Sử dụng nhiên liệu tàng hình cho tên lửa có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh hạt nhân?

VOV.VN - Quân đội Mỹ muốn có nhiên liệu tàng hình dùng cho tên lửa để tránh bị phát hiện, nhưng liệu điều đó có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh hạt nhân?

Cục Phòng thủ Tên lửa (Missile Defense Agency) Mỹ đang muốn triển khai dự án nghiên cứu “tìm phương pháp phát triển các loại thuốc phóng rắn có tín hiệu hồng ngoại (infrared - IR) giảm nhưng vẫn duy trì hiệu suất tỷ lệ lực đẩy trên khối lượng”. “Việc phát hiện các vụ phóng tên lửa và đốt cháy tên lửa đẩy là những cơ sở xác định mối đe dọa quan trọng. Vì giám sát IR từ xa thường được sử dụng để phát hiện và theo dõi các vụ phóng tên lửa, nên khả năng tránh bị phát hiện thông qua giảm tín hiệu IR sẽ có lợi cho các phương tiện phòng thủ di động cũng như các phương tiện tấn công khi được triển khai”.

Thực tế tổ chức phòng thủ tên lửa của Mỹ muốn có một loại thuốc phóng có tín hiệu IR thấp không có gì là đặc biệt hay xấu xa. Trong khi các thiết bị laser chống tên lửa đang được triển khai, hiện tại, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ gồm Hệ thống đánh chặn trên mặt đất và tên lửa Patriot trên đất liền, cũng như tên lửa Aegis SM-3 và SM-6 trên biển - đều sử dụng tên lửa để bắn hạ các tên lửa của đối phương.

Tuy nhiên, các phương tiện đánh chặn sử dụng tên lửa đẩy tạo ra nhiều nhiệt và ánh sáng. Sẽ logic khi cho rằng đối phương có thể sử dụng dấu vết hồng ngoại của thiết bị đánh chặn để xác định chính xác tọa độ vị trí và phá hủy các tàu mang và bệ phóng tên lửa phòng thủ của Hoa Kỳ. Ngoài ra, chùm tia hồng ngoại của tên lửa đánh chặn có thể bị phát hiện khi đang bay tạo cơ hội cho tên lửa tấn công đang tiếp cận mục tiêu có thể triển khai mồi nhử để đánh lừa hoặc thực hiện hành động lẩn tránh.

Nhưng tên lửa sử dụng nhiên liệu tàng hình có thể gây ra rủi ro thảm khốc hơn nhiều. Răn đe hạt nhân vốn giúp Mỹ và Nga không tiêu diệt lẫn nhau trong 70 năm qua dựa trên sự đảm bảo rằng cả hai bên có thể kịp thời phát hiện một cuộc tấn công đầu tiên của phía bên kia để thực hiện một cuộc tấn công trả đũa. Đây là lý do tại sao Mỹ và Nga, và bây giờ là Trung Quốc, có các vệ tinh trên quỹ đạo được thiết kế để phát hiện tín hiệu hồng ngoại của vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (InterContinental Ballistic Missiles - ICBM).

Hoa Kỳ duy trì Chương trình Hỗ trợ Quốc phòng gồm các vệ tinh cảnh báo tên lửa, đang được thay thế bằng các vệ tinh Hệ thống Hồng ngoại bố trí trên Không gian (Space-based Infrared System - SBIRS). Gần đây, Cơ quan Phát triển Không gian (Space Development Agency - SDA) của Bộ Quốc phòng đã trao hợp đồng trị giá 149 triệu USD cho SpaceX, cùng hợp đồng trị giá 193 triệu USD cho L3 Harris Technologies để phát triển 4 vệ tinh trường nhìn rộng (wide-field-of-view - WFOV), được trang bị cảm biến theo dõi tên lửa hồng ngoại. SpaceX sẽ sử dụng các cơ sở ở Redmond, Washington cho dự án.

Các nhà thầu dự kiến sẽ ra mắt vệ tinh WFOV của họ vào mùa thu năm 2022. Các vệ tinh WFOV sẽ là một phần trong nỗ lực của SDA nhằm cập nhật Kiến trúc Không gian Phòng thủ Quốc gia (National Defense Space Architecture) được thiết kế để cải thiện hiệu quả của cơ quan này trong việc phát hiện, theo dõi và đánh bại "các mối đe dọa tên lửa tiên tiến". Giám đốc SDA tin tưởng vào các hợp đồng được trao này sẽ giúp cơ quan thực hiện các kế hoạch nâng cấp của mình.

Nhưng nhiên liệu tên lửa tạo ra chùm tia hồng ngoại tối thiểu làm tăng khả năng một quốc gia có thể tiến hành đòn tấn công hạt nhân bất ngờ bằng tên lửa có tín hiệu IR thấp. Giả sử ICBM mất từ 15 đến 30 phút để bay đến mục tiêu và một đầu đạn lao xuống bầu khí quyển với vận tốc Mach 23, thậm chí một vài phút cũng có thể tạo ra sự khác biệt đối với việc liệu phía phòng thủ có thể đánh chặn tên lửa đang bay tới hay không, hay thực hiện một cuộc tấn công trả đũa trước khi ICBM của chính họ bị phá hủy?.

Việc quân đội Hoa Kỳ xác định rằng nhiên liệu tên lửa tàng hình sẽ được sử dụng cho "trước mắt cho các phương tiện tấn công" cho thấy, Lầu Năm Góc muốn có các tên lửa tấn công mà đối thủ không thể phát hiện được. Các chuyên gia quân sự lo ngại điều này có thể gây ra hậu quả khôn lường. Brian Weeden - một cựu sĩ quan Không quân Hoa Kỳ và là một chuyên gia về chiến tranh vũ trụ, nói: “Hoa Kỳ thực sự là quốc gia dựa nhiều nhất vào việc phát hiện tín hiệu IR trong cảnh báo chiến lược về các cuộc tấn công hạt nhân và trong cảnh báo chiến thuật về các cuộc tấn công tên lửa trên chiến trường”.

“Vì vậy, nếu công nghệ này được phát triển, tôi nghĩ rằng nó thực sự có thể làm tổn hại nhiều hơn là giúp ích cho đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Và lịch sử cho thấy, công nghệ có cách kích thích mạnh mẽ chạy đua vũ trang, đặc biệt nếu nó có giá trị đáng kể về quân sự". Còn James Acton - nhà vật lý và đồng Giám đốc Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Carnegie Endowment for International Peace - tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của nhiên liệu tên lửa có thể giảm thiểu tín hiệu IR mà không ảnh hưởng đến hiệu suất đẩy.

Ông cũng lo ngại rằng nhiên liệu tàng hình dùng cho tên lửa có thể khiêu khích Nga và Trung Quốc. Acton nói: “Họ sẽ hiểu đây là một cách để tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu chống lại các lực lượng hạt nhân của họ. Và thành thật mà nói, tôi không rõ nó còn hữu ích cho mục đích nào khác”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hệ thống Phòng thủ Tên lửa đầy tham vọng sau năm 2030 của Mỹ
Hệ thống Phòng thủ Tên lửa đầy tham vọng sau năm 2030 của Mỹ

VOV.VN - Tương lai phòng thủ tên lửa sau năm 2030 phụ thuộc nhiều vào quyết tâm chính trị của giới lãnh đạo Mỹ hiện tại và tương lai

Hệ thống Phòng thủ Tên lửa đầy tham vọng sau năm 2030 của Mỹ

Hệ thống Phòng thủ Tên lửa đầy tham vọng sau năm 2030 của Mỹ

VOV.VN - Tương lai phòng thủ tên lửa sau năm 2030 phụ thuộc nhiều vào quyết tâm chính trị của giới lãnh đạo Mỹ hiện tại và tương lai

Pakistan thử nghiệm thành công tên lửa hành trình phóng từ trên không
Pakistan thử nghiệm thành công tên lửa hành trình phóng từ trên không

VOV.VN -Trong cuộc thử nghiệm 18/2, tên lửa hành trình Ra’ad II được phóng từ máy bay và đánh trúng mục tiêu giả định với tầm bắn được mở rộng lên tới 600km.

Pakistan thử nghiệm thành công tên lửa hành trình phóng từ trên không

Pakistan thử nghiệm thành công tên lửa hành trình phóng từ trên không

VOV.VN -Trong cuộc thử nghiệm 18/2, tên lửa hành trình Ra’ad II được phóng từ máy bay và đánh trúng mục tiêu giả định với tầm bắn được mở rộng lên tới 600km.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Bal và Bastion: “Nắm đấm thép” bảo vệ bờ biển của Nga
Hệ thống phòng thủ tên lửa Bal và Bastion: “Nắm đấm thép” bảo vệ bờ biển của Nga

VOV.VN - 2 hệ thống phòng thủ Bastion và Bal được thiết kế để chống lại sự xâm nhập của kẻ thù và các cuộc tấn công bằng tên lửa dọc vùng bờ biển của Nga.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Bal và Bastion: “Nắm đấm thép” bảo vệ bờ biển của Nga

Hệ thống phòng thủ tên lửa Bal và Bastion: “Nắm đấm thép” bảo vệ bờ biển của Nga

VOV.VN - 2 hệ thống phòng thủ Bastion và Bal được thiết kế để chống lại sự xâm nhập của kẻ thù và các cuộc tấn công bằng tên lửa dọc vùng bờ biển của Nga.