Tàu ngầm hạt nhân uy lực của Hải quân Mỹ bất ngờ xuất hiện ở Guam
VOV.VN - Một trong những vũ khí uy lực nhất của Hải quân Mỹ bất ngờ xuất hiện ở Guam cuối tuần qua, gửi đi thông điệp tới các đồng minh cũng như đối thủ của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
USS Nevada, tàu ngầm năng lượng hạt nhân lớp Ohio mang 20 tên lửa đạn đạo Trident và hàng chục đầu đạn hạt nhân, ngày 15/1 đã tới căn cứ hải quân ở đảo Guam – vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu ngầm tên lửa đạn đạo tới đảo Guam kể từ năm 2016 và là chuyến thăm thứ 2 kể từ những năm 1980.
“Chuyến cập cảng sẽ đẩy mạnh hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh trong khu vực, thể hiện năng lực, sự linh động và khả năng sẵn sàng, cũng như tiếp tục cam kết của Mỹ đối với an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, tuyên bố của Hải quân Mỹ cho biết.
Hoạt động của 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo trong hạm đội của Hải quân Mỹ thường được bảo mật chặt chẽ. Các tàu chạy năng lượng hạt nhân có thể lặn tới nhiều tháng trong mỗi lần triển khai, và chỉ bị hạn chế vì nguồn cung cấp cần thiết cho thủy thủ đoàn hơn 150 người.
Hải quân Mỹ cho biết, các tàu ngầm lớp Ohio có thể hoạt động trung bình 77 ngày trên biển, sau đó cần khoảng 1 tháng bảo trì tại cảng và tái trang bị.
Rất hiếm khi có thể chụp được bức ảnh 1 tàu ngầm tên lửa đạn đạo ở cảng Bangor tại Washington và Kings Bay tại Georgia. Tàu ngầm tên lửa đạn đạo được đánh giá là “nhánh có khả năng tồn tại quan trọng nhất trong bộ ba hạt nhân” của Mỹ cùng với tên lửa đạn đạo phóng từ silo trên đất liền và máy bay ném bom B-2 và B-52.
Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, cũng như Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa trong thời gian gần đây, sự xuất hiện của tàu ngầm Mỹ ở Guam gửi đi 1 thông điệp.
“Dù cố ý hay không, điều này cũng gửi đi thông điệp: chúng tôi có thể đặt 100 đầu đạn hạt nhân ngay trước cửa nhà bạn và bạn thậm chí không biết hoặc không thể làm được gì. Điều ngược lại sẽ không xảy ra”, ông Thomas Shugart, cựu Đại úy tàu ngầm Hải quân Mỹ và hiện là nhà phân tích tại Trung tâm an ninh Mỹ mới, cho biết.
Chương trình tàu ngầm đạn đạo của Triều Tiên mới chỉ ở giai đoạn đầu, trong khi đội tàu ngầm cùng loại của Trung Quốc chỉ có 6 chiếc, ít hơn nhiều so với Mỹ.
Theo đánh giá năm 2021 của các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc không có năng lực như tàu ngầm Mỹ. Tàu Type 094 của Trung Quốc có độ ồn gấp 2 lần tàu ngầm Mỹ, do đó dễ bị phát hiện hơn, mang được ít tên lửa và đầu đạn hơn so với tàu Mỹ.
Lần gần đây nhất tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Mỹ tới Guam là năm 2016, khi đó là tàu USS Pennsylvania./.