Dự toán ngân sách quốc phòng khủng của Nhật Bản cho năm 2021
VOV.VN - Mức chi dự kiến cho ngân sách quốc phòng khóa tới của Nhật Bản sẽ khoảng 5.340 tỷ yen (51,5 tỷ USD), mức cao kỷ lục trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn do đại dịch Covid-19, khiến giới nghiên cứu đặc biệt quan tâm.
Lĩnh vực ưu tiên
Ngày 21/12, chính phủ Nhật Bản thông qua dự toán ngân sách sơ bộ năm 2021 là 106.609,7 tỷ yen, tăng 3,8% so với năm 2020 (102.658 tỷ yen). Trong đó, ngân sách quốc phòng sẽ khoảng 5.340 tỷ yen (51,5 tỷ USD), tăng 0,5% so với năm 2020, mức cao kỷ lục trong 9 năm liên tiếp.
Đúng như cam kết, Thủ tướng Yoshihide Suga tiếp tục chính sách mở rộng tiềm lực quân sự và chiến lược ngoại giao mà người tiền nhiệm Shinzo Abe đã theo đuổi. Trong khi đó, các nghị sĩ đối lập Nhật Bản lo ngại việc sở hữu tên lửa chống hạm tầm xa mới sẽ đi ngược lại “Hiến pháp Hòa bình” vốn giới hạn năng lực quân sự nước này trong phạm vi tự vệ.
Ngân sách quốc phòng Nhật Bản năm tài khóa 2021 sẽ bao gồm các khoản chi để mua chiến đấu cơ và tên lửa thế hệ mới, đóng tàu hải quân được trang bị tên lửa đánh chặn sử dụng công nghệ Aegis; đồng thời, tăng cường năng lực của các lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở những lĩnh vực mới như không gian mạng, không gian vũ trụ và phổ điện từ.
Theo kế hoạch phân bổ ngân sách, Chính phủ Nhật sẽ chi 706 triệu USD cho dự án phát triển chiến đấu cơ tàng hình mới F-X (thay thế F-2), có thể sẵn sàng hoạt động vào thập niên 2030. Dự án do Tập đoàn công nghiệp Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản phối hợp với Hãng sản xuất vũ khí Lockheed Martin của Mỹ thực hiện. Tổng kinh phí của dự án này trong những năm tới ước tính khoảng 40 tỉ USD.
Nhật Bản sẽ sử dụng 323 triệu USD vào chương trình phát triển tên lửa chống hạm tầm xa nhằm bảo vệ chuỗi đảo Okinawa, 628 triệu USD dùng mua 6 chiến đấu cơ F-35. Trong số tiêm kích này, sẽ có 2 biến thể cất cánh ở đường băng ngắn và hạ cánh kiểu thẳng đứng, hoạt động trên chiến hạm Izumo-chiến hạm lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Biển được hoán cải thành tàu sân bay.
Quân đội Nhật Bản cũng sẽ nhận được 912 triệu USD để đóng 2 tàu chiến nhỏ gọn có thể hoạt động với số thủy thủ ít hơn so với các tàu khu trục thông thường. Nhật Bản còn muốn sở hữu thêm 2 tàu chiến được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis mới của Mỹ. Ước tính chi phí của kế hoạch này lên tới 4,8 tỉ USD.
Ngoài các hình thái tác chiến truyền thống, Nhật Bản xác định tác chiến trên mạng máy tính, không gian vũ trụ và sóng điện từ là những hình thái mới cần tập trung phát triển để xây dựng sức mạnh phòng vệ tổng hợp nhằm đối phó hiệu quả với sự thay đổi của môi trường an ninh quốc tế.
Nhật Bản sẽ nâng cấp đơn vị tác chiến mạng, thành lập đơn vị mới có nhiệm vụ giám sát không gian vũ trụ để ngăn chặn các mảnh rác vũ trụ gây nguy hiểm cho hệ thống vệ tinh nhân tạo hoặc ngăn chặn hệ thống chỉ huy tác chiến sử dụng hệ thống định vị vệ tinh của đối phương; nghiên cứu áp dụng kỹ thuật cao, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, củng cố ngành công nghiệp quốc phòng và bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Giới chuyên gia nhận định việc phân bổ ngân sách cho các loại tên lửa mới là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang trên đà chuyển biến để đạt được khả năng tấn công ngăn chặn.
Những nỗ lực thay đổi
Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2019 đánh giá môi trường an ninh khu vực đang thay đổi nhanh chóng, với những diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó nổi lên các hoạt động gia tăng quân sự của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, biển Nhật Bản, Biển Đông, cũng như gia tăng tần suất tiến ra Thái Bình Dương, khiến Nhật Bản thắt chặt quan hệ với Mỹ để đảm bảo đối trọng, kiềm chế áp lực từ Trung Quốc và mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Theo đó, Trung Quốc trở thành mối đe dọa chủ chốt về an ninh đối với Nhật Bản, kế sau đó là Triều Tiên và Nga. Những năm gần đây “Trung Quốc đã tham gia vào những nỗ lực đơn phương, cưỡng chế nhằm thay đổi hiện trạng dựa trên những xác nhận riêng của nước này, và điều này không phù hợp với trật tự quốc tế hiện nay. Có thể những công trình thuộc dự án “Vành đai và con đường” sẽ tăng cường hoạt động của quân đội Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và nhiều nơi khác”.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc cũng ngày càng tăng; năm 2019 là 1.200 tỷ NDT, tăng 7,5% so với năm 2018 và gấp 3 lần Nhật Bản; năm 2020 khoảng 1.268 tỷ NDT, tăng 6,6% so với năm 2019. Dự kiến, đến năm 2035, công cuộc hiện đại hóa quốc phòng và các lực lượng của Trung Quốc sẽ cơ bản được hoàn thành; đến giữa thế kỷ 21, các lực lượng vũ trang sẽ được chuyển đổi hoàn toàn thành quân đội tầm cỡ thế giới.
Bắc Kinh hiện đang phát triển nhiều vũ khí tiên tiến nhằm tăng khả năng hoạt động trong các chiến dịch quân sự. Hải quân Trung Quốc đã vươn xa đến gần các đảo phía Tây thuộc quần đảo Okinawa, cũng như những vùng thuộc Tây Thái Bình Dương. Việc các tàu và máy bay Trung Quốc tuần tra gần không phận và lãnh hải Nhật Bản trở thành “nỗi lo ngại an ninh quốc gia” của Tokyo.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đánh giá Triều Tiên đang nỗ lực thu nhỏ đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa đạn đạo và chưa có thay đổi thực chất trong tiến trình phi hạt nhân hóa.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cân nhắc tăng tài khóa năm 2021 nhằm phù hợp với bối cảnh an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi nhanh chóng. Ông Katsunobu Kato, chánh văn phòng nội các khẳng định trong một buổi họp báo thường kỳ, Nhật Bản “tăng khả năng quốc phòng để thích ứng với tình hình an ninh ngày càng khó khăn hơn”.
Chiến lược quốc phòng của Nhật Bản trong những năm gần đây đã có những thay đổi mang tính chất bước ngoặt, hướng đến xây dựng một nền quốc phòng mạnh, tự chủ về kỹ thuật quân sự, nhằm ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa từ bên ngoài; tăng cường mua sắm vũ khí, trang bị, xây dựng sức mạnh phòng vệ tổng hợp, nỗ lực thoát khỏi ràng buộc của “Hiến pháp Hòa bình”.
Kể từ sau Thế chiến II, Nhật Bản bị ràng buộc bởi bản Hiến pháp Hòa bình, trong đó có Điều 9 quy định ngăn cấm nước này sở hữu năng lực chiến đấu và quyền tham chiến. Trước những thay đổi to lớn của tình hình, Chính phủ Nhật Bản mong muốn sửa đổi bản hiến pháp. Tuy tiến trình này vẫn giậm chân tại chỗ do nhiều rào cản, nhưng trên thực tế, những thay đổi “tiệm tiến” về chiến lược quốc phòng, an ninh của Nhật Bản vẫn diễn ra.
Những động thái của Nhật Bản, như thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ, liên tục tăng ngân sách quốc phòng, nâng cao năng lực của Lực lượng phòng vệ, sửa đổi quy định về quyền tự vệ tập thể trong hiến pháp, cho phép quân đội được can thiệp quân sự ra bên ngoài lãnh thổ, nới lỏng quy định cấm xuất khẩu vũ khí…, phản ánh nỗ lực của Nhật Bản nhằm tăng cường bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và trở thành “nước lớn chính trị”, có đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế./.