Số phận của Hệ thống Vòm Sắt sẽ ra sao nếu Hezbollah dồn toàn lực tấn công Israel?
VOV.VN - Trong nhiều năm, Israel đã dựa vào lá chắn vô hình của hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) tinh vi để bảo vệ người dân. Tuy nhiên, trước bối cảnh xung đột Israel-Hezbollah leo thang như hiện nay, hệ thống Vòm Sắt có thể sẽ phải đối mặt với những thử thách chưa từng có.
Theo nguồn tin từ Chính phủ Lebanon, Israel đã tiến hành nhiều cuộc không kích trên khắp Lebanon trong vòng chưa đầy 2 tuần qua. Cuối tuần trước, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah được xác nhận đã thiệt mạng trong vụ tấn công của Israel vào một tòa nhà ở ngoại ô thủ đô Lebanon.
Sau cuộc tấn công trên, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết Israel đã đạt được "những thành tựu to lớn, nhưng công việc vẫn chưa hoàn tất". Trước đó, Tel Aviv cho biết mục tiêu của họ là ngăn chặn các cuộc ném bom của Hezbollah ở biên giới phía Bắc giáp Lebanon và cho phép 60.000 công dân đang phải sơ tán được trở về nhà.
Với những gì đã và đang diễn ra, không loại trừ khả năng Hezbollah cũng có thể trả đũa bằng cách phóng tên lửa vào lãnh thổ Israel.
Israel đối mặt nhiều rủi ro
Hệ thống Vòm Sắt được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm ngắn, sử dụng radar tinh vi để phát hiện các vật thể bay tới, sau đó bắn tên lửa để phá hủy chúng trên không trung. Hiện có 10 hệ thống phòng thủ Iron Dome được bố trí trên khắp Israel, tạo thành mạng lưới vô hình bảo vệ nước này khỏi các loại tên lửa có tầm bắn từ 4 đến 70 km.
Theo quân đội Israel, kể từ khi đi vào hoạt động năm 2011, hệ thống này đã đánh chặn hàng nghìn tên lửa và máy bay không người lái của Hamas và Hezbollah.
Chuyên gia Marcus Hellyer thuộc tổ chức Strategic Analysis Australia đánh giá cao khả năng tự vệ của Israel dựa vào hệ thống phòng Vòm Sắt nhưng cũng cho biết, “có những thứ đã thay đổi kể từ ngày 7/10 năm ngoái”.
Tuần trước, Tổng tư lệnh quân đội Israel cho biết Israel đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ vào Lebanon. Bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn của phương Tây, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẽ tiếp tục dồn “toàn lực” chiến đấu với Hezbollah.
Những ngày qua, tiếng còi báo động đã vang lên khắp các thành phố đông dân ở miền Bắc Israel. Israel cho biết họ đã đánh chặn hầu hết số tên lửa được phóng từ Lebanon nhưng truyền thông cũng ghi nhận những thiệt hại xảy ra do một cuộc tấn công bằng tên lửa ở thành phố biển Haifa - thủ đô văn hóa và kinh tế ở miền bắc Israel. Và trong một cuộc tấn công hiếm hoi vào giữa tuần trước, một tên lửa được bắn từ Lebanon đã phóng thẳng về phía Tel Aviv.
Ông Stephan Fruehling từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của ANU cho biết Iron Dome rất hiệu quả, nhưng không có hệ thống nào là hoàn hảo.
"Một số tên lửa sẽ luôn xuyên qua được. Đây là trò chơi xác suất", ông nói.
Hezbollah có đủ tên lửa để xuyên thủng Hệ thống Vòm Sắt?
Tiến sĩ Hellyer cho biết một trong những lợi thế của Iron Dome là thường xuyên sử dụng tên lửa giá rẻ để chống lại loạt tên lửa tấn công từ bên ngoài nhưng không rõ còn bao nhiêu tên lửa trong khi dự trữ của Israel. Trong khi đó, Sổ tay Dữ kiện Thế giới của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ước tính Hezbollah đang sở hữu khoảng 150.000 tên lửa và rocket các loại, trong đó phần lớn là đạn pháo phản lực phóng loạt.
Tiến sĩ Hellyer cho biết hiện nay, Hezbollah đã tích trữ đủ tên lửa để có thể phá hủy Iron Dome và gây thiệt hại cho các thành phố và cơ sở hạ tầng của Israel. Nhiều trong số đó là tên lửa không có hệ thống dẫn đường và có thể bắn tới bất cứ nơi nào.
"Trong số hàng trăm tên lửa được phóng vào Israel, chắc chắn sẽ có một số xuyên qua được Hệ thống Vòm Sắt. Đó là chưa kể các mảnh tên lửa bị bắn trúng có thể rơi xuống và làm hư hại các cơ sở hạ tầng bên dưới”, ông nói.
Hezbollah gần đây đã bắt đầu sử dụng tên lửa Fadi-1 và Fadi-2 lần đầu tiên trong giao tranh với Israel. Các tên lửa tầm ngắn mạnh này được trang bị khoảng 500 kg thuốc nổ, có khả năng phóng ở tầm xa khoảng 190 km.
Nhóm này cũng cho biết đã phóng tên lửa đạn đạo Qader-1 nhằm vào trụ sở cơ quan tình báo Mossad ở Tel Aviv. Tên lửa đã bị Israel đánh chặn nhưng các nhà phân tích quân sự cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy năng lực của Hezbollah có thể tiến xa tới đâu. Trước đó, Hezbollah cũng đưa ra lời cảnh báo rằng, cho đến nay họ mới chỉ sử dụng một phần nhỏ khả năng của mình.
Hiện tại, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Israel có kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Lebanon như một phần trong cuộc chiến chống lại Hezbollah. Giáo sư Stephan Fruehling thuộc Đại học Quốc gia Australia cho biết ở giai đoạn này, các cuộc tấn công của Hezbollah “không gây ra hậu quả lớn" nhưng rất khó có thể biết liệu họ có cố tình kiềm chế xung đột như đã tuyên bố trước đó hay không.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Iran cũng dự kiến sẽ tiếp tục cung cấp hàng tiếp tế cho Hezbollah "một cách nhanh chóng". Ngoài ra, trong trường hợp Tehran trực tiếp tham chiến, mối đe dọa đối với Israel sẽ lớn hơn nhiều. Hồi tháng 4, Iran đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất trong hàng chục năm nhằm vào Israel, sử dụng hơn 300 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa để đáp trả vụ tập kích tòa lãnh sự ở Syria.
Báo cáo này cũng cho biết thêm rằng mối quan hệ giữa Iran và Syria sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao vũ khí giữa hai nước trong bối cảnh xung đột đang leo thang hiện nay.
Trong một diễn biến khác, ngày 27/9, lực lượng Houthi ở Yemen tuyên bố đã bắn một tên lửa đạn đạo và một UAV vào sâu lãnh thổ Israel. Kể từ tháng 11 năm ngoái, Houthi đã tấn công các tàu thuyền trên Biển Đỏ bằng UAV và tên lửa, tuyên bố đây là hành động ủng hộ người Palestine sau khi xung đột bùng phát tại Dải Gaza giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh Israel bị bao vây tứ bề như hiện nay, rất khó để phòng thủ nếu chỉ dựa vào mỗi Hệ thống Vòm Sắt. Trước đó, chính Tel Aviv cũng từng đề cập mối lo ngại này với Washington. Cụ thể, quân đội Israel thừa nhận Hệ thống Vòm sắt có thể bị tổn thương trước kho tên lửa và UAV dồi dào, liên tục tăng cường số lượng của Hezbollah.