Tiết lộ sức mạnh pháo phản lực Tornado-S và UAV Lancet của Nga
VOV.VN - Nga đã bố trí hệ thống pháo phản lực Tornado-S với uy lực hơn hẳn HIMARS – hệ thống từng giúp Ukraine đạt được lợi thế chiến trường, cũng như triển khai các UAV Lancet được cho là có thể “qua mặt” cả các vũ khí laser chống UAV tiến tiến nhất.
Pháo phản lực “vượt mặt” HIMARS
Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm Kherson, ông đã cảm ơn Mỹ vì trang bị cho nước này hệ thống pháo phản lực HIMARS. Nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định, hệ thống trên đã đóng góp đáng kể vào chiến dịch phản công của Ukraine ở Kherson.
Tuy nhiên, Nga hiện đang triển khai và tăng cường sản xuất pháo phản lực Tornado-S để thách thức HIMARS.
Chuyên gia quân sự Nga Yuri Knutov cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 23/11: "Nếu so sánh với HIMARS thì hệ thống pháo phản lực Tornado-S của chúng tôi đã có mặt trên chiến trường mạnh hơn HIMARS nhiều, với tầm bắn lên tới 120km và khả năng nhắm vào từng tên lửa".
Truyền thông Nga nhận định, kho đạn dược của phương Tây đang dần cạn kiệt, gây ra mối lo ngại cho Ukraine về nguồn cung vũ khí trong tương lai. Cùng lúc đó, các quan chức và chuyên gia quân sự Nga cũng bác bỏ những đánh giá cho rằng Nga đang cạn kiệt vũ khí.
Một chuyên gia quân sự khác của Nga - ông Alexei Leonkov thông báo, việc sản xuất các hệ thống pháo phản lực mới của Moscow đang được tăng cường. Trước khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga có khoảng 20 hệ thống pháo phản lực Tornado-S nhưng con số này hiện đã tăng lên. Phía Nga cho biết Tornado-S tương tự HIMARS nhưng hiệu quả hơn ở nhiều mặt.
Giống như HIMARS, Tornado-S của Nga được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở xa và nằm trong lãnh thổ của đối phương.
Tuy nhiên, nếu như HIMARS M142 của Mỹ có thể phóng 6 quả tên lửa dẫn đường cỡ 227mm nhắm vào mục tiêu cách xa 80km và độ chính xác nằm trong khoảng 5 - 10m thì Tornado-S 9A54 của Nga có thể phóng tới 12 quả tên lửa dẫn đường bằng GLONASS cỡ 300mm cách 120km với độ chính xác tương tự như HIMARS. Ngoài ra, Tornado-S còn làm giảm thời gian sẵn sàng khai hỏa xuống còn 3 phút, khiến cho nó hoạt động nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Quân đội Nga đã triển khai pháo phản lực Tornado-S trong các cuộc giao tranh ở Donbass những năm qua và một lần nữa đưa chúng vào sử dụng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine năm 2022. Hệ thống pháo phản lực này giúp Nga có những lợi thế tương đương với hệ thống HIMARS Mỹ cung cấp cho Ukraine.
Theo nhà phân tích quân sự Vijainder K Thakur, người từng hoạt động trong lực lượng Không quân Ấn Độ: "Việc bố trí Tornado-S (với tầm bắn 120km) dọc tả ngạn sông Dnieper sẽ làm khó HIMARS (với tầm bắn 100km) khi hệ thống này được bố trí và khai hỏa từ hữu ngạn để tấn công vào các nguồn cung hậu cần của Nga từ Crimea".
"Trước đó, Nga không có cách nào để đối phó với HIMARS bởi các loại pháo của nước này không có tầm bắn tương đương. Việc điều động máy bay chiến đấu cũng không hiệu quả bởi HIMARS sẽ nhanh chóng được di chuyển sau khi khai hỏa. Nhưng hiện nay, Tornado-S có thể phản ứng ngay lập tức khi nó được triển khai".
UAV “bất khả chiến bại”
Một hệ thống vũ khí khác mà các chuyên gia quân sự Nga đánh giá cao là vũ khí cảm tử lưu động ZALA Lancet.
Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov nhận định, cùng với việc tăng cường sản xuất Tornado-S, "một số lượng lớn UAV mới cũng xuất hiện trên chiến trường – đó là Lancet". Thông báo này được đưa ra giữa bối cảnh tình báo Anh cho biết Nga đã cạn kiệt kho UAV cảm từ do Iran sản xuất, vốn được triển khai rộng rãi để tấn công Ukraine trước đó.
Theo chuyên gia này, tương tự như UAV Shahed-136 của Iran, UAV Lancet của Nga phát nổ sau khi nhắm vào mục tiêu.
Hiện nay, thời gian bay của Lancet đã tăng lên 1 giờ cùng với đạn phân mảnh nổ cao sau khi hiện đại hóa đã trở nên mạnh hơn với khối lượng là 5kg.
Các UAV ZALA Lancet được sử dụng cho mục đích trinh sát và tấn công. UAV này có tầm hoạt động khoảng 40km, được trang bị lượng thuốc nổ lớn và đạn phân mảnh nổ cao. Ngoài ra, nó cũng được trang bị các thiết bị để phục vụ các nhiệm vụ trinh sát, định hướng và liên lạc.
Nga cho biết, UAV cảm tử Lancet sử dụng công nghệ gây nhiễu chống laser khiến nó không bị phát hiện bởi nhiều hệ thống chống máy bay không người lái hiện nay.
Theo Rostec: "UAV cảm tử Lancet của Nga không hề hấn gì trước các vũ khí laser hiện đại nhất nhờ sự bảo vệ của hệ thống chống laser gắn kèm. Nó cũng gần như không thể bị đánh chặn hoặc phá hủy. Nhờ hệ thống bảo vệ chống laser trên, ngay cả các vũ khí laser chống UAV tiên tiến nhất cũng e sợ UAV này".
Lancet được cho là đã được triển khai trong tất cả các lực lượng của Nga ở phía Đông và phía Nam Ukriaine nhằm đối phó với các cuộc phản công của Ukraine./.