Tác chiến điện tử tầm gần – Lớp giáp bảo vệ chiến hào Ukraine trước UAV
VOV.VN - Cả Nga và Ukraine đều đang dựa vào tác chiến điện tử trong giao tranh. Đầu tư vào những khả năng này đóng vai trò quan trọng bởi chiến trường đầy rẫy các mối đe dọa từ UAV đến vũ khí chính xác. Một quan chức cấp cao Ukraine nhận định "mỗi chiến hào" đều cần các công cụ cho tác chiến điện tử tầm gần.
Nga và Ukraine đã phụ thuộc rất nhiều vào các chiến thuật tác chiến điện tử trong suốt cuộc xung đột khi dựa vào công nghệ rẻ tiền nhưng hiệu quả cao để can thiệp vào quá trình nhắm mục tiêu của các loại vũ khí tấn công chính xác như UAV tấn công và đạn dẫn đường.
Với chiến trường đầy rẫy những mối nguy hiểm, đặc biệt là UAV đe dọa bất kỳ thứ gì di chuyển, nhu cầu về hệ thống tác chiến điện tử đang rất lớn. Một quan chức cấp cao Ukraine cho biết Kiev đã đầu tư rất nhiều vào việc phát huy những khả năng này để có thể cung cấp chúng cho các lực lượng trên tiền tuyến.
Ông Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Chuyển đổi số của Ukraine nhận định với Business Insider: “Về việc phát triển các hệ thống tác chiến điện tử, chúng tôi hiện đang làm điều tương tự với các máy bay không người lái: đó là mở rộng quy mô sản xuất trong nước".
"Để làm vậy, chúng tôi cần bắt đầu xác định nhu cầu sản xuất, các khả năng và thách thức. Chúng tôi đã dỡ bỏ một số điều kiện để nhiều công ty tư nhân hơn có thể tham gia, sản xuất và cạnh tranh. Điều này đang cho thấy hiệu quả và chúng tôi đã nhìn thấy kết quả".
Các bên tham chiến có thể sử dụng công nghệ hiệu quả mà rẻ tiền trong tác chiến điện tử. Hình thức tác chiến này không chỉ giúp để vô hiệu hóa các loại đạn dẫn đường chính xác, mà còn có thể làm xáo trộn tín hiệu điều khiển giữa phương tiện bay không người lái (UAV) trinh sát hoặc tấn công với người vận hành.
Tác chiến điện tử bao gồm nhiều hình thức không tốn kém. Theo chuyên gia Thomas Withington thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), gây nhiễu là hình thức tương đối đơn giản. Hoạt động gây nhiễu định vị là "làm quá tải bộ thu tín hiệu định vị vệ tinh bằng loạt nhiễu, khiến nó mất khả năng xác định vị trí, điều hướng lẫn tín hiệu thời gian nhận từ vệ tinh".
Ngoài ra, lực lượng tác chiến điện tử còn có hình thức giả mạo tín hiệu, cách làm này được thực hiện bằng việc gửi dữ liệu sai đến bộ thu tín hiệu định vị vệ tinh trên vũ khí đối phương, khiến chúng đi chệch hướng hoặc quỹ đạo.
Gây nhiễu là phương pháp dễ hơn và có thể thực hiện với thiết bị rẻ tiền, kỹ thuật viên ít được huấn luyện hơn, còn giả mạo tín hiệu được sử dụng trong các tình huống cụ thể như giấu vị trí đóng quân trước đối phương. Cả hai đều có thể gây ra tác động rất lớn đối với vũ khí chính xác.
Việc sử dụng các hệ thống định vị không phụ thuộc vào tín hiệu GPS, ví dụ hệ thống dẫn đường quán tính, có thể giải quyết thách thức do tác chiến điện tử gây ra. Tuy nhiên, các hệ thống thay thế GPS không phải lúc nào cũng là lựa chọn phù hợp.
Nhu cầu rất lớn về tác chiến điện tử tầm gần
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trong báo cáo cập nhật hồi đầu tháng 6 dẫn lời "các nhà bình luận quân sự Nga" đánh giá đối phương đang thể hiện tốt trong "các chu kỳ sáng tạo chiến thuật và công nghệ không ngừng để định hình không gian chiến đấu ở Ukraine".
Một blogger quân sự người Nga, từng huấn luyện đơn vị xung kích tấn công, viết trên kênh Telegram của mình rằng việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) là "yếu tố hàng đầu" giúp Ukraine chặn đà các hoạt động tấn công của Nga trong suốt nhiều tháng.
Ông Fedorov cho rằng: "Cần nhiều công cụ tác chiến điện tử khác nhau để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược nhưng cũng có nhu cầu rất lớn về cái gọi là tác chiến điện tử "tầm gần". Nói cách khác, mỗi chiến hào đều cần thiết bị tác chiến điện tử".
Trước sự cấp bách này, Kiev đã mua 2.000 thiết bị tác chiến điện tử tầm gần trong mùa xuân với sự giúp đỡ của UNITED24, một sáng kiến của chính phủ Ukraine đã thúc đẩy những nỗ lực chiến đấu của Kiev bằng cách quyên tiền để mua vũ khí. Ông Fedorov cho biết, "thị trường này đang phát triển rất nhanh".
Các hệ thống tác chiến điện tử tầm gần đặc biệt hữu ích khi đối phó với UAV của đối phương, đặc biệt là những UAV làm nhiệm vụ trinh sát và tấn công. Những máy bay không người lái này đang là phương tiện chiếm ưu thế trên chiến trường.
Cả Nga và Ukraine đều sử dụng các máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất chứa đầy chất nổ để tiến hành các cuộc tấn công chính xác nhằm vào binh lính, các trang thiết bị, xe bọc thép cũng như các vị trí của đối phương, kể cả trong chiến hào, nơi từng diễn ra một số cuộc giao tranh ác liệt nhất.
Ông Fedorov cho biết, tốc độ của cuộc chiến công nghệ tại Ukraine đang rất nhanh với những phát triển mới có vòng sản xuất và vòng đời ngắn. Theo ông, xu hướng này đặc biệt tác động đến máy bay không người lái bởi luôn có nhu cầu điều chỉnh các hệ thống này cho phù hợp với các điều kiện của tác chiến điện tử và tìm kiếm những cách hiệu quả hơn để sử dụng chúng trên chiến trường.
"Bản thân công nghệ rất quan trọng nhưng việc sử dụng công nghệ có tác động rất lớn. Bạn có thể có chiếc máy bay không người lái tốt nhất nhưng sẽ có ý nghĩa gì nếu nó không thể bay trong điều kiện tác chiến điện tử?"
Các quốc gia đối tác như Mỹ đang chú ý đến những thành quả của Ukraine trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, tại một sự kiện truyền thông vào tháng trước, Doug Bush, Người đứng đầu bộ phận mua sắm của quân đội Mỹ đã ca ngợi Kiev là một “lực lượng tác chiến điện tử rất tinh vi và hiệu quả cao”.
“Họ đang làm những điều khá tuyệt vời - một số với sự giúp đỡ của chúng tôi, một số thì tự làm. Vì vậy, đó là một sự qua lại liên tục", ông Bush nói.
Mỹ cũng đang nghiên cứu chặt chẽ việc áp dụng tác chiến điện tử trong cuộc xung đột ở Ukraine và cố gắng rút ra bài học cho mình khi Lầu Năm Góc xem xét những điều chỉnh nào có thể cần thực hiện cho những cuộc chiến trong tương lai.
Sau khi quan sát cuộc chiến UAV ở Ukraine, quân đội Mỹ đã tổ chức các khóa đào tạo để dạy các quân nhân cách sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử tầm gần, giống như những hệ thống mà ông Fedorov đã đề cập, để tấn công các hệ thống không người lái nhỏ trên chiến trường.