Lầu Năm Góc có vai trò gì trong thắng lợi Mosul của quân đội Iraq?
VOV.VN - Chiến thắng lớn mới đây của quân đội Iraq tại thành phố Mosul được xem là sự xác nhận cho tính đúng đắn trong chiến lược quân sự của Lầu Năm Góc.
Chiến thắng khó nhọc của quân đội Iraq trước tổ chức khủng bố Hồi giáo IS ở Mosul đánh dấu một bước ngoặt đối với không chỉ quân đội Iraq mà còn cả học thuyết quân sự Mỹ ở phía sau.
Quân nhân Mỹ đứng hướng dẫn kỹ chiến thuật cho các binh sĩ Iraq. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.
Thay vì đưa một lượng lớn lính bộ Mỹ tới Iraq chiến đấu, chiến lược do Mỹ dẫn dắt ở Iraq và Syria là tiến hành chiến dịch không kích không ngừng kết hợp với huấn luyện và cố vấn liên tục cho các lực lượng ủy nhiệm tại chỗ.
Các quan chức Lầu Năm Góc nói rằng kết quả đã rõ ràng – 3 năm sau thất bại ê chề trước các chiến binh thánh chiến phất cờ đen khắp nơi trên đất nước Iraq, quân đội Iraq giờ đã dạn dày trận mạc và có thể chiếm ưu thế trong một trận chiến đô thị bạo tàn.
Một sĩ quan cao cấp của quân đội Mỹ được triển khai tới Iraq trong các năm 2015-2016 nói: “Chính công tác huấn luyện đóng vai trò quan trọng – nó đã giúp người Iraq lấy lại đất nước của chính họ”.
Câu chuyện bây giờ khác hẳn với thời điểm mà người đứng đầu Lầu Năm Góc Ashton Carter tuyên bố vào tháng 5/2015 rằng quân đội Iraq “không thể hiện được chút ý chí chiến đấu nào”.
Khi IS tấn công tràn ra toàn lãnh thổ Iraq vào năm 2014, quân đội và cảnh sát Iraq đã trở nên suy yếu dưới thời của Thủ tướng Iraq khi đó là Nouri al-Maliki.
Thời điểm ấy các binh sĩ Iraq đơn giản là chỉ quay đầu và tháo chạy, không đếm xỉa gì đến chuyện chiến đấu, vứt bỏ cả vũ khí và xe quân sự do Mỹ cung cấp để thoát thân.
Vị quan chức quân sự nói: “Thật là kinh ngạc. Đến IS cũng phải ngạc nhiên là tại sao quân đội Iraq đột nhiên tan rã nhanh đến thế”.
Vấn đề nằm ở chỗ các kỹ năng mà quân đội Iraq học được trong giai đoạn Mỹ bảo hộ từ năm 2008-2011 tập trung vào chống nổi loạn, chứ không phải nhằm chặn đứng một đội quân thánh chiến đang hừng hực khí thế tiến công.
Quan chức Mỹ nói tiếp: “Chúng ta cần một đội quân có khả năng chiến đấu theo lối chính quy”.
Quyết định sử dụng vài trăm lính Mỹ và một số chuyên gia quân sự phương Tây khác để huấn luyện các binh lính địa phương bắt nguồn một phần từ Cuộc chiến Iraq 2003, mà ở đó hơn 4.400 lính Mỹ tử trận. Trong khi đó, công chúng Mỹ rất nhạy cảm với việc triển khai thêm quân và không muốn Tổng thống Barack Obama đưa thêm quân sang Iraq.
Kỹ năng mới
Tổng thống Obama ra lệnh thực hiện không kích và theo đuổi chiến lược huấn luyện các lực lượng bản địa.
Mùa hè năm 2015, các cố vấn liên quân bắt đầu hướng dẫn người Iraq về chiến tranh chính quy – chiến đấu bằng các đơn vị nhỏ, lập tuyến phòng ngự, cách thức tạo bãi mìn...
Vào cuối năm đó, quân Iraq bắt đầu đánh trả IS, bao gồm cả việc tái chiếm Ramadi.
Tính đến tháng này, liên quân đã huấn luyện khoảng 106.000 thành viên các lực lượng vũ trang Iraq, bao gồm 40.000 quân nhân, 15.000 cảnh sát, 6.000 lính biên phòng, 21.000 dân quân người Kurd, 14.000 lính đặc nhiệm chống khủng bố và thêm 9.500 thành viên “lực lượng huy động từ các bộ lạc”.
Kể từ khi chiến dịch chống IS bắt đầu ở Iraq và Syria vào năm 2014, chỉ có 11 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Quân đội Mỹ đang thử nghiệm một chiến lược tương tự với các lực lượng vũ trang Afghanistan trong cuộc chiến chống lại lực lượng nổi loạn Taliban.
Chú ngựa duy nhất để cưỡi
Đối với Brian McKeon - một quan chức chính sách cao cấp của Lầu Năm Góc vào cuối nhiệm kỳ Obama, chiến lược trên là hiệu quả, dù không được nhanh như kỳ vọng. Trận chiến Mosul bắt đầu vào ngày 16/10/2016.
Một khi đưa ra quyết định làm việc “cùng và thông qua các đối tác”, đây là “chú ngựa duy nhất mà chúng ta cưỡi” - McKeon nói, ám chỉ chiến lược nói trên.
Chiến lược hỗ trợ một quân đội ủy nhiệm sẽ ngày càng quan trọng khi Mỹ tránh xa việc triển khai đầy đủ lực lượng của mình.
Đối với John Spencer, học giả tại Viện Chiến tranh Hiện đại ở West Point, cuộc chiến giành lại Mosul đã là “trường hợp hiện đại lớn nhất cho nghiên cứu cụ thể về tác chiến đô thị trong tương lại”.
Mỹ đang triển khai chiến thuật tương tự ở Syria, nơi đặc nhiệm của họ đã đào tạo một liên minh Kurd-Arab gọi là Lực lượng Dân chủ Syria để trị IS.
Khủng bố Hồi giáo IS bị đánh liệt nửa cơ thể khi để mất Mosul
Bộ trưởng Quốc trưởng James Mattis gọi đây là “kỷ nguyên của các cuộc chạm trán nhỏ”, khi các lực lượng bản địa sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc đẩy lui các nhóm phi nhà nước như là IS.
Ông Mattis phát biểu trong các cuộc phỏng vấn với CBS News: “Chúng tôi sẽ làm điều đó bằng, với và thông qua các quốc gia”.
Mặc dầu cuộc chiến chống IS chưa kết thúc, Tướng Canada Dave Anderson – người giám sát việc đào lực lượng địa phương cho liên quân do Mỹ đứng đầu, nói rằng ông tin tưởng các lực lượng Iraq sẽ không bao giờ bị đánh tan tác như hồi năm 2014.
Tướng này kể: “Có một người Iraq nói với tôi rằng, “Chúng tôi có một xã hội cổ xưa và một đất nước mới toanh, khai sinh vào năm 2012, chúng tôi có một trải nghiệm suýt chết vào năm 2014”. Đây thực sự là một thấu kính tốt để nhìn nhận sự việc”./.