SIPRI cảnh báo về sự gia tăng số lượng vũ khí hạt nhân sẵn sàng khai hỏa trên thế giới
VOV.VN - Theo SIPRI, số vũ khí hạt nhân sẵn sàng được triển khai cùng các lực lượng tác chiến trên toàn cầu ngày một gia tăng.
Trong báo cáo đánh giá thường niên về vũ khí, giải trừ quân bị và an ninh thế giới mới nhất vừa được công bố, Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, mặc dù tổng số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới đã giảm thời gian qua, nhưng đây không phải là dấu hiệu đáng mừng khi số vũ khí hạt nhân được triển khai cùng các lực lượng tác chiến ngày một gia tăng. Bên cạnh đó, các chương trình mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí cũng được thực hiện nhiều hơn.
Tín hiệu đáng lo ngại
Theo báo cáo của SIPRI, 9 nước bao gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên sở hữu tổng cộng 13.080 vũ khí hạt nhân vào đầu năm 2021, giảm nhẹ so với con số 13.400 ghi nhận vào thời điểm đầu năm 2020.
Con số này bao gồm các đầu đạn hạt nhân đã hết hạn sử dụng và đang chờ được tháo dỡ. Nếu không có những đầu đạn đó, số lượng vũ khí có thể được triển khai tăng lên 3.825 từ mức 3.720 vào năm 2020. Những vũ khí này được gắn vào tên lửa hoặc đặt tại các căn cứ quân sự. Khoảng 2.000 vũ khí trong số đó, hầu hết thuộc sở hữu của Nga hoặc Mỹ, luôn trong trạng thái sẵn sàng chờ khai hỏa.
Nga và Mỹ đã giảm quy mô kho vũ khí hạt nhân bằng cách tháo dỡ những đầu đạn hạt nhân bị loại khỏi biên chế vào năm 2020. Tuy nhiên cả hai nước được cho là đã bổ sung thêm 50 đầu đạn sẵn sàng triển khai vào đầu năm 2021.
Kho hạt nhân quân sự của Nga cũng tăng lên khoảng 180 đầu đạn, chủ yếu dùng cho việc triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ đất liền (ICBM) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Tuy vậy, lực lượng hạt nhân chiến lược của cả hai nước vẫn nằm trong các giới hạn của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) mà Nga và Mỹ đã nhất trí gia hạn vào tháng 2/2021.
Ông Hans M. Kristensen, chuyên gia cấp cao của SIPRI cho rằng: “Tổng số đầu đạn hạt nhân sẵn sàng được triển khai trong các kho dự trữ quân sự đang gia tăng. Có một tín hiệu đáng lo ngại là xu hướng cắt giảm số vũ khí hạt nhân mà chúng ta quen thuộc kể từ Chiến tranh Lạnh đang chững lại. Việc Nga và Mỹ đạt thỏa thuận vào phút chót về việc gia hạn New START vào tháng 2/2021 đã xoa dịu phần nào lo ngại. Song triển vọng tạo ra những cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân bổ sung trong tương lai giữa hai cường quốc vẫn còn rất xa vời”.
Nga và Mỹ vẫn là những quốc gia dẫn đầu
Theo đánh giá của SIPRI, Nga và Mỹ sở hữu hơn 90% số vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Cả hai nước đều đang thực hiện các chương trình mở rộng đầy tốn kém để thay thế và hiện đại hóa các đầu đạn hạt nhân, tên lửa hạt nhân cũng như nâng cấp các cơ sở sản xuất.
“Nga và Mỹ dường như muốn khẳng định tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia của mỗi nước”, ông Kristensen nói.
7 quốc gia hạt nhân khác cũng đang phát triển hoặc triển khai những loại vũ khí mới, hay ít nhất là công bố ý định thực hiện công việc này. Chẳng hạn, Anh đã đảo ngược chính sách cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và nâng giới hạn số lượng vũ khí hạt nhân từ 180 lên 260.
Trung Quốc đang trong quá trình hiện đại hóa và mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân. Ấn Độ và Pakistan cũng thực hiện các bước đi tương tự. Còn Triều Tiên tiếp tục tăng cường chương trình hạt nhân quân sự và coi đây là trọng tâm của chiến lược an ninh quốc gia.
Mặc dù không tiến hành vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo tầm xa nào vào năm 2020, nhưng Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục sản xuất vật liệu phân hạch và phát triển tên lửa đạn đạo, bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc.
Báo cáo của SIPRI cũng đưa ra những đánh giá tích cực:. “Bất chấp sự bùng phát các cuộc xung đột, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và chi tiêu quân sự gia tăng, an ninh con người không tiếp tục xấu đi vào năm 2020. Số người thiệt mạng trong các cuộc xung đột vũ trang trên toàn thế giới đã sụt giảm đáng kể. Bên cạnh đó, các hoạt động buôn bán vũ khí trên toàn cầu không có xu hướng gia tăng”./.