Thời tiết - Mặt trận chạy đua vũ trang vô tiền khoáng hậu
VOV.VN - Vũ khí địa vật lý sẽ thực sự mang tính cách mạng, có khả năng thay đổi cán cân quyền lực trên hành tinh.
Thời tiết từng ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử
Một cơn bão không tên trong lĩnh vực khí tượng được gọi đơn giản là Bão Newfoundland (hay bão Độc lập) năm 1775, có thể là bước ngoặt đầu tiên trong một sự kiện làm thay đổi đáng kể tiến trình lịch sử thế giới - Chiến tranh vì độc lập của Hoa Kỳ. Gió bão tạo sóng cao 10 mét và 4.000 người đã trở thành nạn nhân của nó. Cơn bão hiện đứng thứ tám trong danh sách các cơn bão Đại Tây Dương gây chết người nhất trong lịch sử và là thảm họa thiên nhiên chết người nhất của Canada.
Năm 1841 tại Hoa Kỳ, William Henry Harrison thắng cử tổng thống với 53% phiếu bầu. Ít lâu sau, Harrison đã mãi mãi ghi tên mình vào lịch sử Hoa Kỳ với hai sự kiện - có nhiệm kỳ Tổng thống ngắn nhất, và là Tổng thống đầu tiên chết tại văn phòng của mình. Lễ nhậm chức của Harrison diễn ra vào tháng Ba, với bài phát biểu gồm 8.400 từ và kéo dài 2 giờ. Vì muốn thể hiện mình, Garrison đã phát biểu mà không cần đội mũ hay mặc áo khoác.
Harrison đổ bệnh vì viêm phổi do mưa, lạnh, và qua đời vào ngày 4/4. Một sự thật thú vị - cháu trai của Harrison là Benjamin cũng đã trở thành tổng thống và trời mưa rất to khi ông này đọc bài diễn văn nhậm chức. Không muốn lặp lại sai lầm của ông mình, Tổng thống thứ 23 của Mỹ Benjamin đã phát biểu dưới một chiếc ô.
Thời tiết từng ảnh hưởng đến tiến lịch sử nhân loại; Nguồn: topwar.ru |
Đến thế kỷ 15, Trung Quốc là nền văn minh lâu đời nhất, và những năm đầu của Đế chế nhà Minh đã hứa hẹn một kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng mới. Hoàng đế Zhu Di đã thể hiện quyền lực của mình bằng cách xây dựng một quần thể cung điện khổng lồ ở trung tâm Bắc Kinh - Tử Cấm Thành - gồm hàng nghìn tòa nhà, tọa lạc trên hơn diện tích 180ha. Nhưng năm 1421, sét bùng phát, ngọn lửa thiêu rụi ba cung điện và cướp đi sinh mạng một số người.
Vào thời điểm xảy ra sự cố đáng tiếc, Trung Quốc đang là một cường quốc thế giới. Bảy đội tàu hùng mạnh của Trung Quốc đã tung hoành trên Ấn Độ Dương và gây ảnh hưởng của Thiên triều ở Ấn Độ, Đông Ấn, Trung Đông và châu Phi. Do nhiều lý do, sau vụ hỏa hoạn ở Tử Cấm Thành, việc duy trì các con tàu và thiết lập quan hệ với thế giới bên ngoài được coi là không cần thiết. Đến năm 1433, Trung Quốc không còn một hạm đội nào nữa và tụt hậu so với các quốc gia phương Tây trong nhiều thế kỷ.
Tháng 11/1970, một lốc xoáy mạnh hình thành ở Ấn Độ Dương rồi tiến về Đông Pakistan và Ấn Độ. Đông Pakistan là tên cũ của Bangladesh. Sau khi Ấn Độ ly khai vào những năm 1940, khu vực này trở thành một phần của Pakistan, và được cai trị bởi Islamabad. Bão Bhola tấn công Đông Pakistan và Tây Bengal khiến 500.000 người thiệt mạng. Islamabad đã không thể có các hoạt động cứu hộ hiệu quả, thỏa đáng - lý do tại sao Bangladesh hiện đại tuyên bố chiến tranh giành độc lập và dù đã giành chiến thắng nhưng vẫn phải hứng chịu những cơn lốc tàn phá.
Thời tiết là vũ khí
Điều gì đang xảy ra với thời tiết trên khắp thế giới? Ở Châu Phi, vào mùa hè nóng nực đột ngột có mưa đá; ở miền Trung nước Nga, tháng 12 giống như mùa xuân; những ngọn núi lửa không hoạt động bất ngờ thức giấc và các thành phố ven biển bị lũ lụt nghiêm trọng... Theo các nhà khoa học, thế giới đang đứng trước bờ vực của một cuộc chiến khí hậu. Ngày 10/12/1976, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thông qua công ước về cấm sử dụng các phương tiện gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên cho mục đích quân sự hoặc bất kỳ hành vi thù địch nào khác. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học từ nhiều quốc gia, các công việc theo hướng này vẫn chưa dừng lại.
Trạm nghiên cứu HAARP (Mỹ); Nguồn: wikimapia.org |
Báo chí nước ngoài đưa tin, từ năm 1962-1983, Mỹ đã thử nghiệm quản lý bão. Dự án có mật danh Raging Storm với trọng tâm là nghiên cứu ảnh hưởng của màng dầu thực vật tràn ra đại dương. Nhà khoa học người Anh Damien Wilson đã có một số bài báo về chủ đề này - bão được cho là sinh ra từ sức nóng tích tụ trên một mặt nước rộng lớn, có thể được gây ra bởi dầu hoặc chất lỏng nhờn khác. Đồng thời, kể từ những năm 1960, một số quốc gia đã xây dựng các cơ sở với các thiết bị để có thể sử dụng năng lượng tầng điện ly, nổi tiếng nhất trong số chúng là chương trình HAARP (High Frequency Active Auroral Research Program) của Mỹ.
Về danh nghĩa, các ăng-ten HAARP đặt tại Alaska trên diện tích 13ha này được thiết kế cho các thí nghiệm khoa học ở tầng điện ly và khí quyển của Trái Đất. Năng lượng bức xạ vô tuyến tập trung trong một không gian nhỏ có thể lớn hơn năng lượng của Mặt Trời hàng nghìn, thậm chí hàng triệu lần. Trong khu vực hoạt động của một chùm tia như vậy, sét hình cầu khổng lồ được hình thành có thể ảnh hưởng đến khí hậu của bất kỳ khu vực được chọn nào trên hành tinh. Kể từ năm 2002, khi dự án HAARP bắt đầu hoạt động, số lượng các hiện tượng thời tiết bất thường trên Trái Đất đã tăng mạnh. Năm 2013, báo chí Mỹ đưa tin, dự án sẽ bị đóng cửa, nhưng chương trình khoa học này rất bí mật, chưa có xác nhận chính thức hay bác bỏ thông tin này.
Trong những năm 1960-1970, các trạm nghiên cứu tầng điện ly cũng đã được xây dựng ở Liên Xô, tại Sura (không xa Nizhny Novgorod). Chúng thua kém đáng kể so với những trạm hiện đại của Mỹ về sức mạnh, nhưng nguyên lý hoạt động thì tương tự. Hiện nay, theo các chuyên gia, những trạm này đã được niêm cất, nhưng không bị phá hủy, và còn hoạt động tốt. Cần nói thêm rằng, trong những thập kỷ gần đây, chính phủ của một số quốc gia giàu có rất quan tâm và đã thành lập nhiều phòng thí nghiệm, viện, trung tâm để nghiên cứu từ ruột của Trái Đất đến không gian, và trong mỗi phòng thí nghiệm như vậy có một bộ phận thực hiện các chuyên đề bí mật.
Thuyết âm mưu
Năm 2007, tờ Le Figaro của Pháp đã đăng một bài báo về biến đổi khí hậu ở châu Phi. Đặc biệt, Somalia lúc đó bất ngờ bị quét bởi một loạt lũ và cuồng phong, vì vậy, khoảng 200.000 cư dân của nước này đã di cư sang nước láng giềng Kenya, nhưng những bất thường về thời tiết cũng xảy ra ở đó, gây mất mùa. Đại diện LHQ về người tị nạn Walter Kälin trong một báo cáo năm 2013 trước Đại hội đồng LHQ đã nói về trách nhiệm của các nước công nghiệp phát triển - với lượng phát thải lớn khí nhà kính, đã góp phần làm thay đổi khí hậu.
Ăng-ten trạm nghiên cứu tầng điện ly Sura (Nga); Nguồn: larik.3dn.ru |
Tuy nhiên, một số nhà khoa học liên hệ sự bất thường về thời tiết ở châu Phi không chỉ với khí thải carbon dioxide mà còn với các dự án có thể tạo ra vũ khí khí hậu đang được thử nghiệm trên lục địa này. Đặc biệt, Giáo sư Owen Green từ Đại học Bradford (Anh) nhận định, những nghiên cứu như vậy không bao giờ dừng lại, họ chỉ không nói gì về chúng mà thôi. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Cohen tiếp cận vấn đề này từ một góc độ khác, tuyên bố rằng việc giữ bí mật các dự án như vậy là cần thiết để ngăn chặn vũ khí khí hậu rơi vào tay những kẻ khủng bố từ lâu đã quan tâm đến động đất nhân tạo, lũ lụt và bão, đặc biệt là những thảm họa có thể gây ra từ khoảng cách xa.
Năm 2005, cơn bão Katrina có sức tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử nước Mỹ, đã đổ bộ vào thành phố New Orleans, cướp đi sinh mạng 1.836 người, tổng thiệt hại kinh tế lên tới 125 tỷ USD. Trước đó cùng năm, miền đông nam Trung Quốc đã trải qua một trong những trận lũ lụt lớn nhất thế giới, khiến 732 dân thường thiệt mạng. Một số nhà nghiên cứu coi những sự kiện này có liên quan đến nhau. Quan hệ giữa hai nước bị ảnh hưởng khi đó vô cùng căng thẳng. Ngay trước trận lụt, một trong những quan chức cao cấp của Quân đội Trung Quốc - Thiếu tướng Zhu Chenghu - cho biết tại một cuộc họp báo chính thức rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với người Mỹ, Trung Quốc sẽ không ngần ngại sử dụng vũ khí hạt nhân.
Người ta cho rằng, vì những tuyên bố như vậy, Mỹ đã quyết định mở ra một cuộc chiến khí hậu cục bộ, gây ra những trận mưa như trút nước trên lãnh thổ của đối phương. Vì vậy, bão Katrina có thể là sự trả thù của Trung Quốc. Giới quân sự Mỹ đã đưa ra một giả thuyết là người Nga đã giúp các nhà khoa học Trung Quốc, nhưng không có bằng chứng nào về vấn đề này được cung cấp.
Năm 2010, hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng diễn ra ở miền Trung nước Nga. Một số nhà nghiên cứu cho rằng chúng được gây ra bởi việc sử dụng một khẩu pháo laser được gắn trên một vệ tinh của Mỹ. Tờ Times của Anh sau đó đưa tin rằng, ngày 22/4/2010, người Mỹ đã phóng một tàu vũ trụ không người lái X-37-B, trên tàu có một khẩu pháo laser tương tự có khả năng bắn trúng các mục tiêu trên mặt đất và thậm chí cả dưới nước.
Một lập luận khác ủng hộ khả năng sử dụng vũ khí khí hậu là thực tế rằng hầu hết các vụ cháy đều xảy ra xung quanh các mục tiêu chiến lược quan trọng - kho dự trữ chiến lược hoặc tập đoàn bí mật - nơi các loại vũ khí mới được tạo ra. Năm 2011, nhà sử học quân sự nổi tiếng người Mỹ Dwayne Day đã đăng một bài báo trên ấn bản trực tuyến của The Space Review, theo đó, những khẩu súng laser tương tự, bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ XX, được phát triển bởi các kỹ sư Liên Xô - đầu tiên là để trang bị cho máy bay và sau đó là tàu vũ trụ. Sau khi Liên Xô sụp đổ, chương trình đã bị cắt giảm, nhưng chắc chắn một số phát triển lý thuyết và thực tiễn vẫn còn.
Tháng 2/2015, tờ báo tiếng Anh có uy tín The Daily Mail đã đăng lời thú nhận của giáo sư Đại học Rutgers (Mỹ) Alan Robock rằng, ông đã tư vấn cho các sĩ quan CIA về khả năng Nga hoặc Trung Quốc sử dụng vũ khí khí hậu. Tất cả những sự kiện này cho thấy, một cuộc chiến tranh thời tiết không chỉ có thể - mà đã được tiến hành. Nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng về các hiện tượng dị thường đồng ý với nhận định này, đặc biệt, Viện sĩ Nikolai Levashov, người đã đăng một bài báo trên tờ "President" (Nga) về một cuộc chiến khí hậu chống lại nước Nga.
Vũ khí địa vật lý
Hầu hết các nhà nghiên cứu đề nghị không gọi những vũ khí trên là vũ khí khí hậu, mà là vũ khí địa vật lý. Trước hết, bởi vì thuật ngữ này ngày càng được sắp xếp hợp lý hơn và không chỉ bao gồm lĩnh vực quân sự mà nói chung ảnh hưởng đến thời tiết - ví dụ, phân tán các đám mây bằng cách phun bạc iodua. Được biết, những hoạt động như vậy đã được hàng không Nga thực hiện trong thời gian diễn ra Thế vận hội Moscow và đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng, năm 1995.
Vũ khí địa vật lý có khả năng thay đổi cán cân quyền lực trên hành tinh; Nguồn: fireman.club |
Tổng thống Nga Putin đã nói về vũ khí địa vật lý trong một bài báo đăng trên Rossiyskaya Gazeta trước cuộc bầu cử vào tháng 2/2012. Theo Tổng thống Nga, sự phát triển của "các loại vũ khí mới về cơ bản - như tia, sóng và địa vật lý", có tầm quan trọng quyết định trong cuộc đấu tranh vũ trang trong tương lai, vì kết quả của chúng có thể so sánh với ảnh hưởng của một vụ nổ hạt nhân, nhưng được chấp nhận về khía cạnh chính trị hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu gần đây cũng tuyên bố, Nga sẽ phát triển vũ khí dựa trên các nguyên tắc vật lý mới và ngân sách chế tạo chúng được phân bổ trong ngân sách quốc phòng đến năm 2020 đã được thông qua.
Về bản chất, vũ khí địa vật lý là sự kết hợp của nhiều phương tiện tác động có chủ đích đến môi trường hoặc các quá trình vật lý xảy ra trong các lớp vỏ rắn, lỏng hoặc khí của Trái Đất để sử dụng các lực tự nhiên vào mục đích quân sự. Với sự trợ giúp của vũ khí địa vật lý, có thể thay đổi thời tiết hoặc khí hậu, tạo ra hạn hán nhân tạo quy mô lớn, lũ lụt, động đất, bão, cuồng phong, "cửa sổ" tầng ô-zôn, sương mù mạnh, mưa lớn và những đám mây chắn song vô tuyến ở khu vực máy bay bay và hạ cánh, mưa đá, tuyết rơi mạnh ở một số khu vực nhất định, sóng kiểu sóng thần ở vùng biển ven biển, v.v.
Các phương tiện tác động đến thiên nhiên có thể là vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường (sử dụng ở quy mô lớn), hóa chất đặc biệt, máy phát bức xạ điện từ mạnh, máy phát nhiệt, v.v... Yếu tố sát thương của vũ khí địa vật lý là các hiện tượng khí hậu hoặc tự nhiên khác nhau được tạo ra bởi các phương tiện nhân tạo, sẽ thực sự mang tính cách mạng, có khả năng thay đổi cán cân quyền lực trên hành tinh. Việc sử dụng vũ khí địa vật lý có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc, không thể đảo ngược, đỉnh cao là việc hủy hoại các điều kiện tồn tại của sự sống trên Trái Đất./.