Đằng sau quyết định của Thụy Sĩ khi mua máy bay tàng hình F-35A

VOV.VN - Thụy Sĩ vừa tuyên bố chọn mua máy bay tàng hình thế hệ thứ năm Lockheed Martin F-35A, bất chấp phản đối từ phe đối lập rằng đây là sự lựa chọn tốn kém, không cần thiết và phải phụ thuộc nhiều vào Mỹ.

Những chiến đấu cơ mang lại lợi ích cao nhất với chi phí thấp nhất

Thụy Sĩ từ lâu đã nhận thấy sự cần thiết phải nhanh chóng thay thế khoảng 30 chiếc F/A-18 Hornet, sẽ hết tuổi thọ vào năm 2030 và những chiếc F-5E/F Tiger II, đã phục vụ trong bốn thập kỷ và không được trang bị cho các chuyến bay đêm. Trong quá trình tìm kiếm một loại máy bay chiến đấu mới trị giá tới 6 tỷ franc (CHF), tương đương khoảng 5,5 tỷ euro, Thụy Sĩ đã bắt đầu một quá trình đánh giá chi tiết, bao gồm các chuyến bay thử nghiệm của 4 ứng viên là Eurofighter Typhoon của Airbus (Đức, Tây Ban Nha, Italy và Anh); F/A-18 Super Hornet của Boeing (Mỹ); F-35A của Lockheed Martin (Mỹ) và Rafale của Dassault Aviation (Pháp).

Chính phủ Thụy Sĩ vừa quyết định mua 36 tàng hình cơ F-35A sau khi các đánh giá chỉ ra đây là chiếc máy bay mang lại lợi ích cao nhất với chi phí thấp nhất, nếu sử dụng trong vòng 30 năm tới. Về số lượng, một đội máy bay gồm 36 chiếc sẽ đủ lớn để đáp ứng nhu cầu bảo vệ không phận của Thụy Sĩ về lâu dài trong tình hình căng thẳng gia tăng để đảm bảo các nước khác không thể sử dụng không phận Thụy Sĩ trong một cuộc xung đột quân sự.

F-35A được sản xuất với số lượng nhiều nhất và nó là loại máy bay được các lực lượng không quân ở châu Âu sử dụng phổ biến nhất, mang lại nhiều cơ hội hợp tác hoạt động và khả năng tiếp cận rộng rãi các nguồn dữ liệu và kỹ thuật. Với F-35A, Thụy Sĩ kiểm soát thông tin nào cần trao đổi với các lực lượng không quân khác thông qua liên kết dữ liệu và thông tin hậu cần nào cần báo cáo lại cho nhà sản xuất. Ngoài ra, máy bay sẽ được vận hành và bảo dưỡng tại Thụy Sĩ bởi Không quân Thụy Sĩ và RUAG Thụy Sĩ.

Bên cạnh những lợi ích, F-35A cho đến nay cũng đạt được kết quả tốt nhất về chi phí. Cả chi phí mua sắm và vận hành đều thấp nhất đối với loại máy bay này. Dự kiến ​​trong 30 năm, tổng chi phí mua sắm và vận hành sẽ là 15,5 tỷ CHF (khoảng 14,1 tỷ euro), thấp hơn khoảng 2 tỷ CHF (khoảng 1,8 tỷ euro) so với ứng viên về nhì. Tại thời điểm đấu thầu được thực hiện vào tháng 2/2021, chi phí mua sắm lên tới 5,068 tỷ CHF - dưới mức giới hạn tài chính 6 tỷ CHF do các cử tri đặt ra. Ngay cả khi tính đến lạm phát cho đến thời điểm thanh toán, chi phí mua sắm sẽ vẫn dưới hạn mức tín dụng.

Chứng nhận do cơ quan mua sắm Thụy Sĩ công bố cho thấy mẫu F-35A vượt trội hơn hẳn so với các ứng viên khác, đạt được lợi ích tổng thể cao nhất với 336 điểm đánh giá và hơn ứng viên về nhì 95 điểm. Khả năng tàng hình được đánh giá cao – khó bị phát hiện bằng radar - tăng khả năng sống sót là một lợi thế lớn. Ngoài ra, mẫu của Mỹ còn dẫn đầu về kỹ thuật trong lĩnh vực mạng giúp các phi công nhận thức tình huống tốt hơn; tuổi thọ dự kiến ​​là 30 năm; yêu cầu số giờ bay ít hơn 20% và cất và hạ cánh ít hơn 50% so với máy bay phản lực hiện tại của Không quân mà F-35A sẽ thay thế.

Hội đồng Liên bang đã ủy quyền cho công ty luật Homburger AG có trụ sở tại Zurich tiến hành kiểm tra tính hợp lý về việc mua sắm máy bay chiến đấu mới, bao gồm việc kiểm tra phương pháp đánh giá, các tiêu chí được sử dụng để trao hợp đồng và các khía cạnh tài chính của các hồ sơ dự thầu nhận được, đồng thời tính đến quyết định lập kế hoạch đã được các cử tri phê duyệt. Homburger AG kết luận phân tích chi phí-lợi ích và xếp hạng các nhà thầu của giới chức quân sự là hợp lý.

F-35 đã phải đối mặt với nhiều khoản vượt ngân sách, chậm trễ và trở ngại kỹ thuật, nhưng đang xây dựng động lực xuất khẩu. Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 của Lockheed gần đây đã thêm Ba Lan vào danh sách khách hàng châu Âu của mình, bao gồm Bỉ, Đan Mạch, Italy, Hà Lan, Na Uy và Anh. Tổng thống Mỹ Biden đã vận động hành lang cho các công ty Mỹ trong buổi gặp người đồng cấp Thụy Sĩ tại Geneva khi dự Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin vào tháng 6. Thỏa thuận mua máy bay trên đưa Thụy Sĩ trở thành quốc gia thứ 15 tham gia dự án tiêm kích F-35A của Mỹ.

F-35 là một trong những máy bay chiến đấu đắt tiền nhất trên thế giới và có khả năng không kích, thu thập thông tin tình báo và chiến đấu không đối không, đồng thời mang theo các cảm biến và công cụ thu thập dữ liệu cao cấp. Chính quyền ông Biden trước đó đã chỉ ra rằng họ đang tiến tới việc bán máy bay chiến đấu F-35 cho Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất trong bối cảnh bị hạn chế. Qatar cũng từng bày tỏ mong muốn mua máy bay chiến đấu F-35 từ Lockheed Martin dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump.

Năm ngoái, chính phủ Mỹ đã thông qua việc bán 105 chiếc F-35 cho Nhật Bản với giá ước tính 23,11 tỷ USD để bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ và hỗ trợ Nhật Bản phát triển khả năng tự vệ mạnh và hiệu quả. Nhật Bản sẽ có các máy bay phản lực F-35 trong thập kỷ tới, bao gồm 42 máy bay F-35B. Hai năm trước, nước láng giềng Hàn Quốc của Nhật Bản đã mua máy bay tàng hình F-35 của Mỹ, và một số chiếc nữa sẽ được chuyển giao trong năm nay - một động thái bị chính quyền Triều Tiên chỉ trích. Các máy bay chiến đấu ưu tú đang được Anh, Israel và các quốc gia khác đưa vào hoạt động.

Đằng sau quyết định của Thụy Sĩ

Các nhà phân tích cho rằng quyết định từ chối cả hai ứng cử viên máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon, Rafale và đề nghị tên lửa đất đối không của Châu Âu có thể được coi là một hành động phản kháng của Thụy Sĩ đối với Liên minh Châu Âu trong thời điểm quan hệ căng thẳng giữa Bern và Brussels sau khi các cuộc đàm phán về một thỏa thuận mới về quản lý thương mại và các vấn đề khác sụp đổ.

Việc chính phủ bảo thủ theo đuổi máy bay chiến đấu mới đã vấp phải sự chỉ trích từ các đảng đối lập, đảng Dân chủ xã hội trung tả (SP), đảng Cánh tả Greens, cũng như tổ chức chiến dịch chống vũ trang hóa, nhóm GSoA vì một Thụy Sĩ không có quân đội. Các nhóm đã ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý công khai về thỏa thuận Lockheed Martin, tuyên bố rằng các máy tiêm kích tàng hình F-35A quá đắt, không đảm bảo kỹ thuật và có thể bị tình báo Mỹ theo dõi, do đó đe dọa lập trường chính sách đối ngoại trung lập của Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ từng 3 lần tổ chức trưng cầu dân ý về các thỏa thuận mua máy bay, trong đó, năm 2014, người dân nước này từng bỏ phiếu hủy bỏ thỏa thuận mua 22 máy bay chiến đấu Gripen từ tập đoàn Saab của Thụy Điển. Tháng 1/2020, GSoA, Đảng Dân chủ Xã hội của Thụy Sĩ và Đảng Xanh đã khơi mào tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý chống lại việc giải ngân 6 tỷ CHF mua máy bay chiến đấu mới. Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 27/9/2020, những người ủng hộ mua sắm chỉ thắng với cách biệt nhỏ (50,1%).

Trong chiến dịch trưng cầu dân ý, chính phủ đã cảnh báo nếu không có sự thay thế nhanh chóng cho lực lượng không quân của mình, "Thụy Sĩ sẽ không còn ở vị trí để bảo vệ và thậm chí ít bảo vệ không phận của mình vào năm 2030". Hiện tại, hạm đội không có khả năng hỗ trợ binh lính mặt đất cho các nhiệm vụ trinh sát hoặc can thiệp vào các mục tiêu mặt đất. Những người ủng hộ mua máy bay cho rằng Thụy Sĩ cần có khả năng tự bảo vệ mình mà không cần dựa vào người khác.

Nhưng các nhà vận động chống vũ khí cho biết Thụy Sĩ, quốc gia đã chiến đấu với nước ngoài lần cuối cách đây hơn 200 năm và không có kẻ thù rõ ràng, không cần các máy bay chiến đấu tối tân để bảo vệ lãnh thổ Alpine của mình, nơi một máy bay phản lực siêu thanh có thể vượt qua trong 10 phút. Nếu một cuộc trưng cầu dân ý thực sự xảy ra, nhiều khả năng chính quyền Thụy Sĩ sẽ phải hứng chịu kết quả thua cuộc do theo cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng 9/2020, phần lớn người dân nước này phản đối mua tiêm kích F-35.

Hiện ngành công nghiệp đang thảo luận về việc liệu quyết định về F-35A có thể bị lật lại một lần nữa hay không, cho rằng, không ai có thể dự đoán cụ thể một cuộc trưng cầu dân ý mới có thể xảy ra như thế nào đối với mẫu F-35A hiện đã được lựa chọn của Mỹ. Thư ký chính trị của Tập đoàn về một Thụy Sĩ không có quân đội cho biết, ông tự tin giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý chống lại F-35A./.

Không quân Mỹ thừa nhận chương trình F-35 thất bại?

VOV.VN - Tham mưu trưởng Không quân Mỹ - Tướng Charles Brown - muốn phát triển một loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ 4,5, giá cả phải chăng để thay thế hàng trăm chiếc F-16 thời Chiến tranh Lạnh và bổ sung cho đội bay với số lượng ít các chiến đấu cơ tàng hình phức tạp, đắt tiền nhưng không đáng tin cậy.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

F-35 của Mỹ bị rơi do va chạm với máy bay tiếp nhiên liệu trên không
F-35 của Mỹ bị rơi do va chạm với máy bay tiếp nhiên liệu trên không

VOV.VN - Tiêm kích tàng hình F-35B đã bị rơi sau khi va chạm với máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-130J.

F-35 của Mỹ bị rơi do va chạm với máy bay tiếp nhiên liệu trên không

F-35 của Mỹ bị rơi do va chạm với máy bay tiếp nhiên liệu trên không

VOV.VN - Tiêm kích tàng hình F-35B đã bị rơi sau khi va chạm với máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-130J.

Mỹ tiến tới bán 50 máy bay chiến đấu F-35 cho UAE
Mỹ tiến tới bán 50 máy bay chiến đấu F-35 cho UAE

VOV.VN - UAE đã được hứa cho cơ hội mua tiêm kích F-35 của Mỹ khi đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel.

Mỹ tiến tới bán 50 máy bay chiến đấu F-35 cho UAE

Mỹ tiến tới bán 50 máy bay chiến đấu F-35 cho UAE

VOV.VN - UAE đã được hứa cho cơ hội mua tiêm kích F-35 của Mỹ khi đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel.

Video: Tiêm kích tàng hình F-35 ném thử bom hạt nhân B61-12
Video: Tiêm kích tàng hình F-35 ném thử bom hạt nhân B61-12

VOV.VN - Theo Sputnik, đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ công bố video về một chiếc F-35A Joint Strike Fighter thả bom hạt nhân.

Video: Tiêm kích tàng hình F-35 ném thử bom hạt nhân B61-12

Video: Tiêm kích tàng hình F-35 ném thử bom hạt nhân B61-12

VOV.VN - Theo Sputnik, đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ công bố video về một chiếc F-35A Joint Strike Fighter thả bom hạt nhân.