Mỹ muốn phá “thế độc tôn” của Trung Quốc trên thị trường UAV cỡ nhỏ
VOV.VN - Việc tăng cường sản xuất máy bay không người lái nhỏ là một phần trong nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm đối phó với sự bùng nổ công nghệ của Trung Quốc.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy việc sản xuất các công nghệ quan trọng với hy vọng có thể tạo lợi thế cho Mỹ trên chiến trường. Mối lo trước mắt của cơ quan này là thị trường máy bay không người lái cỡ nhỏ trên toàn cầu.
Một binh sỹ Mỹ cầm trên tay chiếc máy bay không người lái cỡ nhỏ. Ảnh: Foreign Policy. |
Chiến lược của ông Trump và Bộ Quốc phòng Mỹ
Lo ngại khả năng các công ty công nghệ của Trung Quốc chia sẻ những dữ liệu nhạy cảm cho chính phủ nước này, Bộ Quốc phòng Mỹ thời gian gần đây đã cấm sử dụng sản phẩm của nhà sản xuất máy bay không người lái DJI (Trung Quốc) và tiến tới có thể cấm toàn bộ máy bay không người lái hoặc các phụ kiện quân sự do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, do sự chiếm lĩnh thị trường của Trung Quốc đối với mặt hàng này và khả năng hạn chế của Mỹ trong việc cung cấp những hệ thống máy bay không người lái lớp nhỏ (UAS) – tức máy bay không người lái cầm tay sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát, quân đội Mỹ hiện giờ có rất ít lựa chọn.
Bà Ellen Lord, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề mua vũ khí cho biết: “Chúng tôi không có nhiều nền tảng sản xuất máy bay không người lái cỡ nhỏ vì DJI đã bán rất nhiều loại máy bay này trên thị trường với giá rẻ và Mỹ sau đó đã trở nên phụ thuộc vào họ”.
Trong một nỗ lực nhằm củng cố nền tảng công nghiệp quốc phòng, mùa thu năm 2019, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ ra mắt chương trình có tên gọi “Thị trường vốn đáng tin cậy” để kết nối các nguồn vốn với những công ty công nghệ nhỏ. Bà Ellen Lord cho biết, cuộc họp đầu tiên trong khuôn khổ chương trình “Thị trường vốn đáng tin cậy” dự kiến diễn ra vào tháng 10/2019, với mục tiêu chính là lĩnh vực công nghiệp UAS nhỏ. Tại đây sẽ có nhiều cơ hội cho Bộ Quốc phòng để đầu tư cho các công ty tham gia.
Nỗ lực của Bộ này được thực hiện trong bối cảnh Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao của Mỹ coi Bắc Kinh là đối thủ chính của Washington. Trả lời phỏng vấn chương trình của Fox News thời gian gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lưu ý: “Trung Quốc là mục tiêu số 1 của Bộ Quốc phòng. Họ đang chuyên nghiệp hóa, mở rộng năng lực của quân đội để đẩy Mỹ ra khỏi sân khấu Thái Bình Dương”.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây hỗn loạn các thị trường toàn cầu, Tổng thống Trump đã yêu cầu các công ty Mỹ tìm kiếm đối tác thay thế các doanh nghiệp Trung Quốc, đưa các công ty Mỹ trở về và sản xuất ngay trong nước.
Việc tăng cường sản xuất máy bay không người lái nhỏ là một phần trong nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm chống lại sự bùng nổ công nghệ của Trung Quốc thời gian gần đây, không chỉ riêng trong lĩnh vực này mà còn các lĩnh vực khác như vũ khí siêu thanh, trí tuệ nhân tạo và mạng 5G. Trong năm 2019, Mỹ đã liệt tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen, cấm các công ty Mỹ bán hoặc chuyển giao công nghệ cho các công ty của Trung Quốc, trừ khi họ được cấp giấy phép đặc biệt.
Tuy nhiên, sự phát triển của Trung Quốc trên thị trường máy bay không người lái vẫn bùng nổ mạnh mẽ. Trong vài năm qua, tập đoàn DJI đã chiếm 2/3 thị trường UAS trên toàn cầu, vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh phương Tây, chẳng hạn như tập đoàn Parrot của Pháp. Máy bay không người lái của DJI tương đối rẻ, dễ sử dụng do đó trở thành sản phẩm phổ biến dành cho người tiêu dùng cá nhân. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm lĩnh 3/4 thị trường máy bay không người lái, dự kiến sẽ tăng doanh thu gấp 3 lần, lên tới 14,3 tỷ USD trong hơn 1 thập kỷ tới.
Mỹ cần làm gì để phá “thế độc tôn” của Trung Quốc?
Sự vượt trội của Trung Quốc trong lĩnh vực này, một phần là do chính sách xuất khẩu máy bay không người lái hạn chế của chính phủ Mỹ, ông Ben Schwartz, giám đốc điều hành của Hội đồng xuất khẩu quốc phòng và hàng không vũ trụ tại Phòng thương mại Mỹ nhận xét. Theo ông, Bắc Kinh đã tận dụng những hạn chế về xuất khẩu UAS của Mỹ để lấp đầy thị trường. Đây là một vấn đề lớn vì Mỹ phải bắt đầu cạnh tranh với một thị trường hạn chế. Trên thực tế, quân đội Mỹ đã sử dụng nhiều sản phẩm của DJI, chủ yếu cho các hoạt động thăm dò những khu vực đô thị, nơi mà các loại máy bay không người lái lớn của Mỹ như MQ-9 Reapers khó hoạt động.
Thể hiện tầm nhìn mang tính lạc quan hơn, David Silver, phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hàng không vũ trụ phụ trách lĩnh vực hàng không dân sự đánh giá, chương trình “Thị trường vốn tin cậy” là một bước đi hứa hẹn giúp ngành công nghiệp của Mỹ bắt kịp với thị trường UAS. Ông hy vọng chính phủ sẽ giúp phát triển những sản phẩm thương mại mà quân đội có thể điều chỉnh để sử dụng trên chiến trường, thay vì những sản phẩm quốc phòng được thiết kế chuyên dụng vốn đắt đỏ hơn rất nhiều. Nhưng để giải quyết vấn đề này, chính phủ Mỹ cần điều chỉnh các chính sách và quy định về mua bán và vận hành máy bay không người lái trên toàn quốc.
Ông Michael Horowitz, chuyên gia tại Đại học Pennsylvania cho rằng: “Với những loại máy bay không người lái nhỏ, các binh sỹ có thể nhanh chóng thao tác và đưa vào hoạt động trong không trung. Giá thành của loại máy bay này cũng không quá đắt đỏ vì thế sẽ không thành vấn đề lớn nếu chẳng may có một chiếc bị va chạm hoặc bị thất lạc trên chiến trường”./.
Vụ Iran bắn hạ UAV do thám Mỹ: Các bên đã chạm “giới hạn đỏ”?
UAV ScanEagle: “Mắt thần canh biển“
Video: UAV tàng hình tối mật của Không quân Mỹ lần đầu bay thử