Mỹ và Nga chuẩn bị “so găng” ở Bắc cực
VOV.VN - Bắc cực sẽ trở thành đấu trường giữa Nga và NATO khi Nga đang nhanh chóng khôi phục cơ sở hạ tầng quân sự ở vùng Viễn Bắc bị bỏ hoang sau khi Liên Xô sụp đổ, còn Mỹ - chọn Na Uy làm căn cứ để kiểm soát Tuyến đường Biển Phương Bắc và khống chế Hạm đội Phương Bắc của Nga.
Na Uy - pháo đài chống Nga ở phía Bắc
Lo ngại Moscow, Na Uy - quốc gia thành viên NATO từ năm 1949 - luôn tuyên bố không triển khai các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, hiện Oslo đã sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận của mình dưới áp lực từ Washington - quốc gia Bắc Âu này đã đồng ý để Mỹ sử dụng căn cứ hòng giành quyền kiểm soát Bắc cực. Mỹ mới điều thêm 4 máy bay ném bom chiến lược B-1 B Lancer từ căn cứ không quân ở Texas đến sân bay quân sự Orlando để tiến hành các cuộc tập trận chung với Không quân Na Uy.
Nếu không có đội tàu phá băng riêng, Mỹ không thể sử dụng hiệu quả hải quân để giám sát liên tục Tuyến đường Biển Bắc (Northern Sea Route - NSR) từ phía Tây. Tuy nhiên, họ có thể kiểm soát nó và nếu cần thiết, uy hiếp từ cả hai phía với sự hỗ trợ từ không quân của mình. Theo Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang châu Âu của Mỹ, nhiệm vụ chính của các máy bay ném bom B-1B Lancer là phản ứng kịp thời với các hành động của Nga ở Bắc cực. Còn từ phía Đông, Lầu Năm Góc đang tích cực xây dựng lực lượng tấn công ở Alaska.
Trước đó, 200 quân nhân Không quân Mỹ đã được điều động đến căn cứ Erland (Na Uy), nơi các tiêm kích F-35A Lightning II của Không lực Hoàng gia Anh đang đồn trú. Người phát ngôn của căn cứ không quân Keilson cho biết, đến cuối năm 2021, sẽ có tất cả 54 máy bay chiến đấu F-35A tại căn cứ. Ngoài ra, còn có 40 chiếc F-22 Raptor tại Căn cứ Không quân Elmendorf-Richardson. Cuối năm 2020, Mỹ đã tập trận quy mô lớn ở Alaska với sự tham gia của máy bay tiếp dầu KC-135 Stratotankers.
Được đưa vào trang bị từ năm 1984, mỗi B-1 B Lancer có thể mang theo 24 tên lửa hành trình AGM-158 JASSM có tầm bắn 360km (phiên bản tăng tầm JASSM-ER - lên tới 980km). Đầu đạn xuyên giáp nặng 450kg của các tên lửa này có độ lệch 3m so với mục tiêu. Với khả năng luồn lách theo địa hình, B-1 B có khả năng đột phá phòng không tầm thấp của đối phương bằng cách bay ở độ cao cực thấp. Một phi đội gồm 4 máy bay mang 96 tên lửa chống hạm có độ chính xác cao như vậy, có khả năng kiểm soát biển Barents từ Na Uy.
Na Uy nhanh chóng lên tiếng tuyên bố, việc triển khai máy bay ném bom của Mỹ trên lãnh thổ nước này không nhằm mục đích chống lại Nga. Theo Frank Bake-Jensen - Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy - những chiếc B-1 B Lancer đến Na Uy là một phần trong chính sách an ninh của Na Uy và trong khuôn khổ hợp tác với NATO; sau khi kết thúc cuộc tập trận, máy bay Mỹ sẽ rời khỏi Na Uy trong vòng một tháng.
Đáng nói, Oslo và Washington gần đây đã gia hạn thỏa thuận về việc triển khai các đơn vị Thủy quân lục chiến Mỹ tại Na Uy, với số quân tăng gấp đôi. Tại căn cứ không quân Anneia có một phi đội máy bay tuần tra căn cứ “Poseidon” (Boeing P-8, loại máy bay tuần tra chống tàu ngầm, mang ngư lôi và bom chống tàu ngầm) của Hải quân Mỹ, rõ ràng là nhằm chống lại các tàu ngầm của Hạm đội phương Bắc (Nga).
Từ năm 2017, Trạm radar phòng thủ tên lửa “Globus-3” đang được Anh xây dựng trên đảo Vardø, là một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và sẽ hành động vì lợi ích của Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ - lực lượng chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự hạt nhân và vũ trụ. Radar mới sẽ bổ sung và tăng cường sức mạnh cho Globus II hiện có. Được đặt tại Na Uy, các radar sẽ theo dõi hoạt động quân sự của Nga ở vùng Viễn Bắc và thu thập dữ liệu về các vụ thử tên lửa với tầm bắn khác nhau của Nga
Việc hiện đại hóa các sân bay Bardufoss, Evenes, Banak, Erland và Ryugge đang được ráo riết sửa chữa. Điều khiến Nga lo lắng là việc Na Uy tái thiết một cảng riêng biệt để tiếp nhận tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ, vị trí được lên kế hoạch là ở Tromsø, nơi được cho là "cửa ngõ Bắc cực". Số lượng các cuộc viếng thăm của tàu ngầm Mỹ và NATO tại các cảng của Anh đã tăng lên đáng kể. Cũng tại Anh, số lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đã tăng gấp đôi và các cuộc tập trận quy mô lớn đang được tiến hành cùng với các nước NATO khác.
Việc tái triển khai B-1 mới đây là sự tiếp nối của đợt triển khai lớn bắt đầu vào mùa thu năm ngoái, khi một số lượng lớn máy bay B-52 của Không quân Mỹ được tái triển khai đến Anh. Việc NATO, cùng với sự tham gia của Mỹ, đã tiến hành các cuộc tập trận lớn ở Na Uy (Trident Juncture, 2018) với sự tham gia của khoảng 50 nghìn quân, 150 máy bay và 60 tàu chiến (là cuộc diễn tập lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc) cùng những gì đang diễn ra cho thấy, Na Uy đang trở thành một pháo đài chống Nga ở phía Bắc.
Phản đòn của Nga
Lý do khiến Washington ngày càng chú ý đến Bắc cực rất dễ hiểu - quỹ đạo tối ưu của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa theo cả hai hướng là đi qua Bắc Băng Dương; trữ lượng khoáng sản và nhiên liệu hydrocacbon khổng lồ tập trung ở thềm biển của nó, và con đường thủy ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á đi qua Đường biển phía Bắc.
Hiện tại, trên thực tế, Nga đang thống trị ở Bắc cực; sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ đã mất vị trí ở đó, và bây giờ đang có ý định khắc phục tình trạng này. Moscow đã phản ứng mạnh mẽ trước quyết định triển khai máy bay Mỹ tại căn cứ không quân của Na Uy, coi quyết định này của Oslo là một bước đi tiếp theo trong chuỗi hành động tương tự nhằm gia tăng hoạt động quân sự ở vùng Viễn Bắc, gần biên giới Nga.
Nga đã đáp trả việc máy bay B-1 B Lancer của Mỹ tới Na Uy bằng các biện pháp "phòng ngừa". Đầu tháng 2, hai máy bay ném bom chiến lược của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga được hộ tống bởi các máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31, là những máy bay mang tên lửa siêu thanh “Kinjal” mới nhất của Nga, đã thực hiện chuyến bay từ khu vực Saratov trình diễn ở khu vực bán đảo Kola, sau đó tuần tra vùng biển trung lập Bắc Đại Tây Dương rồi dọc theo bờ biển Na Uy đến Bắc Đại Tây Dương, sau đó trở về thành phố Engels.
Trước đó, ngày 1/12/2014, Bộ chỉ huy chiến lược chung "Phương Bắc" được thành lập, đảm bảo an ninh cho toàn bộ khu vực Bắc cực từ Murmansk đến Anadyr, và kể từ đầu năm nay, Hạm đội Phương Bắc đã nhận được quy chế của một Quân khu. Một hệ thống thống nhất các căn cứ tàu nổi và tàu ngầm thế hệ mới đã được tạo ra ở Bắc cực, bao gồm các đơn vị không quân hải quân, lực lượng mặt đất, lực lượng hàng không vũ trụ và phòng không. Gần Murmansk, việc xây dựng trạm radar Voronezh - tiền đồn phía bắc của hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa quốc gia - đã hoàn thành.
Năm 2019, Moscow đáp trả dự án “Globus-3” bằng các cuộc tập trận sử dụng máy bay ném bom tiền tuyến Su-24M, trong đó, thực hành giả định các cuộc tấn công bằng tên lửa và bom chống radar. Nga có kế hoạch khôi phục 13 sân bay quân sự nằm ngoài Vòng Cực (10 sân bay đã hoạt động) - nơi tập hợp các máy bay chiến đấu đánh chặn tầm cao hiện đại hóa MiG-31, Tu-160, Tu-22 và Tu-95. Một sư đoàn phòng không mới được triển khai trên quần đảo Novaya Zemlya, tham gia bảo vệ không quân và bảo vệ bầu trời trên phạm vi rộng lớn của Bắc cực.
Cuối tháng 12/2019, tình báo quân sự Đan Mạch, được cho đã "phát hiện" một trong những sân bay trên đảo Alexandra Land (một phần của quần đảo Franz Josef Land), có đường băng kéo dài từ 2.500 lên 3.500m, có thể tiếp nhận các loại máy bay chiến đấu, bao gồm máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31 và máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Từ các căn cứ gần Bắc cực, Novaya Zemlya và vùng Monchegonsk, Murmansk, Không quân Nga có thể tấn công căn cứ Thule (căn cứ của Mỹ ở Greenland) cũng như các căn cứ khác của Na Uy.
Trong những ngày gần đây, Nga đã triển khai máy bay cảnh báo sớm (AWACS) của mình đến Crimea và gần Murmansk, chuẩn bị cho những cuộc tập trận quy mô lớn theo hướng Nam và Tây Bắc. Theo phỏng đoán của giới quan sát, điều này có thể được coi như một phản ứng trước sự kích hoạt của Lực lượng vũ trang Ukraine ở Donbass và có thể, Thổ Nhĩ Kỳ với cảm hứng từ thành công ở Nagorno-Karabakh, cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị và tổ chức một cuộc tấn công chống lại hai nước cộng hòa ly khai DPR và LPR.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, về lý thuyết, việc Nga đã đưa chiếc AWACS A-50U thứ hai đến bán đảo Kola cũng như các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS sẽ đến để tăng cường cho oanh tạc cơ siêu thanh tầm xa Tu-22M3 đã có mặt tại căn cứ không quân Olenya chắc chắn là động thái liên quan và là phản ứng trước việc Mỹ triển khai 4 chiếc B-1B Lancer ở Na Uy.
Trang mạng topcor.ru hôm 18/2 cho biết, quân đội Nga đã thông báo đóng cửa cấm bay một khu vực rộng lớn phía bắc lục địa Na Uy, kéo dài trong không phận quốc tế (trung lập) dọc theo kinh tuyến 24, lên đến Đảo Gấu, có hiệu lực trong khoảng thời gian từ 18-24/2/2021 để tiến hành thử tên lửa. Loại tên lửa nào sẽ được thử nghiệm lần này vẫn chưa rõ, tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, thời gian và địa điểm không phải được người Nga lựa chọn một cách tình cờ mà có liên quan đến việc 4 máy bay ném bom chiến lược B-1 của Không quân Mỹ lần đầu tiên đến căn cứ không quân Erland ở Na Uy./.