Phi công đã kết hôn mới được lái máy bay tối mật nhanh nhất của CIA

VOV.VN - Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, CIA đặt ra những yêu cầu khắt khe và các điều kiện đặc biệt trong việc tuyển dụng phi công lái các máy bay do thám tối mật như A-12, YF-12 và cả SR-71.

SR-71 Blackbird vẫn là máy bay quân sự hoạt động nhanh nhất trong lịch sử cho đến ngày nay, dù đã nghỉ hưu cách đây hơn 20 năm. Tuy nhiên, máy bay tiền nhiệm A-12 do Lockheed Martin chế tạo thực sự còn nhanh hơn.

A-12 nằm trong Dự án Oxcart của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và là tiền thân của các dự án chế tạo máy bay đánh chặn YF-12 và huyền thoại SR-71.

Cả 3 đều là những dự án tối mật, không chỉ vì những công nghệ tiên tiến do Lockheed Martin phát triển, mà còn vì khi đó Mỹ đã bí mật tìm nguồn nguyên liệu chế tạo những chiếc máy bay này từ bên trong Liên Xô.

Trong cuốn sách “Archangel: Máy bay trinh sát siêu thanh A-12 của CIA”, nhà sử học của CIA, David Robarge đã tiết lộ những bí mật về chương trình Oxcart cũng như những điều kiện để được bay trên những chiếc máy bay tuyệt mật, tốc độ cao và cực kỳ nguy hiểm này.

Cần thiết phải giữ bí mật

A-12 là trong những dự án bí mật của Kelly Johnson cùng các đồng nghiệp tại Skunk Works của Lockheed.

Johnson là kỹ sư hàng đầu từng phụ trách thiết kế các máy bay quân sự có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20. Ông từng thiết kế máy bay do thám U-2 có trần bay 24km cho CIA 7 năm trước đó. Thành công của U-2 là lý do Johnson được lựa chọn cho dự án máy bay tối mật mới của CIA.

Trong khi hầu hết các máy bay tốc độ cao sử dụng động cơ đốt sau để đạt tốc độ siêu thanh trong khoảng vài phút mỗi lần, A-12 được thiết kế để duy trì tốc độ đó trong nhiều giờ. Điều đó có nghĩa là mọi chi tiết của máy bay phải chịu được sức nóng khi bay ở tốc độ hơn 3.700km/h và nhiệt độ bên ngoài có thể lên tới 537 độ C.

Các vật liệu truyền thống được sử dụng trong chế tạo máy bay như thép và nhôm không thể chịu được điều kiện như vậy.

Chỉ có hợp kim titan có thể đáp ứng được yêu cầu trên, nhưng nguồn cung titan của Mỹ lại không đủ. Do đó, CIA đã sử dụng các bên thứ ba và công ty bình phong để mua khối lượng titan cần thiết cho Dự án Oxcart từ nhà cung cấp lớn nhất thế giới vào thời điểm đó là Liên Xô.

Trong khi Moscow không hề hay biết về điều này, Mỹ đã mua được các vật liệu cần thiết để chế tạo những chiếc máy bay có tốc độ vượt cả tên lửa đất đối không tiên tiến nhất và máy bay chiến đấu đánh chặn nhanh nhất trên thế giới ngay bên trong biên giới Liên Xô.

Những yêu cầu đặc biệt đối với phi công

Do tính tuyệt mật của dự án, việc thử nghiệm máy bay A-12 cũng được tiến hành một cách bí mật và việc tuyển phi công cũng có những yêu cầu đặc biệt.

Các lãnh đạo Không quân Mỹ đã hợp tác với các đại diện của CIA cũng như nhà thiết kế Johnson để thiết lập một bộ tiêu chí mà các phi công sẽ phải đáp ứng để được lái A-12.

Hầu hết các yêu cầu được đặt ra có vẻ bình thường, như yêu cầu về thể chất do những hạn chế thực tế về không gian buồng lái và điều kiện cần thiết về kinh nghiệm lái các máy bay hiệu suất cao.

“Các phi công phải có trình độ chuyên môn và thành thạo, có ít nhất 2.000 giờ bay, trong đó 1.000 giờ bay trên máy bay chiến đấu mới nhất; đã kết hôn, ổn định về cảm xúc và có động cơ tốt; từ 25-40 tuổi; cao dưới 1,83 mét và nặng dưới 80kg để có thể ngồi vừa buồng lái của A-12” nhà sử học CIA David Robarge cho biết.

Tất nhiên, yêu cầu đáng chú ý hơn cả là đã kết hôn.

Ở giai đoạn này của thế kỷ 21, người ta có thể thoải mái loại bỏ các mối đe dọa tiềm tàng về một cuộc chiến tranh hạt nhân với Liên Xô, vì vậy những lo ngại về việc đào tẩu có vẻ nực cười. Nhưng ở thời điểm Dự án Oxcart được thực hiện, đây lại là vấn đề nghiêm túc.

Trên thực tế, đến khi Johnson và nhóm của ông chuẩn bị cho chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của A-12 vào năm 1962, ít nhất 12 quan chức và nhân viên tình báo Mỹ đã bỏ sang Liên Xô kể từ khi kết thúc Thế chiến 2, trong số đó có một sĩ quan Không quân Mỹ.

Yêu cầu phi công phải là người đã kết hôn dựa trên lập luận rằng những người đàn ông đã có gia đình thường ổn định và điềm tĩnh hơn.

Mọi ứng cử viên phi công tiềm năng cho Dự án Oxcart đều phải trải qua cuộc kiểm tra tâm lý kỹ lưỡng. Điều này cho thấy sức khỏe tinh thần thực sự là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu.

Tuy nhiên, yêu cầu đã kết hôn được xem như “bảo hiểm xã hội” để ngăn chặn khả năng phi công có thể đào tẩu cùng với bí mật nhà nước đắt tiền và công nghệ tiên tiến nhất của Mỹ.

Không ai công khai nói rằng đào tẩu là một mối lo ngại, nhưng cũng không có gì phải bàn cãi khi việc che đậy chương trình này với Liên Xô và thậm chí cả công chúng Mỹ vẫn là ưu tiên hàng đầu.

“Quá trình này được giữ bí mật đến nỗi cấp trên của ứng viên không biết cấp dưới của họ đang làm gì. Những người vượt qua các cuộc sàng lọc có thể làm việc cho CIA trong một dự án tuyệt mật liên quan đến một chiếc máy bay cực kỳ tối tân”, theo ông Robarge.

Cần phải nhấn mạnh rằng, các phi công được chọn cho Dự án Oxcart, cũng như những người khác có liên quan, đều được chọn từ Không quân Mỹ, nhưng khi đã tham gia vào dự án này đều trở thành người của CIA. Theo ông Robarge, do A-12 và SR-71 rất giống nhau, đôi khi nhiều người cho rằng Không quân Mỹ yêu cầu phi công Blackbird của họ phải kết hôn. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy.

Cuối cùng, chỉ có 11 người từ Không quân Mỹ được chọn để lái chiếc A-12. Hai người trong số đó là Walter L. Ray và Jack W. Weeks, sau này thiệt mạng trong vụ rơi máy bay.

Dự án Oxcart kết thúc vào năm 1968, nhưng máy bay tiếp theo SR-71 có thể hoạt động trong nhiều thập kỷ tiếp theo và vượt qua ít nhất 800 tên lửa đất đối không, rất nhiều tên lửa trong số này được phóng từ Liên Xô./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Hắc điểu” SR-71 vẫn là máy bay nhanh nhất thế giới sau hơn nửa thế kỷ
“Hắc điểu” SR-71 vẫn là máy bay nhanh nhất thế giới sau hơn nửa thế kỷ

VOV.VN -Thời Chiến tranh Lạnh, “Hắc điểu” đã bay cao hơn, nhanh hơn bất cứ chiếc máy bay nào khác và 55 năm sau chuyến bay đầu tiên, nó vẫn nắm giữ kỷ lục này.

“Hắc điểu” SR-71 vẫn là máy bay nhanh nhất thế giới sau hơn nửa thế kỷ

“Hắc điểu” SR-71 vẫn là máy bay nhanh nhất thế giới sau hơn nửa thế kỷ

VOV.VN -Thời Chiến tranh Lạnh, “Hắc điểu” đã bay cao hơn, nhanh hơn bất cứ chiếc máy bay nào khác và 55 năm sau chuyến bay đầu tiên, nó vẫn nắm giữ kỷ lục này.

Vì sao “Hắc điểu” SR-71 của Mỹ đến nay chưa có đối thủ vượt tốc độ?
Vì sao “Hắc điểu” SR-71 của Mỹ đến nay chưa có đối thủ vượt tốc độ?

VOV.VN - SR-71 Blackbird được coi là máy bay quân sự siêu nhanh và cho đến nay vẫn chưa có một loại máy bay quân sự nào có thể phá vỡ kỷ lục của nó.

Vì sao “Hắc điểu” SR-71 của Mỹ đến nay chưa có đối thủ vượt tốc độ?

Vì sao “Hắc điểu” SR-71 của Mỹ đến nay chưa có đối thủ vượt tốc độ?

VOV.VN - SR-71 Blackbird được coi là máy bay quân sự siêu nhanh và cho đến nay vẫn chưa có một loại máy bay quân sự nào có thể phá vỡ kỷ lục của nó.

Điều ít biết về dự án UAV bí mật do thám Liên Xô của CIA
Điều ít biết về dự án UAV bí mật do thám Liên Xô của CIA

VOV.VN - Mỹ dự định tạo ra phi đội gồm 12 UAV do thám giống chim ưng, chạy bằng năng lượng hạt nhân để có thể tiến sâu và thăm dò địa hạt của đối phương.

Điều ít biết về dự án UAV bí mật do thám Liên Xô của CIA

Điều ít biết về dự án UAV bí mật do thám Liên Xô của CIA

VOV.VN - Mỹ dự định tạo ra phi đội gồm 12 UAV do thám giống chim ưng, chạy bằng năng lượng hạt nhân để có thể tiến sâu và thăm dò địa hạt của đối phương.