Số phận mong manh của các căn cứ quân sự Nga ở Syria

VOV.VN - Có nhiều nhận định trái ngược nhau về số phận các căn cứ quân sự của Nga ở Syria sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Cuối ngày 8/12, truyền thông Nga dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Syria Bashar al-Assad và gia đình ông đã tới Moscow. Nga đã cấp quyền tị nạn cho họ trên cơ sở nhân đạo.

Sau thông tin này, dư luận đặt câu hỏi về số phận của đại sứ quan Nga ở thủ đô Damascus cũng như các căn cứ quân sự của Nga ở Tartus và Hmeimim.

Tầm quan trọng của các căn cứ nói trên là không thể phủ nhận. Một trong số đó tồn tại từ năm 1971, khi ông Hafez al Assad, cha của ông Bashar al-Assad, lên nắm quyền ở Syria.

Căn cứ hải quân Tartus, ở thành phố cùng tên thuộc tỉnh Latakia, hiện là cơ sở quân sự duy nhất của Nga ở nước ngoài. Hơn nữa, đây là trung tâm sửa chữa và tiếp tế duy nhất của Nga tại Địa Trung Hải, và Moscow đã sử dụng Syria làm trạm trung chuyển để đưa các nhà thầu quân sự vào và ra khỏi châu Phi. Cảng Tartus là nơi đồn trú của lực lượng hải quân Nga tại Syria, trong đó có 1 tàu ngầm và 5 tàu chiến.

Căn cứ không quân Hmeimim cũng ở tỉnh Latakia của Syria là nơi Nga đã triển khai hàng chục máy bay chiến đấu từ năm 2015. Mặc dù về mặt chính thức, lực lượng Nga ở Hmeimim, bao gồm cả máy bay ném bom chiến lược, có nhiệm vụ bảo vệ chính phủ Syria khỏi mối đe dọa từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, Nga thường xuyên sử dụng căn cứ Hmeimim để phục vụ các hoạt động ở châu Phi và Địa Trung Hải.

Máy bay ném bom của Nga không chỉ được triển khai ở Hmeimim mà còn xuất hiện ở các sân bay quân sự của Syria tại Homs và Palmyra. Tuy nhiên, hai sân bay quân sự này hiện nằm trong tay lực lượng Hayʼat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm dẫn đầu lực lượng đối lập đã chiếm được phần lớn Syria trong chưa đầy 2 tuần qua.

Hiện chưa rõ Lực lượng hàng không vũ trụ Nga có thể sử dụng các căn cứ này nữa hay không. Hơn nữa, có một số thông tin cho rằng Moscow sẽ buộc phải tiến hành rút quân chiến lược toàn bộ lực lượng quân sự của mình khỏi Syria trong vòng vài ngày.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 8/12 cho hay, lực lượng Nga ở Syria đã được đặt trong tình trạng báo động cao, nhưng hiện tại “không có mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với an ninh của họ”.

Theo Reuters, chính phủ Nga đã liên lạc với lãnh đạo của HTS trong nhiều ngày. Kết quả là hai bên đã đạt được thỏa thuận “đảm bảo an toàn cho các căn cứ quân sự và các tổ chức ngoại giao của Nga tại Syria”.

Nga sẽ rút lực lượng khỏi Syria?

Theo thông tin mới nhất, liên minh các lực lượng đối lập Syria ngày 9/12 đã kiểm soát hoàn toàn tỉnh Latakia, nơi có các căn cứ quân sự của Nga. Các nhóm vũ trang đối lập đã tiến vào các thành phố Jableh và Tartus nhưng lập chưa xâm nhập vào các căn cứ hải quân Tartus cũng như căn cứ không quân Hmeimim.

Mặc dù vậy, các blogger quân sự Nga cho hay, các cuộc đụng độ nghiêm trọng đang diễn ra xung quanh các căn cứ quân sự của Nga ở Syria. Họ cho rằng căn cứ không quân Hmeimim đã bị bỏ hoang và không còn tàu chiến nào của Nga ở cảng Tartus. Có vẻ như lực lượng hải quân Nga ở Syria đã nhận được lệnh phải di chuyển khỏi bờ biển Syria “vì lý do an ninh”.

Liệu những sắp xếp này chỉ là tạm thời hay đó thực sự là cuộc rút quân chiến lược của Nga khỏi Syria?

Giới quan sát quân sự cho rằng, Điện Kremlin hiện đang đàm phán căng thẳng với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, bên hậu thuẫn chính cho lực lượng đối lập Syria, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho quân đội và nhân viên ngoại giao Nga tại Syria.

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng đối lập ở Syria khá phức tạp. Ankara ủng hộ Quân đội Quốc gia Syria (NSA) – một nhóm có tham gia vào chiến dịch tấn công dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad, nhưng lại coi HTS, nhóm dẫn đầu cuộc tấn công, là khủng bố.

Mặc dù Ankara không thừa nhận nhưng Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã ngầm “gật đầu” cho chiến dịch tấn công của lực lượng đối lập Syria. Với ảnh hưởng như vậy, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ ra mặt đảm bảo an toàn cho lực lượng Nga ở Syria cũng có vẻ hợp lý, nhất là khi xét đến mối quan hệ giữa Ankara và Moscow.

Nhưng một sự đảm bảo tạm thời hoàn toàn khác với việc đảm bảo sự hiện diện liên tục của lực lượng Nga tại Syria.

HTS đã cố gắng thay đổi hình ảnh, vận hành bộ máy quản lý theo kiểu nhà nước để không bị coi là một nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Tuy nhiên, vết thương do nội chiến kéo dài 13 năm vẫn còn tồn tại và không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng bỏ qua cho một lực lượng đã ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Assad.

Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể tham gia vào nỗ lực thuyết phục chính phủ mới ở Syria để lực lượng Nga tiếp tục hiện diện ở Syria hay không? HTS có thể chấp nhận điều đó để đổi lấy những hỗ trợ ngoại giao hoặc chính trị. Điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Nhưng kịch bản khả thi hơn là máy bay và tàu chiến của Nga sẽ trở về các căn cứ an toàn hơn ở Nga trong những tuần tới, thậm chí sớm hơn.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phe đối lập Syria kiểm soát thành phố có căn cứ quân sự Nga
Phe đối lập Syria kiểm soát thành phố có căn cứ quân sự Nga

VOV.VN - Liên minh các lực lượng đối lập Syria đã kiểm soát hoàn toàn tỉnh Latakia, nơi có các căn cứ quân sự của Nga.

Phe đối lập Syria kiểm soát thành phố có căn cứ quân sự Nga

Phe đối lập Syria kiểm soát thành phố có căn cứ quân sự Nga

VOV.VN - Liên minh các lực lượng đối lập Syria đã kiểm soát hoàn toàn tỉnh Latakia, nơi có các căn cứ quân sự của Nga.

Ai sẽ nắm quyền ở Syria sau khi Tổng thống Assad bị lật đổ?
Ai sẽ nắm quyền ở Syria sau khi Tổng thống Assad bị lật đổ?

VOV.VN - Bất kỳ ai nắm quyền ở Damascus cũng sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát toàn bộ Syria. Sau 13 năm nội chiến và rơi vào cảnh bần cùng, người dân nước này đang cầu chuyện cho một cuộc chuyển giao hòa bình vốn đã được chứng minh là vô cùng hiếm hoi ở thế giới Arab.

Ai sẽ nắm quyền ở Syria sau khi Tổng thống Assad bị lật đổ?

Ai sẽ nắm quyền ở Syria sau khi Tổng thống Assad bị lật đổ?

VOV.VN - Bất kỳ ai nắm quyền ở Damascus cũng sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát toàn bộ Syria. Sau 13 năm nội chiến và rơi vào cảnh bần cùng, người dân nước này đang cầu chuyện cho một cuộc chuyển giao hòa bình vốn đã được chứng minh là vô cùng hiếm hoi ở thế giới Arab.

Giải mã ý đồ Israel đưa quân vào Syria ngay khi chính quyền Assad sụp đổ
Giải mã ý đồ Israel đưa quân vào Syria ngay khi chính quyền Assad sụp đổ

VOV.VN - Hai quan chức Israel ngày 9/12 cho biết, lực lượng mặt đất của nước này đã tiến vào khu phi quân sự nằm ở biên giới Israel-Syria cuối tuần qua. Đây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến năm 1973, các lực lượng Israel tiến vào khu vực này.

Giải mã ý đồ Israel đưa quân vào Syria ngay khi chính quyền Assad sụp đổ

Giải mã ý đồ Israel đưa quân vào Syria ngay khi chính quyền Assad sụp đổ

VOV.VN - Hai quan chức Israel ngày 9/12 cho biết, lực lượng mặt đất của nước này đã tiến vào khu phi quân sự nằm ở biên giới Israel-Syria cuối tuần qua. Đây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến năm 1973, các lực lượng Israel tiến vào khu vực này.