với nhiều rủi ro từ vũ khí phòng không của đối phương.
Vẫn lời Thakur: “Máy bay này có thể xâm nhập vào không phận đối phương ở độ cao 61m bên trên mặt đất, thả bom từ độ cao ổn định đó rồi thoát ly nhanh khỏi khu vực mục tiêu, duy trì độ cao nhỏ để tránh bị radar phát hiện”.
Vẫn theo chuyên gia Ấn Độ này, bom không dẫn đường vẫn có thể chính xác như bom thông minh (có dẫn đường) khi được thả từ rất thấp. “Từ kinh nghiệm của tôi với Jaguar, ta có thể dễ dàng đạt độ chính xác tới 5m nếu thả bom từ độ cao 61m”.
Máy bay tối tân, phòng thủ tốt nhưng vẫn dùng bom cổ
Khi bay thật thấp, máy bay có lợi thế lẩn tránh được radar phòng không của đối phương, nhưng cái giá phải trả ở đây là dễ bị tấn công bởi tên lửa phòng không vác vai (MANPADS).
Một phi công tiêm kích đã nghỉ hưu của Nga cho biết, các máy bay Su-35, Su-24 và Su-34 nếu bị bắn trúng thì thường là khi bay rất thấp.
Su-34 là máy bay cường kích hiện đại nhất của Nga. Máy bay này thường được dùng để thực hiện tấn công không đối đất với độ chính xác cao ở cự ly đối đầu. Tuy nhiên, máy bay thường được sử dụng cho các nhiệm vụ tìm - diệt truyền thống, trong đó máy bay bay tới khu vực mục tiêu, ngắm rõ mục tiêu và tấn công.
Điều này cũng đúng với máy bay chiến đấu hiện đại khác của Nga, đó là tiêm kích đa nhiệm Su-35 thế hệ 4.5.
Sự suy giảm nhất định trong kho tên lửa Nga thời gian qua là một nguyên nhân Nga tăng cường sử dụng các loại tiêm cường kích hiện đại của mình theo lối cũ, đó là bay vào tầm bắn của MANPAD và tấn công các mục tiên trên bộ bằng bom cổ.
Tuy nhiên, các máy bay chiến đấu của Nga được trang bị các cảm biến Cảnh báo tên lửa bay tới, nhằm phát hiện các vụ phóng tên lửa vác vai, hệ thống phóng mồi nhiệt tự động cũng như các cần tác chiến điện tử Khibiny gắn ở đầu cánh máy bay với nhiệm vụ hỗ trợ lẩn tránh tên lửa đối phương.
Các mồi nhiệt gây rối cho cảm biến hồng ngoại gắn trên tên lửa cho mục đích dẫn đường.
Các cần tác chiến điện tử Khibiny là nhằm phát hiện sóng radar phòng không và đánh lừa hệ thống tìm kiếm chủ động trên các tên lửa đang lao tới máy bay.
Su-34 vẫn là loại chiến đấu cơ được Nga triển khai nhiều nhất trên chiến trường Ukraine./.