Vì sao trực thăng “Cá sấu” Ka-52 của Nga vẫn là cơn đau đầu với Ukraine?
VOV.VN - Cuộc tấn công đầu tiên của Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS MGM-140 đã giáng một đòn mạnh vào phi đội trực thăng tấn công của Nga. Tuy nhiên, hơn 1 tháng sau, "Cá sấu" Ka-52 của Nga vẫn là mối đe dọa với Kiev trên chiến trường.
Cuộc tấn công ngày 17/10 diễn ra được cho là đã loại bỏ 14 trực thăng, trong đó có một vài trực thăng Ka-52 tại 2 căn cứ không quân của Nga nằm trong khu vực Moscow kiểm soát.
Sau cuộc tấn công, các chuyên gia và giới tình báo phương Tây cho rằng, với những tên lửa ATACMS mới có khả năng mạnh mẽ, Kiev sẽ buộc Moscow phải rút các căn cứ đang vận hành và những phương tiện quân sự dễ tổn thương khỏi tiền tuyến để bảo vệ tốt hơn các trực thăng cho những cuộc tấn công trong tương lai của Ukraine.
Hình ảnh vệ tinh được một nhà quan sát quân sự Ukraine phân tích và thu thập dường như cho thấy Nga vẫn duy trì một phi đội gồm hàng chục trực thăng Ka-52. Trong một loạt bài đăng tải trên mạng xã hội X ngày 17/11, người này đã chỉ ra những căn cứ được Moscow sử dụng cho các trực thăng.
"Cả trực thăng Ka-52 và Mi-28 đều tiếp tục là mối đe dọa đáng kể cho các lực lượng của Ukraine trên tiền tuyến", nhà quan sát này cho hay. Việc các trực thăng sử dụng tên lửa không đối đất và tên lửa chống tăng sẽ mở rộng khả năng hoạt động của chúng để nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không tầm ngắn Ukraine".
Rob Lee, học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại ủng hộ đánh giá cho rằng các trực thăng tấn công đang được sử dụng rất nhiều.
"Trực thăng Ka-52 đang hoạt động và chúng vẫn là vấn đề nghiêm trọng", chuyên gia này cho hay trên X.
Theo ông: "Nga bắt đầu vận hành trực thăng từ các FARP, không lâu sau các cuộc tấn công của ATACMS". FARP là điểm tiếp nhiên liệu và trang bị vũ khí phía trước - một cụm từ mà NATO sử dụng cho vị trí nơi mà máy bay có thể được cung cấp nhiên liệu gần tiền tuyến.
"Chỉ bởi vì bạn không thấy chúng trên video không có nghĩa là chúng không hoạt động ở đây", ông Rob Lee nói.
Trực thăng Ka-52 của Nga đã trở thành "cơn đau đầu" cho các lực lượng của Ukraine. Hồi tháng 6/2023, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Moscow đã tăng cường sử dụng trực thăng tấn công trong khu vực này và vào tháng sau, máy bay này đã trở thành một trong những vũ khí có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực.
Cập nhật tình báo của Anh đánh giá, phòng tuyến Nga ngày càng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của trực thăng khi đối mặt với cuộc tấn công của Ukraine.
Ukraine bắt đầu sử dụng ATACMS sau khi nước này bí mật nhận được vũ khí trên từ Mỹ. Các cuộc tấn công vào căn cứ không quân Nga đã sử dụng phiên bản M39 của ATACMS với tên lửa đạn chùm có tầm bắn khoảng 160km.
Các chuyên gia cho rằng M39 có hiệu quả trong việc đối phó với các mục tiêu phân tán và không được bảo vệ, chẳng hạn như trực thăng đang đỗ. Không giống như đầu đạn nguyên khối, đạn thứ cấp được phóng ra khi tên lửa đạn chùm đang bay, có thể phân tán và gây tổn thất trong một khu vực lớn.