Su-LTS - tâm điểm của Triển lãm Hàng không - Vũ trụ Quốc tế МАКС-2021

VOV.VN - Xuất hiện lần đầu tại Triển lãm Hàng không - Vũ trụ Quốc tế МАКС-2021, tiêm kích chiến thuật hạng nhẹ một động cơ Su-LTS của Nga đang là chủ đề bàn luận sôi nổi của giới chuyên gia và các phương tiện thông tin đại chúng.

Tiêm kích một động cơ thế hệ thứ năm

Bất chấp đại dịch Covid-19, Triển lãm Hàng không - Vũ trụ Quốc tế (Международный Aвиационно-Kосмический Cалон 2021 - MAKS-2021) đã khai trương (20-25/7) tại Zhukovsky gần Moscow, với sự tham dự của Tổng thống Nga Putin, mà tâm điểm chính là máy bay chiến đấu Sukhoi (Nga) chưa được đặt tên (với tên dự án "Máy bay chiến thuật hạng nhẹ" (“Лёгкий тактический самолёт” Su-LTS), còn được một số nguồn gọi là “Checkmate”, “Su-59”, “Su-75”, được bí mật phát triển và mới được tiết lộ không lâu trước khi cuộc triển lãm khai mạc.

Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) dự định sẽ giao hàng loạt máy bay chiến đấu mới vào năm 2026-2027. Trước đó, đã có thông báo máy bay sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2023, các nguyên mẫu sẽ xuất hiện vào năm 2024-2025 và lô thử nghiệm - năm 2026. Checkmate thuộc thế hệ thứ năm; chưa có loại máy bay tương tự ở Nga, được tích hợp các giải pháp và công nghệ tiên tiến, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo. Checkmate là một nền tảng mới được phân biệt bởi khả năng tác chiến cao và chi phí thấp, được chế tạo bằng công nghệ tàng hình, có thể sử dụng trong hầu hết mọi điều kiện thời tiết và được triển khai ở bất kỳ khí hậu nào.

Checkmate có tầm hoạt động 3.000 km, trần bay 16,5 km, trọng lượng cất cánh 18 tấn, tải trọng chiến đấu tối đa 7,4 tấn. Vũ khí có thể nằm trong các thùng chứa bên trong thân. Máy bay được trang bị màn hình cảm ứng hiển thị toàn cảnh, các thuật toán hỗ trợ thông minh đã được triển khai để giảm tải cho người điều khiển, nhờ vậy, phi công có thể tập trung vào các nhiệm vụ chính.

Máy bay cũng được trang bị radar mảng pha chủ động AFAR, các hệ thống trinh sát quang học và điện tử, gây nhiễu điện tử tích hợp, ngắm quang học, liên lạc tầm rộng và thông tin buồng lái thế hệ thứ 5. Nó có khả năng phát hiện và tiêu diệt máy bay thế hệ 5 ở tầm gần và tầm xa; radar AFAR cho phép Checkmate tấn công tới 6 mục tiêu cùng lúc, ngay cả khi bị gây nhiễu. Được biết, một số biến thể của Checkmate là máy bay hai chỗ ngồi và máy bay không người lái (một trong những yêu cầu của chiến đấu cơ thế hệ thứ 6), có khả năng tấn công không chỉ các mục tiêu trên bộ và trên biển mà còn được sử dụng như một tiêm kích đánh chặn, cũng đang được phát triển.

Một chương trình như vậy có thể sử dụng công nghệ được phát triển cho máy bay chiến đấu không người lái S-70 Okhotnik mà Sukhoi đang phát triển như một phần của chương trình máy bay không người lái Tấn công-Trinh sát. Giới chức quốc phòng Nga cũng tiết lộ đang ấp ủ cho ra đời biến thể hải quân của Su-59 để triển khai trên tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ tấn công.

Nhận định của giới chuyên gia

Theo Tạp chí Không quân, Su-75 có nhiều điểm tương đồng với loại máy bay chiến đấu của Mỹ từng tham gia đấu thầu Máy bay tiêm kích liên hợp (JSF) vào những năm 1990. Bên ngoài, chiếc máy bay mới này giống sự pha trộn giữa F-35 (Mỹ) và Su-57 (Nga). Máy bay có cánh hình thang, đuôi có một cặp cánh vát góc thay vì đuôi ngang và dọc theo truyền thống, tương tự máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng/ngắn Yak-141 của Liên Xô. Cấu hình này giúp máy bay có khả năng cơ động cao, giảm tiết diện phản xạ radar và cũng giảm phát xạ hồng ngoại từ nhiều góc.

Khe hút gió dưới thân Checkmate giống với máy bay Boeing X-32, về cơ bản sẽ cung cấp luồng khí ổn định cho động cơ trên một mặt phẳng hoạt động rộng mà không cần phải có hệ thống cơ khí và điều khiển quá phức tạp, đồng thời cũng giúp ngăn chặn mặt quạt động cơ hấp thụ sóng radar từ hầu hết các góc độ. Checkmate sử dụng thiết kế kính buồng lái kiểu trượt về phía sau giống như Su-57 - dòng tiêm kích tàng hình đầu tiên của Nga.

Khoang chứa vũ khí hình ống dài, tương đối hẹp, nằm ở phía trước càng đáp phía trước, phù hợp với một tên lửa không đối không tầm ngắn, tương tự như Su-57. Checkmate có thể cũng được trang bị một khoang chứa vũ khí ở bụng, khoang nhiên liệu lớn bên trong. Theo các chuyên gia, tốc độ phát triển máy bay chiến đấu một động cơ mới của Nga gây ấn tượng mạnh, là một bước đột phá của các kỹ sư Nga. Điều đặc biệt thú vị nếu việc chế tạo sử dụng các công nghệ tương tự như Su-57.

Người Mỹ nhận xét, kể từ thời Chiến tranh Lạnh, không có một máy bay chiến đấu mới một động cơ nào được Nga chế tạo. Có thể Checkmate nhắm trực tiếp vào thị trường xuất khẩu, nhờ trọng lượng nhẹ, giá cả và chi phí bảo trì rẻ, vốn đã bị một số đối thủ cạnh tranh chiếm giữ - Mỹ với F-16, Thụy Điển với Gripen, liên doanh Trung-Pakistan JF-17 Thunder (Chengdu FC-1 Xiaolong) và trong tương lai sẽ có thêm nhiều quốc gia khác, như Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhập cuộc.

Nga có thể tạo ra một máy bay chiến đấu tiết kiệm với một số đặc điểm tinh tế cùng các cảm biến và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến trên thị trường quốc tế sẽ là một cuộc chuyển biến đáng kể, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy Nga có thể tự mình làm điều đó mà không phải hy sinh các dự án ​​quốc phòng lớn khác. Vì vậy, Nga có lẽ đang tìm kiếm một đối tác nước ngoài để cùng hợp tác, giúp bù đắp ít nhất một phần đáng kể chi phí phát triển.

Bằng cách sử dụng kinh nghiệm và thậm chí cả các hệ thống con và thành phần của dựa án Su-57, rủi ro có thể được giảm thiểu; chi phí của một chương trình như vậy có thể nhẹ một chút, nhưng để thực hiện chương trình trong vài năm, vẫn sẽ phải sử dụng các nguồn lực đáng kể. Bắt đầu từ năm 2001, nhưng đến năm 2021, việc sản xuất hàng loạt Su-57 vẫn chưa bắt đầu, do cả mức độ phức tạp về kỹ thuật và thiếu động cơ ("Sản phẩm 30"). Trong bối cảnh đó, việc chế tạo phiên bản Checkmate dường như là một bước đi rất đúng đắn.

Toàn bộ hình dáng bên ngoài của Checkmate hoàn toàn đồng nhất với người anh em của nó; việc sản xuất hàng loạt các linh kiện và tổ hợp thử nghiệm trên Su-57 giúp đơn giản hóa rất nhiều thiết kế và giảm giá thành của một tiêm kích hạng nhẹ. Dùng lẫn các bộ phận cũng là một điều tuyệt vời trong một cuộc chiến thực sự, giúp sửa chữa một cách nhanh chóng. Máy bay chiến đấu một động cơ có nhu cầu nhiều hơn một chút do giá thành tương đối rẻ so với máy bay hai động cơ, tốn ít tiền hơn rất nhiều cả khi mua và trong quá trình vận hành, trong khi nó vẫn có thể thực hiện chức năng chính của nó - "tiêu diệt" máy bay đối phương.

Sự hiện diện của tiêm kích đa năng hạng nhẹ trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga cùng với Su-57 hạng nặng, được thiết kế để chiến đấu giành ưu thế trên không, sẽ khiến khả năng của chúng trở nên cân bằng hơn. Có thể trong tương lai sẽ chế tạo máy bay chiến đấu trên tàu sân bay, nếu Bộ Quốc phòng Nga cho rằng việc xây dựng chương trình đóng tàu sân bay nội địa là phù hợp.

Rostec quảng bá Checkmate hướng đến thị trường xuất khẩu với một loạt khách hàng tiềm năng như Việt Nam, Ấn Độ, UAE, Argentina, Myanmar... có nhu cầu sắm một loại chiến đấu cơ tàng hình hạng nhẹ, sở hữu các tính năng kỹ chiến thuật mạnh, phù hợp với điều kiện hạn chế của nhiều quốc gia. Ở thời điểm hiện tại, F-35 Lightning II của Mỹ đang là dòng tiêm kích tàng hình bán chạy nhất thế giới, tuy nhiên mẫu máy bay này khá đắt đỏ và chỉ được bán cho các quốc gia đồng minh của Washington.

Trước đó, Sukhoi cũng từng tuyên bố sẽ sớm cho ra mắt biến thể xuất khẩu của Su-57 là Su-57E nhưng kế hoạch này chỉ có thể thực hiện sau khi không quân Nga hoàn tất kế hoạch biên chế dòng máy bay này. Các nhà phê bình cho rằng Su-57 đang đi sau thời gian và sẽ bị lỗi thời vào nửa cuối thập kỷ này, khi Mỹ và châu Âu dự kiến ​​tung ra các máy bay phản lực thế hệ thứ sáu của họ là NGAD và FCAS.

Đây có thể là lý do khiến Rostec quyết định phát triển một mẫu tiêm kích tàng hình khác có tính năng và mức giá cạnh tranh hơn cho thị trường trước khi Su-57E xuất hiện; giá hiện tại của Checkmate từ 25-30 triệu USD, khiến nó trở thành một trong những máy bay chiến đấu rẻ nhất thế giới và có thể gây ra cú sốc trong ngành công nghiệp máy bay chiến đấu toàn cầu nếu nó hoạt động như mong đợi. Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov cho biết nhu cầu Checkmate ước tính khoảng 300 chiếc. Có thông tin, ít nhất 12 quốc gia đang tỏ ý quan tâm đến việc mua Checkmate của Nga.

Theo đài RT (Nga), Checkmate được so sánh với máy bay chiến F-35 Lightning II của hãng Lockheed Martin. Tuy nhiên, Sukhoi và Rostec khẳng định, về nguyên tắc đây là một chiếc máy bay hoàn toàn khác. Checkmate nhanh hơn, có tầm bay xa hơn và có thể mang nhiều vũ khí hơn F-35. Giám đốc Rostec cho rằng, Checkmate được dự định là một giải pháp thay thế hiệu quả hơn và giá cả phải chăng hơn F-35 của Mỹ, Saab Gripen của Thụy Điển và Dassault Rafale của Pháp vốn có giá từ 60-90 triệu USD mỗi chiếc.

Hãng Sukhoi và Nga có thể bán cho các quốc gia mà Mỹ không cho phép mua tàng hình cơ F-35. Sự ra đời của Checkmate, đặc biệt là chiến lược xuất khẩu của Nga với máy bay này đang F-35 Mỹ trước thách thức lớn. Với những công nghệ hàng không quân sự đạt được hiện nay, một số chuyên gia Mỹ tin rằng cơ hội thành công của dự án máy bay tàng hình một động cơ của Nga là rất lớn. Nếu Mỹ không thay đổi chiến lược xuất khẩu vũ khí thì những tiêm kích Su-35, Su-57 và đặc biệt là Checkmate có thể khiến doanh thu xuất khẩu chiến đấu cơ Mỹ sụt giảm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Điểm danh 6 máy bay chiến đấu không người lái có thể giúp Nga đuổi kịp Mỹ
Điểm danh 6 máy bay chiến đấu không người lái có thể giúp Nga đuổi kịp Mỹ

VOV.VN - Trong cuộc đua phát triển máy bay chiến đấu không người lái (UCAV), Nga đang đi sau Mỹ và một số quốc gia. Liệu 6 UCAV dưới đây có giúp Nga đảo ngược tình thế và xác lập lại vị thế của mình?

Điểm danh 6 máy bay chiến đấu không người lái có thể giúp Nga đuổi kịp Mỹ

Điểm danh 6 máy bay chiến đấu không người lái có thể giúp Nga đuổi kịp Mỹ

VOV.VN - Trong cuộc đua phát triển máy bay chiến đấu không người lái (UCAV), Nga đang đi sau Mỹ và một số quốc gia. Liệu 6 UCAV dưới đây có giúp Nga đảo ngược tình thế và xác lập lại vị thế của mình?

Hai tàu hộ vệ tên lửa của Việt Nam rời bến sang Nga dự Army Games
Hai tàu hộ vệ tên lửa của Việt Nam rời bến sang Nga dự Army Games

VOV.VN - Cặp tàu hộ vệ tên lửa của Hải quân Việt Nam sẽ thi đấu môn “CUP biển” với 3 nội dung: Kỹ năng hàng hải, đấu tranh chống chìm tại cơ sở huấn luyện, sử dụng phương tiện cứu nạn trên biển và bắn pháo các bài.

Hai tàu hộ vệ tên lửa của Việt Nam rời bến sang Nga dự Army Games

Hai tàu hộ vệ tên lửa của Việt Nam rời bến sang Nga dự Army Games

VOV.VN - Cặp tàu hộ vệ tên lửa của Hải quân Việt Nam sẽ thi đấu môn “CUP biển” với 3 nội dung: Kỹ năng hàng hải, đấu tranh chống chìm tại cơ sở huấn luyện, sử dụng phương tiện cứu nạn trên biển và bắn pháo các bài.

Xem 1.200 lính đổ bộ đường không Nga nhảy dù từ độ cao 600m
Xem 1.200 lính đổ bộ đường không Nga nhảy dù từ độ cao 600m

VOV.VN - 12 chiếc máy bay IL-76MD xuất phát từ sân bay Kresty của Nga chở 1.200 binh sỹ thuộc binh đoàn đổ bộ đường không Pskov. Cuộc đổ bộ được thực hiện ở độ cao 600m trong lúc máy bay duy trì ở tốc độ 360km/h.

Xem 1.200 lính đổ bộ đường không Nga nhảy dù từ độ cao 600m

Xem 1.200 lính đổ bộ đường không Nga nhảy dù từ độ cao 600m

VOV.VN - 12 chiếc máy bay IL-76MD xuất phát từ sân bay Kresty của Nga chở 1.200 binh sỹ thuộc binh đoàn đổ bộ đường không Pskov. Cuộc đổ bộ được thực hiện ở độ cao 600m trong lúc máy bay duy trì ở tốc độ 360km/h.