Ukraine đưa “rồng phun lửa” UR-77 tới Bakhmut, Nga đáp trả bằng "hỏa thần" TOS-1A
VOV.VN - Ukraine được cho là đã triển khai tổ hợp phá mìn UR-77 có sức công phá lớn tại Bakhmut, còn Nga sử dụng hệ thống pháo phản lực nhiệt áp hạng nặng TOS-1A phóng tên lửa nhiệt áp cực mạnh vào cứ điểm của đối phương.
Sau thời gian dài bao vây Bakhmut và cô lập các lực lượng Ukraine đồn trú trong thành phố, quân đội Nga đã ra đòn quyết định bằng cách tấn công trực diện vào trung tâm thành phố.
Một video lan truyền trên mạng xã hội ngày 5/4 cho thấy, quân đội Nga đã sử dụng hệ thống pháo phản lực nhiệt áp hạng nặng TOS-1A tại Bakhmut. Trong khi đó, Ukraine cũng được cho là đã triển khai tổ hợp phá mìn UR-77 có sức công phá mạnh mẽ ở thành phố này. Giới phân tích cho rằng, cả hai bên dường như có ý định giành lấy thành phố bằng mọi giá.
Hồi đầu năm nay, lính dù Nga đã phối hợp với lực lượng quân sự tư nhân Wagner tiến về phía Bắc và phía Nam Bakhmut, đồng thời di chuyển đếnvùng ngoại ô phía Đông thành phố. Tuy nhiên, các đơn vị của Ukraine ở bên trong và xung quanh Bakhmut vẫn cố gắng giữ vững hai con đường chính dẫn vào thành phố, cho phép họ duy trì khả năng phòng thủ di động.
Sau khi các lực lượng Wagner giành quyền kiểm soát tòa nhà hành chính của Bakhmut, người Ukraine đã nhanh chóng đáp trả bằng cách triển khai tổ hợp phá mìn UR-77 nhằm ngăn chặn quân đội Nga tiến công ở phía Nam Bakhmut, xung quanh khu vực Korsunskogo. Vài ngày sau đó, quân đội Nga đã sử dụng hệ thống pháo phản lực nhiệt áp hạng nặng TOS-1A phóng tên lửa nhiệt áp cực mạnh vào cứ điểm của đối phương trong thành phố.
Sức mạnh của “hỏa thần” nhiệt áp TOS-1A
TOS-1A thường được gọi là súng phun lửa hạng nặng, nhưng về bản chất, đây là hệ thống phóng tên lửa đa nòng (MRLS) sử dụng tên lửa nhiệt áp. Tên lửa nhiệt áp là loại vũ khí sử dụng oxy từ không khí để tạo ra một vụ nổ có nhiệt độ cao, gây ra hàng loạt sóng chấn động dài và lớn hơn các loại vũ khí sử dụng chất nổ thông thường.
Hệ thống được thiết kế để hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh và xe tăng, tấn công quân đội của đối phương ở ngoài trời hoặc trong hầm trú ẩn, đồng thời vô hiệu hóa xe cộ và nhiều phương tiện bọc thép hạng nhẹ. TOS-1A sử dụng khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực, có thể bắn đạn rocket 220mm không có dẫn đường, hoặc rocket nhiệt áp.
Việc tính toán góc bắn với độ chính xác cao khi sử dụng rocket không có dẫn đường có thể giúp hỏa lực của hệ thống bao phủ dày đặc mục tiêu trong thời gian 6 giây, với khoảng cách tối đa 6.000m. TOS-1A có thể tiêu diệt 100% nhân lực của đối phương tại một khu vực không được che chắn có diện tích 40.000m2.
Một khi quả tên lửa nặng 200kg bắn trúng mục tiêu, nó phát nổ với áp suất cực lớn, giải phóng nhiệt lên tới 3.000 độ C, khiến cả giáp thép bảo vệ cũng tan chảy. Sức sát thương đối với con người càng lớn hơn trong những không gian hẹp như hầm ngầm, chiến hào, boongke … Quân đội Nga đã sử dụng rộng rãi hệ thống TOS-1A trong cuộc xung đột tại Ukraine. Do phạm vi tiêu diệt của TOS-1A chỉ tầm 6.000m và hệ thống thiếu khả năng khai hỏa từ khoảng cách an toàn nên nó cần được sự yểm trợ của xe tăng chiến đấu chủ lực. Sau khi khai hỏa, kíp chiến đấu sẽ nhanh chóng thay đổi vị trí và tiếp tục nạp đạn.
Tổ hợp phá mìn UR-77
Tổ hợp phá mìn UR-77 Meteorit, còn được biết đến với biệt danh “rồng lửa đa đầu”, do Liên Xô phát triển nhằm thay thế xe phá mìn UR-67. UR-77 sử dụng phiên bản cải tiến của khung gầm pháo tự hành 2S1 Gvozdika. Xe được trang bị một bệ phóng và 2 dây cáp chứa thuốc nổ để rà phá bom mìn. Nguyên lý hoạt động của nó rất đơn giản, khi khai hỏa, một tên lửa sẽ được phóng đi kéo theo một đoạn dây cáp chứa thuốc nổ. Khi dây chạm đất, lượng thuốc nổ này sẽ tạo ra một vụ nổ dữ dội với sóng xung kích, phá hủy hoặc vô hiệu hóa tất cả những quả mìn tại khu vực có diện tích khoảng 540m2.
UR-77 được thiết kế để hoạt động gần tiền tuyến nhưng hiếm khi được triển khai trong chiến đấu trực tiếp. Vì xe được bọc thép hạng nhẹ nên nó cần các lực lượng cơ giới và pháo binh khác cung cấp hỏa lực yểm trợ khi hoạt động gần cứ điểm của đối phương
Câu hỏi đặt ra là liệu việc Nga sử dụng TOS-1A và Ukraine sử dụng UR-77 có tạo ra sự khác biệt hay không? Đối với Nga, Bakhmut có ít tầm quan trọng về chiến lược nhưng lại mang tính biểu tượng cao. Việc kiểm soát thành phố này có thể sẽ được Tổng thống Putin coi là chiến thắng lớn để phản bác những lời chỉ trích cho rằng việc tiến hành các cuộc tấn công tại đây không mang lại hiệu quả. Còn với Ukraine, pháo đài Bakhmut như một biểu tượng của nỗ lực kháng cự nhằm làm cạn kiệt các nguồn lực của quân đội Nga và việc giành được thành phố này có thể giúp khích lệ tinh thần của các binh sỹ.
Giới phân tích cho rằng, trong những tuần tới có khả năng sẽ xảy ra những cuộc giao tranh dữ dội hơn tại Bakhmut khi cả hai bên sẵn sàng triển khai những vũ khí mạnh hơn, có nguy cơ san phẳng những gì còn lại trong thành phố./.