Sức mạnh hệ thống giúp tăng cường khả năng sống sót của “Đại bàng” F-15
VOV.VN - Hệ thống cảnh báo khả năng sống sót thụ động trang bị cho F-15 có thể xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương nhờ các biện pháp đối phó tác chiến điện tử, qua đó tăng cường khả năng sống sót trên chiến trường của máy bay chiến đấu.
F-15 được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến
Nhật Bản đã quyết định trang bị cho máy bay chiến đấu F-15J thế hệ thứ 4 các hệ thống tác chiến điện tử (EW) tiên tiến với giá 474,5 triệu USD để nâng cao khả năng chiến đấu.
Ngày 7/9, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đã ký thỏa thuận Bán hàng Quân sự Nước ngoài (FMS) với Nhật Bản. Theo đó, Boeing sẽ trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản các máy bay F-15 Eagle được trang bị hệ thống cảnh báo khả năng sống sót thụ động (EPAWSS).
JASDF đang vận hành khoảng 155 máy bay chiến đấu F-15J. Biến thể J của F-15 là mẫu F-15C/D do Mitsubishi sản xuất tại Nhật Bản theo giấy phép.
Không giống như các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như F-22 Raptors và F-35 Lightning II, sở hữu công nghệ tàng hình giúp giảm đáng kể tín hiệu radar, F-15J dễ bị tên lửa đối phương nhắm mục tiêu hơn.
Dù Nhật Bản có phi đội máy bay tàng hình F-35 và Mỹ đã triển khai F-22 Raptor ở các quốc gia thay thế những chiếc F-15 cũ, nhưng F-15J vẫn là máy bay chiến đấu quan trọng nhất trong khu vực.
Mặc dù F-35 có khả năng tàng hình và có mạng lưới không quân cần thiết cho chiến đấu nâng cao, nhưng F-15 lại có tốc độ nhanh, tầm bay xa và khả năng tải trọng lớn hơn F-35. Lực đẩy vượt trội và khả năng cơ động của F-15 Eagle sẽ là lợi thế đáng kể cho Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản trong trường hợp khẩn cấp.
Tập đoàn Boeing cho rằng hệ thống điện tử hàng không và hệ thống phòng thủ điện tử phức tạp như EPAWSS có thể nâng cao khả năng chiến đấu của máy bay thế hệ thứ 4. Trước đó, F-15E Strike Eagle của Không quân Mỹ đã nhận được những nâng cấp tương tự.
Với các tùy chọn chiến đấu điện tử tấn công và phòng thủ cho phi công, hệ thống cảnh báo khả năng sống sót thụ động sẽ trang bị cho máy bay chiến đấu F-15 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản công nghệ tác chiến điện tử để tối đa hóa hiệu quả của nhiệm vụ và khả năng sống sót.
Tăng cường khả năng sống sót của F-15J bằng bộ hệ thống tác chiến điện tử sẽ giúp tiêm kích này có thể sánh ngang với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
Nhật Bản có kế hoạch mua 147 chiếc F-35, bao gồm cả loại F-35A thông thường và các biến thể F-35B cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng. Do việc mua F-35 cần một khoảng thời gian nên việc củng cố khả năng phòng thủ và tấn công của F-15 trở nên quan trọng.
EPAWSS đảm bảo khả năng sống sót của F-15 ra sao?
Các chuyên gia của Tập đoàn Boeing sẽ sản xuất hệ thống tác chiến điện tử cho máy bay chiến đấu F-15 nâng cấp được Không quân Nhật Bản sử dụng để hỗ trợ bảo vệ máy bay trước tên lửa dẫn đường bằng radar.
Hệ thống cảnh báo khả năng sống sót thụ động (EPAWSS) cung cấp cảnh báo radar tích hợp, định vị địa lý, nhận thức tình huống và khả năng tự bảo vệ để tìm và tiêu diệt máy bay, tên lửa không đối không và tên lửa đất đối không của đối phương. F-15 có thể xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương nhờ các biện pháp đối phó tác chiến điện tử.
Dù nhỏ hơn nhưng EPAWSS dễ bảo trì hơn các hệ thống tác chiến điện tử được trang bị cho F-15 trước đó. EPAWSS đang thay thế hệ thống tác chiến điện tử ALQ-135 của F-15.
EPAWSS sử dụng công nghệ điện toán, máy thu và máy phát hiện đại để cung cấp cho phi công thông tin tốt hơn để họ có thể hành động phù hợp. Theo Boeing, công nghệ này đại diện cho “một cuộc cải tổ mang tính chuyển đổi đối với khả năng sống sót của F-15”.
Hệ thống này nhằm cung cấp cho phi công F-15 cơ chế tìm, nhận biết và gây nhiễu radar của đối phương đồng thời đánh lừa đối phương về vị trí và hướng bay cụ thể của F-15. Nhờ băng thông rộng và khả năng quét tốc độ cao, EPAWSS có thể phát hiện nhiều mối đe dọa, bao gồm các cuộc tấn công linh hoạt hiện đại và các mối đe dọa có khả năng ngăn chặn thấp.
Prat Kumar, Phó Chủ tịch Boeing phụ trách các chương trình F-15 cho biết, EPAWSS “tận dụng tối đa hiệu quả nhiệm vụ và khả năng sống sót của F-15 trong khu vực có nhiều tranh chấp”. Hệ thống này “tăng cường hơn nữa sức mạnh của một chiếc máy bay có khả năng sát thương”.