Tham vọng trở thành gã khổng lồ về tàu ngầm của Hàn Quốc
VOV.VN - Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể mở rộng đáng kể sức mạnh của Hải quân Hàn Quốc, nhưng chưa rõ liệu nước này có thực sự quan tâm đến việc theo đuổi một dự án tốn kém cả về kinh phí và nhạy cảm về chính trị như vậy hay không.
Chương trình tàu ngầm của Hàn Quốc
Trước những năm 1990, đội tàu ngầm của Hải quân Hàn Quốc bao gồm các tàu ngầm hạng trung lớp Dolgorae và lớp SX 756 Dolphin, có năng lực hạn chế trong các hoạt động ven bờ. Cuối những năm 1980, Hàn Quốc khởi động Chương trình Tàu ngầm tấn công (ký hiệu KSS) gồm ba giai đoạn, nhằm xây dựng lực lượng tàu ngầm tấn công của Hải quân nước này với biên chế 27 chiếc, có nhiệm vụ ngăn chặn các tàu ngầm và tàu mặt nước của đối phương, bảo vệ các căn cứ hải quân hữu nghị và thông tin liên lạc trên bờ biển, thực hiện các nhiệm vụ trinh sát…
Trong giai đoạn đầu tiên - KSS-I, năm 1989, Hải quân Hàn Quốc đã mua từ Đức 9 tàu ngầm lớp Jang Bo-go 1.200 tấn (phiên bản biến tấu từ Type 209 của Đức). Giai đoạn hai - KSS-II, bắt đầu năm 2002, họ đóng 9 tàu ngầm Sohn Won-yil 1.800 tấn (Type 214) trang bị động cơ đẩy không sử dụng không khí (AIP) với trợ giúp kỹ thuật của Đức và Thụy Điển, tại các tập đoàn Daewoo Shipbuilding, Marine Engineering (DSME) và Hyundai Heavy Industries (HHI). Tàu đầu tiên của lớp Sohn Won-il (SS-072) được hạ thủy tại nhà máy đóng tàu của Hyundai Heavy Industries ngày 9/6/2006.
Các tàu ngầm KSS-II (Type 214) có chiều dài 65m, rộng 6,3m, mớn nước 6m, có khả năng lặn sâu 400m, thủy thủ đoàn 40 thành viên; vũ khí bao gồm 6 ống phóng tên lửa thẳng đứng, mìn và ngư lôi White Shark 533mm. Đối với KSS-I và KSS-II, cả hai mảng Quản lý chiến đấu (Combat Management - CM) và Điều hướng và đo khoảng cách theo nguyên lý âm (Sound Navigation and Ranging - SONAR) là cốt lõi hệ điều hành của tàu ngầm, đều được mua từ nước ngoài; việc lắp đặt, tích hợp và thử nghiệm chúng được thực hiện bởi các chuyên gia nước ngoài.
Giai đoạn ba KSS-III của chương trình bắt đầu từ năm 2007, tổng cộng có 9 tàu ngầm 3.000 tấn dự kiến sẽ được đóng tại Hàn Quốc với các công nghệ bản địa mà không theo giấy phép như các tàu ngầm KSS-I và KSS-II trước đây. Tháng 5/2009, Hàn Quốc quyết định trì hoãn 2 năm dự án KSS-III (còn được gọi là chương trình Jangbogo III), dự kiến tiêu tốn khoảng 900 triệu USD cho mỗi tàu ngầm; tàu KSS-III đầu tiên với lượng choán nước 3.000-3.500 tấn sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2025 (kế hoạch trước đó là năm 2017).
Lớp tàu mới này sẽ có Hệ thống phóng thẳng đứng, có thể mang 10 tên lửa hành trình Chonryong phóng từ tàu ngầm do Hàn Quốc chế tạo. Hệ thống tác chiến của KSS-III hoàn chỉnh liên kết với hệ thống sonar tích hợp, hệ thống cảm biến bề mặt, hệ thống định vị, hệ thống liên lạc và hệ thống vũ khí gắn trên tàu ngầm đang được phát triển. Việc phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (Submarine-Launched Ballistic Missile - SLBM) - một phiên bản của tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2 của Cơ quan Phát triển Quốc phòng (Agency for Defense Development), dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2020.
Tàu ngầm diesel-điện hạng nặng KSS-III đầu tiên mang tên Dosan An Chang-Ho (SS-083) được hạ thủy ngày 17/9/2018, tại nhà máy đóng tàu của Daewoo, sẽ qua 2 năm thử nghiệm trên biển và sẽ được bàn giao cho Hải quân Hàn Quốc vào năm 2020 hoặc đầu năm 2021. KSS-III có chiều dài 83,5m, rộng 9,6m, mớn nước 7.62m, thủy thủ đoàn 50 thành viên, tốc độ tối đa 12 hải lý/giờ khi nổi và 20 hải lý/giờ khi lặn, tầm hoạt động 10.000-17.000 hải lý, lượng choán nước khi nổi 3.358 tấn, khi lặn là 3.705 tấn.
Chiếc tàu ngầm diesel-điện KSS-III thứ hai được đặt tên là An Mu (SS-085) theo tên một chiến binh của Hàn Quốc đã chiến đấu chống lại người Nhật Bản giành độc lập, được hạ thủy tại nhà máy đóng tàu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering trên đảo Kojedo ngày 10/11/2020; chiếc thứ ba, có tên Yi Dong-nyeong (SS-086) đang được chế tạo tại Hyundai Heavy Industries (HHI); một tàu ngầm tương tự khác đang trong quá trình xây dựng. Các tàu này sẽ thay thế các tàu ngầm diesel-điện của Đức thuộc dự án 209/1200 được đóng từ những năm 1980-90, hiện đang có trong trang bị.
Tham vọng hạt nhân
Đáng chú ý, theo trang navyrecognition, Hải quân Hàn Quốc đang muốn đóng 2 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trong một báo cáo trình lên Quốc hội, Hải quân Hàn Quốc cho biết, đã thành lập một lực lượng chuyên trách do một sĩ quan cao cấp đứng đầu để khảo sát việc sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong dài hạn - một động thái có thể thay đổi cán cân sức mạnh ở Đông Bắc Á. Đây là lần đầu tiên Seoul công khai nói về tàu ngầm hạt nhân, vốn không được đề cập trong Sách trắng Quốc phòng vào tháng 1/2019.
Trước đó, năm 2003, Hàn Quốc đã gác lại ý tưởng này sau khi nó bị rò rỉ với báo chí, sau đó, theo Defense News, vào tháng 10/2017, Hải quân Hàn Quốc đã thuê tổ chức tư vấn Mạng lưới Phòng thủ Hàn Quốc (KDN) có trụ sở tại Seoul thực hiện một cuộc khảo sát kéo dài 5 tháng về các thiết kế khả thi. Báo cáo cuối cùng khuyến nghị phát triển một tàu ngầm tấn công hạt nhân giống như lớp Barracuda của Pháp, với lượng choán nước 5.300 tấn.
Có khả năng chứa thêm vũ khí, bao gồm khả năng phóng tên lửa hành trình chống hạm và tấn công đất liền từ các ống phóng ngư lôi hoặc hệ thống phóng thẳng đứng nhỏ, nó cũng có thể cho phép tích hợp một bộ cảm biến mạnh hơn để bí mật thu thập thông tin tình báo về các mục tiêu ven biển và có thể là những mục tiêu xa hơn trong đất liền, không chỉ liên quan đến Triều Tiên mà còn các đối thủ tiềm năng khác trong khu vực, như Trung Quốc. Có rất nhiều suy đoán cho rằng Hàn Quốc có thể phát triển tàu ngầm KSS-III nặng 3.000 tấn của mình (cho năm 2030) chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ là một lợi thế để chống lại Triều Tiên trong việc phát triển khả năng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, thực hiện các cuộc tuần tra mở rộng để giám sát hoạt động và tàu thuyền đối phương trong một cuộc khủng hoảng tiềm tàng. Ngoài Triều Tiên, Hàn Quốc còn phải đối đầu với hai cường quốc hạt nhân là Trung Quốc với vũ khí, trang bị ngày càng tiên tiến và một nước Nga ngày càng quyết đoán; cả hai đều đang đẩy mạnh các hoạt động ở Đông Á và xa hơn. Với những điều này, không có gì ngạc nhiên khi Hàn Quốc - quốc gia với ba mặt giáp biển, rất dễ bị uy hiếp bởi các mối đe dọa - nghiêm túc cân nhắc một lớp tàu ngầm hạt nhân bản địa mới.
Liệu Hàn Quốc có vượt qua những rào cản?
Seoul đang ở trong một liên minh an ninh và nằm dưới ô hạt nhân của Mỹ, Tổng thống Trump đã nhiều lần yêu cầu họ phải trả nhiều cho chi phí đóng quân của Mỹ ở Hàn Quốc hơn, trong khi cách tiếp cận nhẹ nhàng hiện tại và đối sách khó đoán định của ông đối với Triều Tiên đã khiến người dân Hàn Quốc sửng sốt. Hải quân Hàn Quốc coi việc sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử cần được xác định như một chính sách quốc gia với sự tham vấn của Bộ Quốc phòng và Bộ Tham mưu Liên quân, không đề cập đến Mỹ.
Tuy nhiên, rào cản phức tạp nhất của việc này rất có thể mang tính chính trị. Hàn Quốc là một bên của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), và có thỏa thuận song phương với Mỹ không làm giàu nguyên liệu hạt nhân phân hạch trên ngưỡng nhất định. Nhiều lò phản ứng trên tàu ngầm yêu cầu nhiên liệu hạt nhân được làm giàu cao, thường gần cấp độ cần thiết để chế tạo vũ khí. Việc đóng một tàu ngầm hạt nhân với động cơ như vậy sẽ vi phạm thỏa thuận song phương; nhu cầu xây dựng các cơ sở làm giàu hoặc các cơ sở hạt nhân khác để có được vật liệu phân hạch theo yêu cầu, có thể dẫn đến sự chỉ trích quốc tế “không tuân thủ tinh thần của NPT”.
Những vấn đề này là cốt lõi của lý do tại sao Hàn Quốc tiến hành các cuộc khảo sát một cách bí mật và tại sao họ lại từ bỏ ý định khi chúng được công khai, thu hút sự chú ý của cả Mỹ và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Đây cũng là một trong những lý do tại sao KDN đề xuất mô hình lớp Barracuda sử dụng một lò phản ứng dùng uranium được làm giàu ở mức độ thấp - điều có thể giúp giảm bớt những chỉ trích về vấn đề làm giàu. Triều Tiên nhiều khả năng sẽ cáo buộc Hàn Quốc đang tìm cách “hạt nhân hóa” quân đội, lấy cớ biện minh cho chương trình vũ khí hạt nhân của mình, cáo buộc Mỹ và những “con rối” của họ ở Seoul là những kẻ xâm lược hạt nhân thực sự.
Phản ứng với tham vọng hạt nhân của Hàn Quốc, Jon Wolfshal - người từng giữ chức Giám đốc cấp cao về kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - khẳng định với báo giới: "Sẽ không có lợi cho cả Mỹ và Hàn Quốc khi theo đuổi vũ khí hạt nhân". Mỹ vẫn có thể cho rằng việc theo đuổi bất kỳ hình thức tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nào là quá mạo hiểm đối với Hàn Quốc và gây áp lực buộc họ phải từ bỏ nỗ lực này một lần nữa.
Nhưng theo giới quan sát, chính quyền Trump đã bày tỏ sẵn sàng đàm phán lại các thỏa thuận song phương khác hạn chế phát triển vũ khí của Hàn Quốc, đặc biệt là những thỏa thuận hạn chế tầm bắn và khả năng tối đa của tên lửa đạn đạo của nước này. Mỹ dưới thời Trump thậm chí có thể sẵn sàng xem xét nới lỏng các yêu cầu làm giàu hạt nhân khi đối mặt với các mối đe dọa từ Triều Tiên hoặc như một con bài thương lượng tiềm năng để đổi lấy việc Bình Nhưỡng từ bỏ các sáng kiến hạt nhân của riêng mình.
Có tin đồn, kho tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đang phát triển nhanh chóng của Triều Tiên có thể khiến chính quyền Hàn Quốc xem xét lại lập trường của họ đối với vũ khí hạt nhân, mặc dù điều đó sẽ buộc họ phải rút khỏi NPT như Triều Tiên. Có ý kiến cho rằng, Hàn Quốc có khả năng hạt nhân hóa nhanh chóng nếu nước này quyết định đi theo con đường đó. Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể mở rộng đáng kể sức mạnh của Hải quân Hàn Quốc, nhưng vẫn chưa rõ liệu nước này có thực sự quan tâm đến việc theo đuổi một dự án tốn kém cả về kinh phí và nhạy cảm về chính trị như vậy hay không./.