Sức mạnh pháo phản lực “Cuồng phong” cả Nga và Ukraine sử dụng trên chiến trường
VOV.VN - Dù là loại vũ khí có từ thời Liên Xô, nhưng pháo phản lực BM-27 Uragan (Cuồng phong) vẫn được cả Nga và Ukraine sử dụng rộng rãi trong các giai đoạn khác nhau của cuộc chiến, bổ sung vào lịch sử lâu dài của vũ khí này.
Pháo phản lực phóng loạt BM-27 Uragan do công ty NPO Splav của Nga sản xuất, còn được biết đến với tên gọi khác là 9P140. Ngoài BM-27, NPO Splav cũng chế tạo nhiều hệ thống tên lửa loạt (MLRS) khác cho quân đội Nga.
Quá trình phát triển của Uragan
Uragan được chế tạo ở thời kỳ cao trào của Chiến tranh Lạnh nhằm thay thế cho pháo phản lực M-21 Grad MLRS thế hệ cũ. Cả Uragan và Grad đều có nguồn gốc từ pháo phản lực BM-13 Katyusha của Liên Xô có từ Thế chiến thứ 2, được quân đội Đức gọi là “chiếc đàn Organ của Stalin”.
Cận cảnh Nga sử dụng pháo phản lực BM-27 Uragan tấn công cứ điểm của Ukraine. Nguồn: Youtube
Liên Xô bắt đầu phát triển Uragan vào năm 1969 và công bố nguyên mẫu đầu tiên vào năm 1972. Năm 1975, BM-27 được đưa vào biên chế của quân đội. Sau khi Liên Xô tan rã, nhiều nước từng thuộc Liên Xô cũ, trong đó có Ukraine vẫn sử dụng hệ thống này. BM-27 Uragan được hợp thành từ 16 ống tên lửa 220mm, gắn trên khung gầm xe tải ZiL-135 8x8. Vũ khí này được trang bị 2 động cơ ZiL-375, mỗi động cơ có công suất 180 mã lực, đặt phía sau cabin.
BM-27 có hệ thống bơm lốp trung tâm, giúp tăng cường khả năng di chuyển trên những địa hình khó khăn như bùn đất, cát và tuyết. Nó có thể hoạt động trong điều kiện khí hậu từ -40 độ C đến 50 độ C. Xe phóng Uragan được hỗ trợ bởi xe nạp đạn 9T452. Xe nạp đạn cũng gắn trên khung gầm ZiL-135LMP 8x8 và có kíp lái gồm hai người.
Hệ thống có tầm bắn từ 35 đến 40km, thời gian phóng loạt hết 20 giây, tái nạp mất 15 đến 20 phút. Một trong những yếu tố làm nên uy lực cho loại vũ khí này là khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau từ đạn huấn luyện, đạn nổ phá mảnh, đạn hóa học, đạn nhiệt áp, đạn chùm với chức năng chống tăng và chống bộ binh. Một xe BM-27 có thể phóng loạt 16 quả đạn, bao trùm khu vực mục tiêu có diện tích 17,4 hecta.
Hệ thống này có thể được vận chuyển bằng máy bay vận tải quân sự Il-76, An-22 hoặc An-124. Kíp chiến đấu có 4 người gồm trưởng xe, xạ thủ, lái xe và binh sĩ phụ trách công việc đo tọa độ mục tiêu đối phương. Với sức mạnh đáng gờm, pháo phản lực BM-27 Uragan được đánh giá là hệ thống pháo phản lực mạnh thứ 2 của Nga, chỉ đứng sau một hệ thống tên lửa khác là BM-30 Smerch.
Sử dụng rộng rãi trong chiến đấu
BM-27 Uragan hiện đang phục vụ tại ít nhất 10 quốc gia. Nó từng được triển khai trong cuộc chiến của Liên Xô tại Afghanistan, cuộc chiến tại Chechnya và cuộc chiến Nga-Gruzia. Nó cũng được Quân đội Syria sử dụng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chống Israel vào đầu những năm 1980.
Do tuổi đời của BM-27 Uragan khá cao, cả Nga và Ukraine đều đang nỗ lực hiện đại hóa loại vũ khí này. Phiên bản hiện đại hóa của Nga có tên BM-27M, bao gồm những cải tiến về tầm bắn (theo các nguồn tin của Nga, tầm bắn của hệ thống có thể đạt tới 120km), được tích hợp công nghệ dẫn đường tiên tiến và động cơ trong khung gầm xe tải mạnh hơn.
Belarus – một đồng minh của Nga, hiện đang sở hữu phiên bản Uragan-M gắn trên khung gầm xe tải quân sự MAZ-6317 với cấu hình 6x6. Ukraine cũng đã nỗ lực hiện đại hóa kho BM-27 Uragan của nước này, trong đó có việc cải thiện tầm bắn và số hóa các hệ thống điều khiển hỏa lực.
Phe ly khai do Nga hậu thuẫn đã sử dụng BM-27 Uragan để đối phó với các lực lượng chính phủ Ukraine từ năm 2014. Nga cũng sử dụng rộng rãi loại vũ khí này trên chiến trường kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo báo cáo của trang web theo dõi tình báo nguồn mở Oryx, Nga đã mất 18 chiếc BM-27 Uragan trong giao tranh còn thiệt hại từ phía Ukraine chưa được công bố rõ ràng.
Giới phân tích cho rằng, bất chấp thiệt hại này, BM-27 Uragan sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực đối với cả 2 bên tham chiến trong suốt thời gian con lại của cuộc xung đột.
Dù có lịch sử hoạt động lâu dài nhưng BM-27 dự kiến sẽ tiếp tục phục vụ cho quân đội Nga thời gian tới khi Moscow tìm cách nâng cấp và hiện đại hóa hơn nữa loại vũ khí này. Trái lại, Ukraine nhiều khả năng sẽ phải loại bỏ dần việc sử dụng BM-27 khi xung đột leo thang khiến kho dự trữ vũ khí từ thời Liên Xô cạn kiệt. Kiev hiện đang phụ thuộc chủ yếu vào các loại đạn dược và pháo binh do phương Tây cung cấp để đối phó với các cuộc tấn công của Nga./.