Kinh nghiệm thoát hiểm khi bị khủng bố tấn công
VOV.VN - Lúc chẳng may rơi vào giữa nơi xảy ra tấn công khủng bố, bạn cần bình tĩnh và sử dụng những kỹ năng ứng phó hợp lý để có thể thoát hiểm.
Chuyên gia kỳ cựu Nga về chống khủng bố - Vladimir Yeliseyev nói với Sputnik về điều cần làm khi ở đúng chỗ xảy ra một vụ tấn công khủng bố.
Khu vực sân bay Brussels sau khi xảy ra loạt đánh bom khủng bố hôm 22/3. Ảnh: AP.
Hãy tưởng tượng nếu chẳng may bạn rơi vào tình huống như vậy. Không khí đầy bụi và khói, người bị thương nằm la liệt xung quanh, một số người hoảng loạn và bỏ chạy. Cạnh đó, bạn nhận thấy một người đàn ông bị thương nằm trên sàn và có vẻ đang cố với lấy một cái túi to.
Bạn sẽ phải làm gì đây?
Một chuyên gia chống khủng bố kỳ cựu của lực lượng đặc nhiệm Nga đã chia sẻ với độc giả cách thức để có thể tối đa hóa cơ hội sống sót và ngăn ngừa các vụ tấn công khủng bố trong tương lai.
Ông Vladimir Yeliseyev là một cựu binh của lực lượng spetsnaz (đặc nhiệm) chống khủng bố Alfa, ban đầu được thành lập với tư cách là một bộ phận của cơ quan an ninh-tình báo KGB danh tiếng thời Liên Xô và nay thuộc cơ quan an ninh Liên bang Nga FSB.
Dưới đây là một số bí kíp của ông này về cách xử lý tình huống khi bạn rơi vào hoàn cảnh gặp phải một vụ tấn công khủng bố:
1. Đừng hoảng loạn
Trong tình trạng hoảng loạn, nhiều người bị thương, đôi khi tới cấp độ cận kề cái chết. Tránh các lối đi hẹp nếu có lối thoát khác. Nếu chỉ có một lối ra, đừng chạy lên phía trước người khác mà hãy cố gắng tuân thủ nghiêm việc rút đi một cách trật tự. Bằng cách như vậy, bạn sẽ rời nơi xảy ra khủng bố nhanh chóng hơn rất nhiều.
2. Đừng chạy hùa theo đám đông
Ngoài việc bị thương trong vụ tấn công khủng bố, bạn còn có nguy cơ bị những người khác giẫm đạp lên khi họ bỏ chạy tán loạn. Bạn không biết người ta đang chạy đi đâu và kết cục là bạn có thể lại rơi vào một khu vực bị khủng bố mới.
3. Nếu không bị thương, hãy nhìn xung quanh
Cố gắng ghi nhớ con người và các đồ vật. Tên khủng bố có thể ở ngay cạnh đó. Báo với cảnh sát hoặc nhân viên y tế về mọi thứ khả nghi hoặc thu hút sự chú ý của bạn. Điều này có thể giúp ngăn ngừa một cú khủng bố nữa.
4. Không sờ vào đồ đạc của người khác và những đồ vật mình không biết
Các thứ đó có thể chứa các linh kiện của bom hoặc một thiết bị nổ chưa nổ, nhất là khi đó là một cái túi, valy hay ba lô. Nếu bạn thấy một đồ vật như vậy, hãy thông báo cho các nhân viên thực thi pháp luật mà không chạm tay vào.
5. Cố gắng rời hiện trường càng sớm càng tốt
Có khả năng xảy ra tiếp một vụ nổ nữa. Cũng có khả năng tòa nhà nơi có vụ khủng bố sẽ đổ sập. Ngoài ra bạn đối mặt với nguy cơ nhiễm độc do các vật thể cháy và bụi từ tòa nhà bị hư hại. Tốt nhất nên che mũi và miệng bằng một loại vải nào đó để tránh hít phải các phần tử bụi độc.
6. Tuân theo các chỉ dẫn và mệnh lệnh của cơ quan công vụ
Các nhân viên công vụ chịu trách nhiệm tạo lối thoát có tổ chức ra khỏi khu vực bị tấn công khủng bố. Họ biết phải đi hướng nào để khỏi bị rơi vào chỗ có khói hoặc tòa nhà sắp sập. Họ che giấu khu vực này để giúp các nạn nhân thoát khỏi vùng tấn công để sang nơi có thể có bác sĩ và chuyên gia tâm lý. Nếu khủng bố xảy ra lúc thời tiết lạnh giá, có thể phải tổ chức cả nơi ấm áp để đón nhận người sơ tán.
7. Tìm trợ giúp y tế nếu bạn bị thương
Theo quy tắc chung, các xe cứu thương sẽ nhanh chóng tới nơi xảy ra tấn công khủng bố. Bạn có thể không nhận ra là mình bị thương khi đang bị sốc nặng – điều này có thể dẫn tới tình trạng mất máu và các biến chứng khác cũng như tình trạng ngất xỉu hoặc các bị thương khác.
8. Cố gắng nhớ lại mọi thứ đã xảy ra
Cố gắng găm vào trí nhớ của bạn tất cả các chi tiết thu hút sự chú ý của bạn. Thông tin này có thể hữu ích cho quá trình điều tra sau đó. Với sự chủ động này bạn sẽ hỗ trợ việc điều tra vụ tấn công khủng bố./.