Thêm nhiều lao động khó khăn vì dịch COVID-19 nhận hỗ trợ thiết thực

VOV.VN - Mọi nguồn nhân lực, vật lực đang được tập trung hỗ trợ các địa phương chống dịch COVID-19. Những lao động tự do đang nhận được những hỗ trợ thiết thực nhất. Trong khi, các đoàn nhân viên y tế tiếp tục lên đường chi viện chống dịch.

Tính đến nay, hơn 15.500 người lao động tự do gặp khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19 ở Trà Vinh đã nhận được tiền hỗ trợ. Đó là những người làm công việc thu gom rác, phế liệu; bốc vác, thợ hồ, vận chuyển hàng hóa; xe ôm truyền thống và xe lôi đạp.

Phóng viên Sa Oanh/VOV-ĐBSCL đưa tin, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, đến nay, đã có hơn 31.000 người thuộc nhóm đối tượng này trên địa bàn đã được phê duyệt danh sách, với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Tổng kinh phí là gần 47,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên số lượng đối tượng lao động tự do trên thực tế lớn hơn nhiều so với danh sách đã được phê duyệt. Nguyên nhân có một số đối tượng rất khó xác định, vì không có giao kết hợp đồng và không có chứng chỉ hành nghề.

Ông Huỳnh Công Tín, Phó chủ tịch UBND huyện Càng Long cho biết: “Một số đối tượng đang bị vướng mắc nên chưa lập được danh sách gửi lên. Trong đó, thợ hồ đòi hỏi phải có chứng chỉ nghề, do đó cũng gặp khó khăn. Thứ 2 là nhóm người làm gia công nhưng hiện giờ các công ty, xí nghiệp ngưng hoạt động vì hàng hóa không có, dó đó cần rà soát tiếp”.

Trên tinh thần hồ sơ đủ điều kiện đến đâu, giải ngân đến đó và cho đến thời điểm này các địa phương trong tỉnh đã giải ngân được hơn 23 tỷ đồng, với hơn 15.500 người được hỗ trợ, trong đó có 2/9 đơn vị huyện đã giải ngân xong đợt 1.

Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng đang khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật; hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch; hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Trong đợt dịch COVID-19 thứ tư, Công đoàn các cấp đã hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền hơn 1.222 tỷ đồng, với hơn 1 triệu lượt đoàn viên, người lao động thụ hưởng.

Phóng viên Phương Thoa/VOV1 phản ánh từ cuộc họp báo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng nay, tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến cho biết, các cấp công đoàn đã đồng hành cùng Chính phủ, sát cánh với người lao động và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, khôi phục sản xuất trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Trong đó, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định sử dụng tài chính công đoàn tích lũy để hỗ trợ đoàn viên, người lao động, miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đoàn viên có mức lương thấp, lùi đóng kinh phí với các doanh nghiệp gặp khó khăn. Hàng vạn cán bộ công đoàn các cấp ngày đêm bám trụ cơ sở, theo sát chăm lo cho công nhân lao động ở các tâm dịch. Các cấp công đoàn đã hỗ trợ kịp thời hàng triệu phần quà, đồ dùng, nhu yếu phẩm cho đoàn viên, người lao động. Hàng vạn suất ăn, các loại thực phẩm do cán bộ công đoàn tự tay chế biến được gửi trao tới đoàn viên, người lao động.

Bà Vũ Thị Giáng Hương, quyền Trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Đã có mô hình giúp đỡ đoàn viên, người lao động hiệu quả, như: “Tổ an toàn COVID-19, Tổ cứu trợ khẩn cấp, Siêu thị 0 đồng, Xe buýt siêu thị 0 đồng, Bếp ăn yêu thương, Túi an sinh… vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ cho người lao động... Mỗi cán bộ công đoàn chuyên trách đã đóng góp ba ngày lương để ủng hộ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng COVID-19”.

Ngoài ra, từ nguồn quỹ công đoàn và nguồn xã hội hóa, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã gửi ủng hộ công tác phòng chống dịch về Mặt trận tổ quốc Việt Nam hơn 237 tỷ đồng, ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19 hơn 257 tỷ đồng. Chi từ nguồn xã hội hóa và người sử dụng lao động hỗ trợ qua tổ chức Công đoàn tại cơ sở gần 228 tỷ đồng.

Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố cùng doanh nghiệp lập danh sách, hồ sơ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giám sát việc triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ để người lao động được tiếp cận sớm nhất. Theo số liệu của 16 tỉnh, đã có hơn 472 nghìn người lao động được hỗ trợ gần 651 tỷ đồng, gần 139 nghìn doanh nghiệp được giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền gần 874 tỷ đồng.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Với công nhân hầu hết thu nhập của họ chỉ đảm bảo chi cho hàng tháng, nên khi doanh nghiệp dừng sản xuất đồng thời là với những người không có tích lũy họ gặp khó khăn ngay. Chỉ bằng cách họ có việc làm thì họ mới duy trì được đời sống, tổ chức được cuộc sống gia đình. Do đó chúng tôi đang vào cuộc tích cực ở những nơi đủ điều kiện sản xuất 3 tại chỗ, để đảm bảo việc làm và đời sống người lao động. Cùng với đó chúng tôi kiến nghị với chủ sử dụng lao động điều chỉnh phương án sản xuất cố gắng duy trì nhiều người lao động cùng có việc làm, mỗi người có một ít việc thôi cũng được, cố gắng việc đó chia cho nhiều người hơn, mỗi người có thể lương không cao nhưng đủ sống”.

Thống kê đến ngày 16/8, có hơn 29.900 công nhân viên chức lao động mắc COVID-19 trên địa bàn 50 tỉnh, thành phố; hơn 1,3 triệu người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động; hơn 10.300 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Đến nay, đã có hơn 1 triệu đoàn viên, người lao động được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo PV Thy Hạt, ngày 17/8, Sở Thông tin và truyền thông Vĩnh Phúc ban hành văn bản thực hiện tuyên truyền Kế hoạch 208/KH-BCĐ về việc tổ chức hỗ trợ người dân Vĩnh Phúc đang sinh sống, làm việc tại các tỉnh phải giãn cách xã hội. 

Cụ thể, đối tượng được hỗ trợ là công dân Vĩnh Phúc gặp khó khăn cần được hỗ trợ y tế và đời sống tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ mỗi người 10- 20kg gạo. Người dân đến nhận hỗ trợ gạo tại các địa điểm tập kết và cấp phát gạo tại mỗi tỉnh, thành phố giãn cách xã hội phải xuất trình thẻ căn cước hoặc giấy tờ tùy thân chứng minh là công dân Vĩnh Phúc, đơn xin hỗ trợ (theo mẫu hoặc viết tay). Ngoài ra, người dân còn được hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng.

Căn cứ vào danh sách đã được rà soát, UBND các huyện, thành phố sẽ thực hiện việc hỗ trợ bằng tiền theo cách trực tiếp, gián tiếp hoặc chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chuyển tiền trực tiếp cho công dân hoặc qua người thân của công dân cần được hỗ trợ.

Theo phóng viên Lê Hiếu/VOV-Miền Trung, sáng 17/8, Trường Đại học Y - Dược, Đại Học Huế tổ chức lễ xuất quân đoàn cán bộ, sinh viên tình nguyện số 3 của nhà trường hỗ trợ tỉnh Đồng Nai chống dịch COVID-19.

Đoàn tình nguyện Trường Đai học Y - Dược Huế chi viện cho tỉnh Đồng Nai lần này có 105 thành viên, gồm các bác sĩ điều dưỡng, cử nhân kỹ thuật xét nghiệm cùng 91 sinh viên năm cuối. Trước khi lên đường tham gia chống dịch, các thành viên trong Đoàn công tác đã được xét nghiệm PCR với kết quả âm tính và đã tiêm vaccine phòng COVID-19.

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận hơn 10.000 ca dương tính với COVID-19. Một số doanh nghiệp có số lượng người lao động lớn phải ngừng sản xuất. Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, nguy hiểm trong khi nguồn nhân lực, vật tư y tế của tỉnh Đồng Nai đang gặp khó khăn. Việc chi viện nguồn nhân lực y tế của Trường Đại học  Y - Dược Huế góp phần giúp Đồng Nai vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Trước đó, Trường Đai học Y - Dược Huế đã cử 2 Đoàn tình nguyện với hơn 100 cán bộ và sinh viên tham gia phòng chống dịch tại quận Bình Tân, TP.HCM và tại tỉnh Bình Dương.

Giáo sư, Tiến Sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược Huế cho biết: “Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh vẫn đang cấp bách và nhu cầu nhân lực y tế và nhân lực hỗ trợ vẫn đang rất cao thì Nhà trường đã và đang tiếp tục triển khai huy động lực lượng sinh viên tình nguyện tham gia vào công tác phòng chống dịch trên điạ bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như ở các khu vực ở Việt Nam chúng ta./.”

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội có thêm 41 ca mắc COVID-19, chủ yếu trong khu cách ly
Hà Nội có thêm 41 ca mắc COVID-19, chủ yếu trong khu cách ly

VOV.VN - Trong 6 giờ qua, Hà Nội ghi nhận thêm 41 ca mắc COVID-19 mới, gồm 8 ca tại cộng đồng và 33 tại khu cách ly, đều thuộc chùm ho, sốt thứ phát. 

Hà Nội có thêm 41 ca mắc COVID-19, chủ yếu trong khu cách ly

Hà Nội có thêm 41 ca mắc COVID-19, chủ yếu trong khu cách ly

VOV.VN - Trong 6 giờ qua, Hà Nội ghi nhận thêm 41 ca mắc COVID-19 mới, gồm 8 ca tại cộng đồng và 33 tại khu cách ly, đều thuộc chùm ho, sốt thứ phát. 

Tổ công tác đặc biệt của Công an Hà Nội phát hiện hàng loạt phương tiện không có giấy tờ
Tổ công tác đặc biệt của Công an Hà Nội phát hiện hàng loạt phương tiện không có giấy tờ

VOV.VN - Qua quá trình kiểm tra người dân đi ngoài đường, Tổ công tác đặc biệt của Công an TP Hà Nội đã phát hiện hàng loạt người mang giấy đi đường không hợp lệ, phương tiện không có giấy tờ…

Tổ công tác đặc biệt của Công an Hà Nội phát hiện hàng loạt phương tiện không có giấy tờ

Tổ công tác đặc biệt của Công an Hà Nội phát hiện hàng loạt phương tiện không có giấy tờ

VOV.VN - Qua quá trình kiểm tra người dân đi ngoài đường, Tổ công tác đặc biệt của Công an TP Hà Nội đã phát hiện hàng loạt người mang giấy đi đường không hợp lệ, phương tiện không có giấy tờ…

Nghệ An giãn cách xã hội TP. Vinh theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 17/8
Nghệ An giãn cách xã hội TP. Vinh theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 17/8

VOV.VN - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, với hàng loạt ca mắc mới liên quan đến chợ đầu mối Vinh, tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn toàn TP. Vinh từ 0h ngày 17/8.

Nghệ An giãn cách xã hội TP. Vinh theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 17/8

Nghệ An giãn cách xã hội TP. Vinh theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 17/8

VOV.VN - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, với hàng loạt ca mắc mới liên quan đến chợ đầu mối Vinh, tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn toàn TP. Vinh từ 0h ngày 17/8.