Ukraine tăng độ sát thương cho FPV để đối phó với xe bọc thép Nga
VOV.VN - Ukraine cho biết họ đã phát triển loại đạn xuyên giáp, được gọi là EFP, tương thích với đội máy bay không người lái FPV của mình.
Ukraine đang tiến hành một số thay đổi với đội máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) - một trong những phương tiện phổ biến nhất trong các cuộc không chiến với Nga, để gây thêm thiệt hại cho các phương tiện bọc thép của Moscow giữa bối cảnh Kiev phải vật lộn với kho đạn dược ngày càng cạn kiệt khi nguồn cung từ phương Tây suy giảm.
Ukraine cho biết họ đã phát triển loại đạn xuyên giáp, được gọi là EFP, tương thích với đội máy bay không người lái FPV của mình.
Theo truyền thông Ukraine, đạn EFP được thiết kế để đối phó với các phương tiện quân sự bọc thép, bao gồm xe bọc thép chở quân hoặc phương tiện chiến đấu bộ binh và pháo tự hành. Theo các nguồn tin của Ukraine, loại đạn này có thể di chuyển với tốc độ 1.800 m/s.
Chuyên gia quân sự David Hambling cho biết, đạn dạng nổ hay còn gọi là đạn xuyên giáp (EFP) không phải là công nghệ mới mà là một phiên bản của đạn xuyên giáp tiêu chuẩn.
"EFP xuyên giáp ít hơn các loại đạn có hình dạng khác, đó là lý do tại sao chúng ít phổ biến hơn. Tuy nhiên, chúng lại có tầm bắn xa hơn nhiều", chuyên gia này nhận định với Newsweek.
Ưu điểm chính của loại đạn này trên các máy bay không người lái FPV của Ukraine nằm ở chỗ những người điều khiển có thể kích hoạt đạn từ xa.
"EFP cũng sẽ lao thẳng qua lồng hoặc lưới thường được sử dụng để bảo vệ các phương tiện khỏi FVP".
Máy bay không người lái FPV nhanh chóng trở thành biểu tượng cho những nỗ lực của Ukraine trong phát triển UAV. Chúng có thể được sử dụng để ghi lại các cảnh quay chiến trường đầy kịch tính, nơi các máy bay không người lái lao về phía các phương tiện của đối phương trước khi phát nổ, hoặc được triển khai như các công cụ trinh sát để dẫn đường cho các cuộc tấn công bằng pháo.
Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số của Ukraine, người đứng đầu các nỗ lực sử dụng máy bay không người lái của Ukraine nhằm chống lại Nga nói với Newsweek vào tháng 12 rằng đôi khi các phương tiện trên hoạt động "hiệu quả hơn cả pháo".
Khi mối lo ngại về kho dự trữ đạn dược khan hiếm của Ukraine ngày càng sâu sắc, loại đạn EFP mới gắn trên FPV có thể giúp ích phần nào trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các kho đạn dược của Ukraine và thực tế về số lượng đạn mà nước này cần.
Đạn dược nằm trong số những vũ khí ưu tiên mà Ukraine mong muốn nhận được từ phương Tây nhưng nguồn cung này đang cạn kiệt, đặc biệt là pháo cỡ nòng 155mm.
Trong suốt 15 tháng xung đột, Ukraine đã chạy đua với Nga để phát triển các giải pháp cải tiến máy bay không người lái và Kiev đã chiếm ưu thế trong việc sản xuất FPV vào đầu năm 2023.
Nga sau đó đã phản ứng bằng cách tăng cường các chương trình sản xuất của riêng mình. Trong khi đó, Kiev tiến hành một số đợt gây quỹ để duy trì nguồn cung máy bay không người giá rẻ nhưng đóng vai trò quan trọng.
Chuyên gia Bendett trước đó nhận định với Newsweek rằng, Nga có thể sẽ nhận được hàng chục nghìn máy bay không người lái FPV mỗi tháng sau những nỗ lực tăng cường sản xuất và phát triển.
Một chỉ huy của Ukraine cho biết vào giữa tháng 12 rằng các máy bay chiến đấu của Kiev chỉ có 1 FPV để đối phó với 7 FPV của Nga tại những khu vực chiến trường quan trọng ở phía Đông và phía Nam.
Ukraine cho biết họ đang trên đà sản xuất hơn 1 triệu máy bay không người lái vào năm 2024, vượt mục tiêu do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đặt ra vào cuối năm 2023.