Kết nạp Thụy Điển và Phần Lan, NATO sẽ như hổ thêm cánh?
VOV.VN - Nếu chính thức trở thành thành viên NATO, Thụy Điển và Phần Lan có thể cung cấp cho NATO các tài sản quân sự có giá trị, đáng chú ý là khả năng tình báo.
Duy trì sự trung lập suốt nhiều năm, nhưng những lo ngại an ninh liên quan tới xung đột Nga - Ukraine đã thay đổi tính toán của Thụy Điển và Phần Lan. Tỷ lệ ủng hộ gia nhập NATO ở cả 2 quốc gia Bắc Âu này cũng tăng đáng kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch ở Ukraine cuối tháng 2 vừa qua. Đó là lý do cả Heksinki và Stockholm quyết định sẽ không đứng ngoài liên minh quân sự nữa.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin hôm 15/5 đã xác nhận nước này sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO.
“Hôm nay là một ngày lịch sử. Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu”, Tổng thống Niinisto nói.
Chỉ sau đó một ngày, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cũng xác nhận nước này sẽ nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự NATO.
Trên thực tế, cả Thụy Điển và Phần Lan đều đã là đối tác của NATO, được nhận các báo cáo an ninh và tham gia các cuộc tập trận chung với liên minh quân sự này. Cả 2 nước cũng cho phép NATO tiếp cận lãnh thổ trong những trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, việc trở thành thành viên chính thức sẽ giúp Stockholm và Helsinki được bảo vệ theo Điều 5 của NATO, trong đó quy định một cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công vào tất cả các thành viên còn lại.
Gia nhập NATO, Thụy Điển và Phần Lan không chỉ chấm dứt hàng chục năm trung lập, mà còn giúp mở rộng biên giới của NATO với Nga cũng như giúp liên minh quân sự này gia tăng sức mạnh chiến đấu.
Sức mạnh trên không và trên bộ
Theo ông Jim Townsend, cựu quan chức Lầu Năm Góc và NATO Việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan có thể đem lại nhiều lợi thế cho NATO về mặt quân sự, cả trên không, trên bộ, trên biển và lĩnh vực tình báo.
Ông Townsend đánh giá không quân Phần Lan là một trong những lực lượng mạnh mẽ ở châu Âu.
“Họ có phi đội F/A-18 được triển khai các loại đạn dược mới nhất của Mỹ, họ cũng có kế hoạch mua F-35”, ông Townsend nói, đề cập việc Phần Lan có ý định mua các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ theo hợp đồng trị giá hàng tỷ USD.
Trong kho máy bay chiến đấu của Thụy Điển có tiêm kích Gripen, loại máy bay mà Helsinki từng tuyên bố là có khả năng vượt trội trong việc đánh bại máy bay Sukhoi.
“Gripen, đặc biệt là phiên bản E, được thiết kế để tiêu diệt Sukhoi”, ông Mats Helgesson từng tuyên bố như vậy năm 2019 khi còn là Tư lệnh Không quân Thụy Điển. Đặc biệt, tiêm kích Gripen còn được cho là nổi trội trong tác chiến điện tử.
Trên bộ, Phần Lan có một trong những lực lượng pháo binh mạnh nhất châu Âu với khoảng 1.500 hệ thống pháo khác nhau. Nước này duy trì lực lượng quân chính quy cũng như quân dự bị tương đối lớn và hiệu quả.
Trong một cuộc thăm dò tháng 12/2021, khoảng 90% nam giới và 84% nữ giới tham gia lực lượng vũ trang Phần Lan nói rằng họ đã sẵn sàng bảo vệ đất nước với khả năng tốt nhất của mình. Đây là tỷ lệ cao nhất ở châu Âu.
“Khi nói đến việc chiến đấu ở Bắc Cực, trong điều kiện tuyết rơi, không ai có thể đánh bại Phần Lan”, ông Townsend nhận định, nhắc tới khả năng tự nhiên của các lực lượng bộ binh hiện đại của Phần Lan, cũng như năng lực chiến đấu lịch sử của nước này trong khía cạnh tác chiến mùa đông.
Những lực lượng hải quân chuyên nghiệp và hiện đại
Ông cũng cho biết thêm, cả Thụy Điển và Phần Lan đều có lực lượng hải quân “rất chuyên nghiệp và hiện đại”. Đội tàu ngầm của Thụy Điển cũng là yếu tố góp phần vào hiệu quả của cả 2 quốc gia Bắc Âu này trong các cuộc tập trận hải quân.
Trong một cuộc tập trận năm 2005, HSMS Gotland, tàu ngầm cỡ nhỏ chạy diesel-điện với động cơ Stirling vận hành tương đối yên tĩnh, có thể đến gần và tấn công tàu sân bay USS Ronald Reagan trị giá 6,2 tỷ USD của Hải quân Mỹ mà không bị phát hiện.
Trong các cuộc tập trận những năm sau đó, tàu ngầm Gotland cũng liên tiếp thành công khi có thể “tàng hình” vượt qua các tàu khu trục và tàu ngầm tấn công hạt nhân.
Năng lực tình báo
Phần Lan, có đường biên giới chung dài khoảng 1.300km với Nga, cũng có thể đem lại cho NATO khả năng tình báo quan trọng trong kịch bản xảy ra xung đột.
“NATO không có khả năng tình báo tích cực của riêng mình mà dựa vào nguồn tin tình báo do các đồng minh cung cấp, vì thể Phần Lan có thể đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. Họ sẽ giám sát chặt chẽ các động thái của Nga”, ông Townsend nói, đồng thời nhận định Phần Lan còn biết rõ về Nga hơn nhiều so với các nước thành viên NATO./.