Uy lực “sát thủ diệt Storm Shadow” Nga vừa đưa vào thực chiến
VOV.VN - Biến thể hải quân của hệ thống phòng không Pantsir lần đầu tiên làm nhiệm vụ chiến đấu và đã bắn hạ tên lửa hành trình Storm Shadow ở khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Pantsir-M đã được triển khai ở đâu và có gì khác biệt so với phiên bản mặt đất Pantsir-S1?
Nga lần đầu tiên triển khai hệ thống phòng không trên tàu hải quân Pantsir-M trong thực chiến. Hệ thống này đã bắn hạ được tên lửa hành trình Storm Shadow trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, Hệ thống phòng không trên tàu hải quân Pantsir-M đã bắn hạ tên lửa Storm Shadow. Nói cách khác, Nga đã lần đầu tiên sử dụng thành công hiệu quả hệ thống Pantsir-M”, ông Oleg Ryazantsev, Giám đốc điều hành High Precision Systems thuộc Tập đoàn Quốc phòng Rostec của Nga, nói với đài truyền hình Zvezda của Nga.
“Sát thủ diệt Storm Shadow”
Ông Ryazantsev không nói rõ chi tiết vụ việc, kể cả thời điểm nó xảy ra hay tàu chiến nào của Nga đã thực hiện nhiệm vụ lần này.
Tuy nhiên, theo ông Ryazantsev cho biết tên lửa hành trình tàng hình Storm Shadow là một trong nhiều loại vũ khí đang được lực lượng Ukraine sử dụng và hệ thống Pantsir được thiết kế đặc biệt “để chống lại loại mối đe dọa này”.
Tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP do Anh và Pháp cùng phát triển. Các biến thể khác nhau có tầm bắn từ 250km đến 560km. Mẫu viện trợ cho Ukraine có tầm bắn dưới 250km.
Storm Shadow sử dụng đầu đạn nối tiếp BROACH, tức là có hai đầu đạn ở phía trước và phía sau. Phía trước là đầu đạn xuyên giáp, theo kiểu nổ lõm, có sức công phá nhỏ, có nhiệm vụ “mở lỗ” trên bề mặt mục tiêu cứng; còn phía sau là đầu đạn có sức nổ mạnh, có thể khoan thẳng vào phía sau mục tiêu và phát nổ.
Truyền thông Nga mới đây đăng tải một đoạn video quay cảnh chuyên gia tên lửa nước này tháo dỡ một tên lửa hành trình Storm Shadow mà họ được thu được của Ukraine. Trong video, tình trạng thân tên lửa còn gần như nguyên vẹn. Nga tuyên bố đã phát triển loại khí tài để có thể chế áp được tên lửa Storm Shadow, khiến nó rơi xuống đất mà không phát nổ. Đặc biệt, thiết bị này sẽ được triển khai ở chiến trường Ukraine trong thời gian tới.
Chuyên gia an ninh người Nga Alexander Mikhailov cho rằng, Moscow sở hữu năng lực khoa học tên lửa tiên tiến, do vậy, họ có thể không cần nghiên cứu sao chép Storm Shadow. Thay vào đó, Nga kiểm tra các bộ phận của tên lửa này để hiệu chỉnh hệ thống phòng thủ nhằm đánh chặn hiệu quả hơn.
Theo các nguồn tin mở, tàu tên lửa cỡ nhỏ Tsiklon (hay Cyclone) thuộc Đề án 22800 hiện là tàu duy nhất trong Hạm đội Biển Đen của Nga được trang bị Pantsir-M. Năm 2020, tàu chị em của Tsiklon trong Đề án 22800, tàu Odintsovo thuộc biên chế của Hạm đội Baltic, trở thành tàu chiến đầu tiên của Hải quân Nga nhận được trang bị hệ thống phòng không mới.
Pantsir-M có gì đặc biệt?
Pantsir-M do Cục thiết kế kỹ thuật công cụ Shipunov có trụ sở tại Tula phát triển vào năm 2017. Đây là biến thể hải quân của hệ thống pháo-tên lửa phòng không kết hợp Pantsir triển khai trên mặt đất.
Pantsir-M là phiên bản sửa đổi của Pantsir-S, hoạt động theo nguyên tắc chung giống như phiên bản mặt đất. Sự khác biệt chính giữa hai biến thể là bản hải quân được thiết kế có tính đến những dao động của bệ phóng khi tàu di chuyển, trong khi Pantsir-S được tối ưu hóa cho việc đứng yên tác chiến.
Pantsir-S được đặt trên khung gầm xe bọc thép bánh lốp hoặc bánh xích, cho phép nó dễ dàng di động trên đất liền và theo kịp đội hình hành quân của các đơn vị cơ giới.
Trong khi đó, phiên bản dành cho hải quân Pantsir-M được đặt trên một bệ chuyên dụng, chú trọng nhiều vào khả năng chịu được các điều kiện tác chiến khắc nghiệt của môi trường biển.
Một sự khác biệt lớn nữa giữa hai phiên bản là phạm vi của chúng. Biến thể dành cho hải quân Pantsir-M có tầm bắn xa hơn phiên bản Pantsir-S dành cho bộ binh, cho phép nó tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lớn. Điều này một phần là do các tàu hải quân thường lớn hơn và dễ nhìn thấy hơn so với các mục tiêu trên đất liền, điều này khiến chúng dễ bị tấn công hơn, bởi vậy cần nâng cao cự ly đánh chặn để đảm bảo an toàn.
Pantsir-M được phân loại là hệ thống vũ khí cận chiến (CIWS) được thiết kế để tiêu diệt tên lửa, máy bay không người lái, máy bay và các loại đạn khác của đối phương khi chúng tiếp cận trong phạm vi 20 km hoặc gần hơn (ở độ cao lên tới 15 km) tính từ tàu chiến.
Pantsir-M được trang bị 8 tên lửa SAM Germes-K (hay Hermes-K) sẵn sàng trong ống phóng bố trí 4x2 ở 2 bên của hệ thống, bao gồm thiết bị điều khiển, liên lạc và truyền dữ liệu tích hợp. Vũ khí phụ gồm 2 pháo xoay AO-18KD 30x165mm có tầm bắn lên tới 5 km và tốc độ bắn lên tới 10.000 phát/phút.
Pháo AO-18KD là một biến thể của pháo phòng không tự động 6K30GSh do Liên Xô chế tạo đã được thử nghiệm và đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào giữa những năm 1960.
Trong khi đó, biến thể Pantsir trên mặt đất được trang bị 2 pháo tự động 2A38M 30 mm, ban đầu được phát triển cho hệ thống 2K22 Tunguska, và có các loại tên lửa khác với biến thể dành cho hải quân: bao gồm SAM dòng 95Ya6 và dòng 23Ya6. Tên lửa 23Ya6 thường được gắn vào các phương tiện có cấu hình 6x2 (mặc dù biến thể Pantsir-SA có tính năng bố trí 9x2 được gắn vào xe rơ-moóc).
Pantsir-M có thể tấn công đồng thời 4 mục tiêu và hiện là hệ thống phòng không trên tàu hải quân duy nhất trên thế giới sử dụng mô-đun chiến đấu kết hợp CIWS, SAM và hệ thống điều khiển quang học radar – bao gồm tìm kiếm mục tiêu tự động, khả năng lựa chọn và bắn trong một thiết bị duy nhất.
Độ chính xác của Pantsir-M được đánh giá cao nhờ hệ thống nhắm mục tiêu quang điện và radar tiên tiến, giúp giảm thiểu rủi ro đối với mục tiêu cần bảo vệ và tối đa hóa hiệu quả của tổ hợp.
Tổ hợp này có thời gian phản ứng từ 3-5 giây và có thể bắn trúng mục tiêu bay với tốc độ lên tới 1.000 mét/giây. Radar mảng pha trên tàu có phạm vi phát hiện mục tiêu ước tính lên tới 75 km.
Hệ thống này nặng khoảng 7.100 kg (bao gồm cả đạn dược), phù hợp để triển khai trên các tàu nhỏ và lớn (chẳng hạn như dòng tàu hộ vệ Đề án 22800 của Nga có lượng giãn nước 870 tấn).
Hải quân Nga có kế hoạch trang bị Pantsir-M cho tất cả các tàu chiến mới, từ tàu hộ vệ tên lửa đến tàu tuần dương, đồng thời nâng cấp hệ thống này cho các tàu hiện có.