Mỹ sẽ làm gì nếu Nga mua tên lửa đạn đạo của Iran để tập kích Ukraine?
VOV.VN - Bình luận trên trang tin quân sự, Trung tướng về hưu Henry A.Obering, nguyên Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ cho rằng, Iran có thể sớm cung cấp cho quân đội Nga vũ khí còn nguy hiểm hơn cả các UAV mà nước này đang sử dụng để tấn công Ukraine.
Bài bình luận thu hút được lượng quan tâm lớn trên trang defensenews uy tín cho rằng, Mỹ không nên chờ đợi việc Iran cung cấp và Nga sẽ sử dụng các tên lửa hành trình có xuất sứ từ quốc gia Vùng vịnh này. Thay vào đó, Washington nên cung cấp cho trước cho Kiev các vũ khí cần thiết để chống lại tên lửa đạn đạo của Iran.
Việc mua lại các UAV của Iran đã giúp Nga mở rộng hoạt động tác chiến tại Ukraine với các mục tiêu là cơ sở năng lượng. Với các UAV, Nga nhanh chóng chiếm được thế kiểm soát tại các khu vực nằm sâu trong nội địa Ukraine, ghi nhận của Viện Do thái về An ninh Quốc gia của Mỹ cho biết.
Bài bình luận cho rằng, Nga sẽ sớm có thể chuyển sang sử dụng tên lửa đạn đạo của Iran, một loại vũ khí có hiệu quả hơn so với các UAV. Các loại vũ khí bổ sung không giúp Nga đảo ngược những bước rút lui gần đây nhưng việc có được tên lửa đạn đạo của Iran sẽ cho phép Moscow gây ra sự huỷ diệt lớn hơn cũng như tấn công hiệu quả hơn vào các cơ sở quân sự lớn, được bảo vệ kiên cố. Lượng thuốc nổ tương ứng từ 500kg tới 600kg của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110 và Zolfaghar của Iran lớn hơn 10 lần so với chỉ 40kg của UAV Shaed-136 mà Nga đã sử dụng trong 3 tháng qua.
Trong khi Ukraine tuyên bố bắn hạ tới 85% số UAV của Iran do Nga phóng, một con số đáng kinh ngạc, thì khả năng Kiev có thể đạt được thành công tương tự trước các tên lửa đạn đạo là cực kỳ khó.
Mỹ đã tập trung vào việc củng cố khả năng tiêu diệt UAV cho Ukraine bằng cách cung cấp hai hệ thống tên lửa đối đất tiên tiến với trị giá 400 triệu USD cùng với các hệ thống phòng không tầm ngắn Avenger, máy bay đánh chặn HAWK và tên lửa Stinger.
Tuy nhiên, Người phát ngôn Không quân Ukraine Yuriy Ihnat cho biết, nước này không có khả năng phòng thủ hiệu quả trước tên lửa đạn đạo. “Về lý thuyết là có thể bắn hạ chúng nhưng trên thực tế rất khó khăn để làm được điều đó với những phương tiện hiện có. Chúng tôi có hệ thống phòng không nhưng không có hệ thống phòng tên lửa”, ông Yuriy Ihnat nói.
Với sự thiếu hụt này, Mỹ phải chuẩn bị thêm một gói tăng cường hơn nữa khả năng vô hiệu hoá tên lửa đạn đạo cho Ukraine. Lầu Năm Góc sẽ phải làm việc với các đối tác NATO để trả lời câu hỏi có nên cung cấp cho Kiev hệ thống tên lửa đất đối không Patriot PAC-2 hoặc PAC-3 hay không. Các hệ thống này có thể tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm ngắn cũng như cung cấp MGM-140, một loại hệ thống đối đất có thể tấn công mục tiêu xa trên 300km với đầu nổ khoảng 200kg.
Những người lính Ukraine có thể vận hành PAC-2 hoặc để chúng ở chế độ hoàn toàn tự động, điều này sẽ giúp giảm thiểu thời gian đào tạo cách sử dụng. Ukraine đã có thể sử dụng các hệ thống ATACMS với HIMARS mà Mỹ cung cấp.
Tuy nhiên, có một điều lo ngại đó là Tổng thống Mỹ Biden từng tuyên bố vào tháng 9 vừa qua rằng: “Sẽ không gửi cho Ukraine các hệ thống tên lửa có thể tấn công Nga”. Song nếu Nga mua tên lửa đạn đạo của Iran thì nhiều khả năng Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống ATACMS có tầm bắn xa hơn (có thể vào sâu bán đảo Crimea) với điều kiện Ukraine sẽ không sử dụng vũ khí này để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Việc Ukraine không có khả năng phòng vệ trước các tên lửa đạn đạo tầm ngắn nếu Iran cung cấp cho Nga sẽ làm Mỹ cân nhắc hơn trong việc cung cấp ATACMS cho Kiev với các hạn chế nghiêm ngặt.
Nếu Moscow chọn tấn công Ukraine từ bên trong lãnh thổ của mình, thì các hệ thống phòng không như tên lửa Patriot sẽ rất quan trọng để giúp Ukraine tự bảo vệ mà không tiến hành một cuộc tấn công leo thang nhằm vào Nga.
Các lựa chọn ít có khả năng leo thang hơn bao gồm mở rộng việc cung cấp các hệ thống NASAMS, Avenger, HAWK và Stinger có thể cho phép Ukraine vô hiệu hóa máy bay không người lái tiến hành do thám, qua đó làm giảm khả năng nhắm mục tiêu chính xác của Nga.
Bên cạnh đó, bình luận của tướng Henry Obering cũng cho rằng, Washington nên thúc đẩy Hy Lạp bán hệ thống phòng không S-300 của Nga cho Ukraine, sau đó cung cấp cho Hy Lạp các hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất để thay thế. Đồng thời, Mỹ cũng có thể làm việc với các đối tác của mình để ngăn chặn hoặc ngăn chặn việc vận chuyển các bộ phận hoặc vũ khí của Iran và cung cấp bất kỳ thông tin tình báo cần thiết nào cho Ukraine./.