Tướng Mỹ tiết lộ mối nguy khó lường từ thiết bị điện tử sử dụng trên chiến trường
VOV.VN - Sự xuất hiện của các công nghệ mới trên chiến trường đã khiến quân đội Mỹ phải suy nghĩ lại các hoạt động của lực lượng này khi chuẩn bị cho một cuộc xung đột trong tương lai với đối phương có công nghệ tiên tiến.
Đã và đang có nhiều sự thay đổi bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, Tướng David Berger, Tư lệnh lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết. Một trong những bài học quan trọng nhất là các thiết bị điện tử đang cung cấp nhiều thông tin hơn chúng ta nghĩ, Tướng Berger – người đã nỗ lực phát triển các khả năng tác chiến hiệu quả kể từ khi đảm nhận vai trò Tư lệnh lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ vào tháng 7/2019 cho biết.
Nguy cơ do tín hiệu điện tử gây ra đặc biệt nguy hiểm đối với các binh sỹ của thủy quân lục chiến Mỹ vì chúng có thể cho phép đối phương theo dõi, nghe trộm thông tin liên lạc hoặc tấn công họ.
“Trên chiến trường, các đơn vị phải phân tán lực lượng một cách hợp lý. Để làm được điều đó, chúng tôi phải có đủ tính cơ động để có thể di chuyển các đơn vị một cách khá thường xuyên. Có rất nhiều kỹ năng phải học như ngụy trang, mồi nhử, đánh lừa. Cách đây 30 năm, chúng tôi không phải lo lắng quá nhiều vì không có những thiết bị điện tử tiên tiến, nhưng hiện giờ, vấn đề đã khác”, ông Berger nói.
Đối với các binh sỹ trẻ, thủy thủ và các thành viên của thủy quân lục chiến, điện thoại di động cùng những thiết bị công nghệ cao khác là một phần của cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy, để hạn chế việc phát tín hiệu của các thiết bị đó đòi hỏi họ phải từ bỏ một số thói quen.
“Họ dường như không nhận thức được mối nguy hiểm khi nhấn nút điện thoại. Đó là một thói quen thường ngày. Nhưng trên chiến trường, hành động này có thể khiến chúng ta bị tấn công, thậm chí mất mạng. Vì thế hãy tắt điện thoại”. “Một số người nói rằng “tôi sẽ không chạm vào nó và cứ để yên như vậy”, nhưng có những bộ phận của điện thoại mà bạn không hiểu hết”, ông Berger nhấn mạnh.
Việc nhắm mục tiêu vào điện thoại di động là một trong những chiến thuật nổi bật trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Ông Berger cho rằng, tin tặc Nga đã sử dụng mã độc trong các ứng dụng trên điện thoại để theo dõi các đơn vị pháo binh của Ukraine và gửi thông tin tuyên truyền tới điện thoại của các binh sỹ Ukraine bằng cách sử dụng những phần mềm mô phỏng trạm phát sóng.
Điện thoại di động cũng tạo ra những lỗ hổng an ninh đối với Nga kể từ khi quân đội nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Người Ukraine và các chính phủ nước ngoài được cho là đã nghe lén các quân nhân Nga trò chuyện với nhau và với gia đình của họ, đồng thời sử dụng những thông tin này để xác định vị trí và tiến hành các cuộc tấn công.
Trong những năm gần đây, điện thoại của quân đội Mỹ và đồng minh ở châu Âu cũng bị ảnh hưởng do các hoạt động tấn công mạng hoặc nỗ lực bẻ khóa bảo mật.
Việc Nga tăng cường năng lực tác chiến điện tử, trong đó có phát triển khả năng gây nhiễu và thực hiện các biện pháp can thiệp khác đã trở thành mối lo ngại lớn đối với quân đội Mỹ, buộc Washington phải tập trung cải thiện khả năng tác chiến điện tử và hạn chế hoạt động của binh sỹ.
Trước đó vào năm 2018, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cấm nhân viên sử dụng ứng dụng định vị trên điện thoại di động sau khi có thông tin cho rằng việc quân đội sử dụng ứng dụng này đã vô tình tiết lộ vị trí thậm chí cả cách bố trí các căn cứ của họ.
Bảo mật thông tin liên lạc và giảm thiểu phát tán tín hiệu điện tử đặc biệt quan trọng đối với Thủy quân lục chiến Mỹ khi lực lượng này phát triển các khái niệm để điều động các đơn vị nhỏ, cơ động ở Tây Thái Bình Dương.
Thủy quân lục chiến đã thử nghiệm những công nghệ mới nhằm đảm bảo an toàn hơn cho việc truyền tải thông tin liên lạc giữa các đơn vị của họ và với các lực lượng khác, nhưng việc sử dụng điện thoại di động cùng một số thiết bị điện tử vẫn có thể cho phép đối phương theo dõi chuyển động của họ trong thời bình và tấn công trong thời chiến.
Hoạt động thu thập tín hiệu điện tử "ngày càng trở nên phổ biến”, Tướng Berger lưu ý. Với môi trường như vậy, theo ông Berger, Thủy quân lục chiến Mỹ đang hướng tới những hoạt động tình báo, trong đó việc phát tín hiệu điện tử được giảm xuống cấp độ thấp hơn nhiều so với trước đây.
Không chỉ Thủy quân lục chiến mà cả Không quân Mỹ cũng đang phải đối mặt với thách thức tương tự trong việc kiểm soát tín hiệu điện tử, Chỉ huy trưởng David Wolfe của Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ cho biết.
“Người Trung Quốc đặc biệt có một mạng lưới tình báo rất mạnh và họ đang cố gắng tìm hiểu những gì chúng tôi đang làm. Chúng tôi cũng đang làm điều tương tự. Đây giống như trò chơi mèo vờn chuột", ông Wolfe nói. “Chúng tôi đang cố gắng giúp mọi người hiểu rằng những điều bạn nói và làm đều chịu sự giám sát của một ai đó. Ý tôi là khi sử dụng điện thoại, chúng ta có thể bị ghi âm ngay lập tức mà không hề hay biết”./.