Nghị quyết 98: Cải cách mạnh mẽ về thể chế
VOV.VN - Nghị quyết 98 thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV cho phép TP.HCM thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù. Nghị quyết đã trao cho TP.HCM những cơ chế vượt trội trong sắp xếp lại bộ máy hành chính cho phù hợp với thực tiễn, huy động nguồn lực và phát huy truyền thống sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp. Từ đó tạo không gian phát triển mới cho thành phố.
Nghị quyết 98 thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV cho phép TP.HCM thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù. Nghị quyết đã trao cho TP.HCM những cơ chế vượt trội trong sắp xếp lại bộ máy hành chính cho phù hợp với thực tiễn, huy động nguồn lực và phát huy truyền thống sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp. Từ đó tạo không gian phát triển mới cho thành phố. Loạt bài: “Nghị quyết 98, thể chế vượt trội để TP.HCM hành động vì cả nước”.
Cởi "chiếc áo chật" cho TP.Thủ Đức
Giữa tháng 11 vừa qua, Trung tâm Hành chính công của TP.Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động. Với việc vận hành mô hình trung tâm hành chính công đầu tiên của TP.HCM, người dân, doanh nghiệp không còn phải mất quá nhiều thời gian, đi lại nhiều nơi để làm thủ tục hành chính, mà thay vào đó, từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả đều thực hiện rút gọn tại một chỗ. Đây là điều mà người dân, doanh nghiệp mong mỏi kể từ khi thành lập TP.Thủ Đức đến nay.
“Việc TP. Thủ Đức thành lập trung tâm hành chính công hiện đại, tập trung giúp thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhanh gọn hơn, giúp cho người dân doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều hơn”, một người dân bày tỏ.
Trung tâm Hành chính công TP.Thủ Đức ra đời sau khi HĐND TP.HCM thông qua Nghị quyết thành lập vào tháng 9 vừa qua. Vận dụng quy định của Nghị quyết 98, HĐND TP.HCM cũng ra nghị quyết về việc cơ cấu lại bộ máy hành chính của TP.Thủ Đức phù hợp với thực tiễn của thành phố. Từ đó giúp mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên trong cả nước cởi dần “chiếc áo chật” khi trước đây theo Luật Tổ chức chính quyền đô thị, thành phố chỉ là một đơn vị hành chính cấp quận, huyện.
Ông Lê Minh Đức, Phó ban Pháp chế HĐND TP.HCM cho biết: “Vừa rồi, HĐND TP.HCM đã thông qua bộ máy UBND TP.Thủ Đức có những phòng chức năng khác với quy định của Nghị định Chính phủ. Chẳng hạn: Phòng Quản lý đô thị, bây giờ tách ra thành hai phòng là Phòng Quy hoạch đô thị và Phòng Quản lý cơ sở hạ tầng để làm tốt hơn các chức năng trên địa bàn của TP.Thủ Đức”.
Việc thực hiện những quy định “khác với thông thường” theo Nghị quyết 98, TP.Thủ Đức còn được trao những thẩm quyền như chủ động trong đầu tư, phê duyệt dự án; được phân cấp, ủy quyền trong phân công nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn và đặc biệt là được quyền điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp-Bí thư Thành ủy TP.Thủ Đức cho biết: “Nghị quyết 98 cho phép UBND TP.Thủ Đức được quyền điều chỉnh nhiệm vụ, đồ án, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Đây là một thẩm quyền rất lớn trong quản lý và phát triển đô thị hay quản trị xã hội của một địa phương”.
Cơ chế phù hợp với siêu đô thị TP.HCM
Trong những năm qua, nền kinh tế đầu tàu của cả nước đang tăng trưởng chậm lại. Nguyên nhân là bởi TP.HCM đang thiếu cơ chế, thiếu không gian phát triển. Nghị quyết 98 có hiệu lực từ ngày 1/8/2023 vừa qua được xem là đột phá quan trọng. Với những quy định vượt lên trên khuôn khổ thông thường, Nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện những biện pháp đặc thù, đặc biệt chưa từng có trong tiền lệ, chủ động, sáng tạo nhằm tạo ra động lực mới, không gian mới để phát triển.
Ngoài kế thừa một số nội dung của Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết mới còn phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP.HCM thực hiện những nhiệm vụ mà trước đây thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành Trung ương, thậm chí là thẩm quyền của Chính phủ. Từ đó giúp TP.HCM sắp xếp lại bộ máy phù hợp, huy động nguồn lực để phát triển.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, quy định của Nghị quyết 98 là cơ chế phù hợp với mô hình chính quyền đô thị của một siêu đô thị như TP.HCM: “Lần đầu tiên, TP.HCM có một khung pháp lý tương đối minh bạch, rõ ràng về thẩm quyền. Cái gì Trung ương làm, cái gì địa phương làm, trách nhiệm bộ máy tới đâu? Rất rõ ràng, minh bạch. Tôi cho rằng đây là một cải cách cực kỳ mạnh mẽ về mặt thể chế, về mặt quản lý Nhà nước trên địa bàn”.
Sau 4 tháng kể từ khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, từ thẩm quyền mới được trao, HĐND TP.HCM đã ban hành 14 Nghị quyết. UBND TP.HCM đã và đang hoàn thành 15 nội dung cụ thể hóa từ Nghị quyết 98. Đáng nói là, vận dụng Nghị quyết 98, ngoài thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cho TP.Thủ Đức, thì một số chính sách đã được sớm triển khai thực thi và bước đầu phát huy hiệu quả tốt như: Cơ chế bố trí vốn, hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm đến nay đã giải ngân được 1.560 tỷ đồng trong tổng số 2.796 tỷ đồng.
Nghị quyết 98 không chỉ phân cấp, phân quyền cho TP.HCM một cách mạnh mẽ mà còn tạo cơ chế để thành phố huy động nguồn lực đầu tư bằng những cơ chế vượt trội, thí điểm những mô hình phát triển mà pháp luật chưa quy định, hoặc là quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn. Những mô hình thí điểm này được kỳ vọng sẽ tạo được đột phá mới trong phát triển của TP.HCM nói riêng, cho cả nước nói chung. Chúng tôi sẽ đề cập nội dung này trong bài hai của loạt bài “Nghị quyết 98, thể chế vượt trội để TP.HCM hành động vì cả nước”.