Robot chiến đấu - sát thủ máu lạnh trên chiến trường
VOV.VN - Robot chiến đấu được coi là cuộc cách mạng công nghệ thứ ba, sau thuốc súng và vũ khí hạt nhân.
Trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều tiện ích cho con người nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ, một trong số đó là bị vũ khí hóa để tạo nên những chiến binh thép máu lạnh- robot chiến trường.
Các chiến binh thép tương lai. Ảnh: Shutterstock. |
Robot chiến trường là một thiết bị tự động, dùng để thực hiện các nhiệm vụ thời chiến, nhờ đó, giảm thiểu sự tham gia chiến đấu của con người và hạn chế tổn thất về sinh lực. Có hai loại robot chiến trường là robot điều khiển từ xa (bán tự động) và robot tự động- được lập trình để tự hoạt động. Giới nghiên cứu quân sự đã gọi robot chiến trường là cuộc cách mạng công nghệ thứ ba, sau thuốc súng và vũ khí hạt nhân.
“Robot chiến đấu” đầu tiên là phương tiện bay với cơ cấu đồng hồ có tên Kettering Bug - thủy tổ của tên lửa hành trình hiện đại - được hãng Dayton-Wright chế tạo vào năm 1917 theo đặt hàng của quân đội Mỹ. Thời Thế chiến 2, nước Đức phát xít đã sử dụng các loại mìn tự hành Goliath và robot-xe tăng cảm tử thu nhỏ, điều khiển từ xa để phá hủy xe tăng, công sự và tiêu diệt sinh lực địch. Robot đầu tiên của Liên Xô là xe tăng Т-26 điều khiển từ xa bằng vô tuyến điện, được chế tạo vào thập niên 1930.
Trong nhiều năm, giới quân sự các nước đã đưa ra nhiều lý do biện minh sự cần thiết của các robot chiến trường, tuy nhiên, có ảnh hưởng quyết định đối với sự phát triển robot quân sự là 4 yếu tố chính: giảm tổn thất sinh lực của bên mình, sự gia tăng phức tạp của các cuộc xung đột vũ trang, chạy đua vũ khí, và bù đắp quân số. Robot có lợi thế quan trọng là có thể hoạt động trong điều kiện môi trường đặc biệt như thực thi các nhiệm vụ dưới nước và tại các vùng bị nhiễm hóa-xạ-sinh, rà phá bom mìn… giúp giảm thiểu thương vong cho con người.
Các nước đang nghiên cứu các robot chiến trường cho các môi trường trên không, trên bộ, dưới nước, trên biển hoặc trong vũ trụ. Trong thực tế, chúng chính là các máy bay không người lái-UAV tiến công (UCAV); các loại robot công binh, chiến đấu, hậu cần và trinh sát, kể cả các xe tăng, xe bọc thép không người lái; các tàu ngầm và mặt nước không người lái…
Khám phá xe tăng robot cảm tử của Nga
Cuộc chạy đua người máy sát thủ tuy âm thầm nhưng mang tính chất toàn cầu, có đến 50 quốc gia chế tạo, mua bán và sử dụng robot. Mỹ, Nga và Trung Quốc đang cạnh tranh khốc liệt trong nghiên cứu và phát triển loại vũ khí nguy hiểm này.
Đáng chú ý là một số nước như Anh và Pháp tuy có công nghệ quân sự phát triển nhưng kiên quyết phản đối vũ khí hoàn toàn tự động. Để ngăn chặn sự phát triển ngày càng mạnh của các loại vũ khí tự động, nhiều tổ chức phi chính phủ đã thành lập nhóm mang tên “Chiến dịch ngăn chặn robot giết người”, kêu gọi chính phủ các nước cấm các vũ khí hoàn toàn tự động. Tuy nhiên, nhiều vấn đề, ví dụ thế nào là hoàn toàn tự động, mức độ kiểm soát của con người, mức độ cấm… đang còn gây tranh cãi.
Mỹ và Nga là một trong số ít các quốc gia đã đơn phương phản đối lệnh cấm quốc tế của Liên Hợp Quốc đối với "sát thủ người máy". Cho rằng một lệnh cấm hoặc điều chỉnh ngay là quá sớm, Mỹ, trên thực tế, câu giờ để có thêm thời gian phát triển robot trở thành những lực lượng chiến đấu tinh nhuệ.
Theo một chuyên gia tình báo hàng đầu của Anh, quân đội Mỹ sẽ có robot trên chiến trường nhiều hơn binh sĩ vào năm 2025 - điều cho thấy, robot chiến đấu đang nhanh chóng trở thành hiện thực trong chiến tranh hiện đại. (Còn nữa)./.