Nga tăng cường xây dựng mối quan hệ quân sự với châu Phi

VOV.VN - Ban đầu là Cộng hòa Trung Phi rồi đến Congo, Nga đang tìm cách tăng cường hợp tác quân sự tại châu Phi.

Cộng hoà Dân chủ Congo đang tìm kiếm đối tác. Đất nước rộng lớn nằm ở "trái tim" châu Phi này mong muốn trở thành đồng minh của phương Tây, song chính phủ Congo có vẻ như đang tìm kiếm các đối tác khác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Tổng thống CH Trung Phi Faustin-Archange Touadéra. Ảnh: TASS

Như Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin, Kinshasa và Moscow vào năm 1999 đã ký thoả thuận về việc Nga sẽ trang bị khí tài cho quân đội Congo và huấn luyện binh sỹ Congo, song thoả thuận này rõ ràng chưa bao giờ có hiệu lực và theo RFI, Quốc hội Congo muốn thảo luận để thay đổi điều này.

Mối quan hệ của Nga với nước láng giềng phía Bắc của Congo là Cộng hoà Trung Phi cũng đã được xúc tiến. Nga có thể chuyển vũ khí, đạn dược và các sĩ quan huấn luyện đến đất nước đang khủng hoảng này. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đă phê chuẩn thoả thuận này vào tháng 12/2017.

Hợp tác từ vũ khí đến khai thác tài nguyên

Việc Nga lựa chọn hai nước này được cho là có sự tính toán kỹ càng. Chuyên gia người Pháp về châu Phi Roland Marchal nhận định: “Mối quan hệ giữa hai nước châu Phi này và phương Tây đang căng thẳng. Đây có thể là cơ hội để Nga bước vào các thị trường này, dễ dàng tạo dựng tầm ảnh hưởng và phát triển một số hoạt động kinh tế của mình”. Hợp tác về quân sự có thể đánh dấu bước khởi đầu.

Theo giới chuyên gia, Nga muốn củng cố ngành công nghiệp vũ khí đang phát triển của mình. Một công trình nghiên cứu của tổ chức Chatham House (Anh) cho thấy, chỉ có 3% vũ khí xuất khẩu của Nga đến châu Phi song "châu lục đen" là một thị trường đang tăng trưởng và Nga là nhà cung cấp vũ khí chính cho một số nước châu Phi.

Đối với một số nước châu Phi, rất khó có được vũ khí phương Tây, trong khi các điều kiện bán vũ khí của Nga được nới lỏng hơn.

Chuyên gia người Nga Peter Stronski thuộc tổ chức nghiên cứu uy tín Carnegie Endowment for International Peace (Mỹ) nhận định, Nga coi châu Phi là một thị trường tiềm năng.

Sự hợp tác giữa Nga và các nước châu Phi này không chỉ dừng ở xuất khẩu vũ khí. Cộng hòa Congo giàu tài nguyên như coltan, cobalt, vàng và kim cương. Cộng hòa Trung Phi cũng xuất khẩu kim cương. Vào tháng 3 năm nay, ông Artyom Kozhin, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Báo chí thuộc Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố: “Nga đang nghiên cứu khả năng khai thác các nguồn tài nguyên đôi bên cùng có lợi”. Đối với Nga, đây không chỉ là cơ hội để đáp ứng các nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên của mình mà cường quốc này có thể sử dụng sự hiện diện của mình để thúc đẩy ngành công nghiệp của mình. Chuyên gia Marchal cho hay: “Nga nắm vững chuyên môn trong các lĩnh vực khai thác và sản xuất dầu”.

Các chế độ đang cầm quyền sẽ được bảo vệ

Xét trong bối cảnh hai chính phủ Congo và Cộng hòa Trung Phi hiện nay, các thoả thuận này có thể sẽ diễn ra suôn sẻ. Cộng hoà Trung Phi là một trong những nước nghèo nhất thế giới đã lâm vào khủng hoảng kể từ năm 2013. Các nhóm quân sự Cơ đốc Giáo và Hồi giáo đang giao tranh với nhau trong bối cảnh chính phủ của Tổng thống Faustin Touadera yếu thế.

Khoảng 14.000 quân mũ nồi xanh của Liên Hợp Quốc cố gắng đảm bảo hoà bình, mặc dù chính phủ Cộng hòa Trung Phi đánh giá nhiệm vụ này không hiệu quả và muốn Liên Hợp Quốc dở bỏ lệnh trừng phạt vũ khí với nước này.

Chính trị gia Artistide Brian Reboas cho biết: “Lệnh cấm vận vũ khí làm gia tăng tình trạng hỗn loạn và các bên giao tranh đồng thời làm quân đội suy yếu”.

Tổng thống Congo Joseph Kabila cũng muốn hợp tác với Nga bởi các đồng minh phương Tây đã từ lâu giữ khoảng cách với ông ta. Ông Kabila còn vượt quá thời hạn cầm quyền theo hiến pháp, trong khi chính phủ Congo liên tiếp trì hoãn các cuộc bầu cử mới.

Chuyên gia Marchal cho biết: “Các chính quyền đang lâm nguy có thể tìm sự liên kết với Nga như được bảo hiểm mạng sống. Bằng cách chào đón Nga, hai chính quyền Congo và Trung Phi có thể nâng mức giá của mình. Họ có thể 'mặc cả' và đề nghị các quốc gia phương Tây cần phải hào phóng hơn nếu muốn các chính quyền này giảm thiểu sự hiện diện hay tầm ảnh hưởng của Nga”. Đó là một chiến thuật trong Chiến tranh Lạnh. Đồng thời, nhiều nước châu Phi thường xuyên thay đổi phe phái, tuỳ vào sự ủng hộ mà họ nhận được.

Không ai có thể đánh giá liệu sự hiện diện của Nga ở hai quốc gia châu Phi này có gặt hái được kết quả trong lâu dài hay không. Song các nhà quan sát tin chắc vào một điều, như chuyên gia Stronki nhận định: “Nga đang cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tại châu Phi.

Chuyến thăm châu Phi của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã minh chứng cho điều này. Chuyến công du đến châu Phi của ông Lavrov vào tháng 3/2018 bao gồm sáu nước: Angola, Ethiopia, Mozambique, Namibia và Zimbabwe, đây là các nước Nga có mối quan hệ từ thời kỳ Liên Xô cũ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên