Vì sao Ukraine muốn Patriot dù hệ thống này từng bắn trượt UAV cảm tử?
VOV.VN - Theo một số bài báo đưa tin, Washington đang hoàn tất kế hoạch cung cấp hệ thống tên lửa Patriot cho Kiev. Ukraine hiện đối mặt với các cuộc tấn công UAV và tên lửa ngày càng gia tăng của Nga. Tuy nhiên, Patriot có phải một hệ thống phù hợp để bảo vệ Ukraine?
MIM-104 Patriot là hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến của Lục quân Mỹ, có thể tấn công các mục tiêu siêu thanh cách xa hàng trăm km ở độ cao lớn. Trong khi các tên lửa trước đó chỉ có thể tấn công các chiến đấu cơ thì Patriot có thể đánh chặn cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình cũng như từng được triển khai trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Kể từ đó, hệ thống Patriot đã trải qua nhiều lần nâng cấp và hiện được trang bị radar AESA có độ phân giải cao, bao quát 360 độ.
Tuy nhiên, trong khi có thể đối phó hiệu quả với chiến đấu cơ, trực thăng, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo thì Patriot không phát huy tốt hiệu quả trước các UAV cỡ nhỏ. Năm 2017, lực lượng Houthi đã tấn công hệ thống Patriot ở Saudi Arabia bằng UAV cảm tử Qasef. Các UAV đã nhắm vào radar của hệ thống nhằm khiến nó không hoạt động trong thời gian đủ dài để các tên lửa tấn công lọt qua.
Mặc dù có một vài tranh cãi về chiến thuật trên nhưng kể từ đó, Houthi đã tiến hành được các cuộc tấn công UAV tầm xa hiệu quả cao. Các cuộc tấn công này chủ yếu nhắm vào các cơ sở lọc dầu và các sân bay, gây ra các đám cháy lớn.
Cuộc tấn công đáng chú ý nhất là cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV vào nhà máy lọc dầu Abqaia năm 2019, khiến cho cơ sở này bốc cháy và làm giá dầu toàn cầu bị ảnh hưởng.
Một quan chức quốc phòng phương Tây nhận định với Reuters rằng Abqaia được bảo vệ bởi hệ thống Patriot. Hiện chưa rõ vấn đề là do khả năng radar của Patriot trong việc phát hiện các UAV cỡ nhỏ bay tầm thấp hay do các nguyên nhân khác.
Hiện nay, Ukraine cũng đang đối mặt với các UAV cảm tử cỡ nhỏ. Tổng thống Ukraine Volodymy Zelensky cáo buộc Nga nhận được ít nhất 2.400 UAV Shahed-136 do Iran sản xuất và các UAV này đã được phóng hàng loạt để đảm bảo một số UAV sẽ lọt qua hệ thống phòng không và nhắm vào các mục tiêu.
Hệ thống Patriot với giá trị hơn 1 triệu USD gần như không thể đối phó với các UAV có giá khoảng vài nghìn USD được phóng hàng loạt cùng lúc.
Vì thế, câu hỏi được đặt ra là tại sao Ukraine lại muốn hệ thống Patriot của Mỹ đến vậy?
Ukraine từng yêu cầu Mỹ cung cấp Patriot trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự, thời điểm mà các mối đe dọa chủ yếu là chiến đấu cơ và tên lửa. Vào lúc đó, các quan chức Mỹ cho rằng việc huấn luyện quân đội Ukraine để sử dụng hệ thống này mất quá nhiều thời gian.
Vào tháng 3, khi việc cung cấp Patriot một lần nữa được nêu ra, các quan chức Mỹ cho biết việc này sẽ cần các nhà vận hành hệ thống ở Ukraine – một điều khó có thể xảy ra.
Patriot sẽ không thể ngăn cản các cuộc tấn công UAV hiện tại và có lẽ đã quá muộn để hạn chế tổn thất cho mạng lưới điện của Ukraine. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng các hệ thống khác, đáng chú ý là các UAV đánh chặn đang được cung cấp, có thể đối phó hiệu quả với UAV của Nga. Các UAV chi phí thấp cỡ nhỏ này được thiết kế để đối phó với UAV, có thể cung cấp được với số lượng lớn hơn nhiều so với các tên lửa siêu thanh lớn.
Dù vậy, hệ thống Patriot sẽ cung cấp khả năng đối phó với các mối đe dọa khác trong tương lai, đó là các tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, với việc chuyển hệ thống Patriot cho Ukraine, thông điệp đáng chú ý ở đây là dường như Mỹ đã sẵn sàng hơn trong việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine, thay vì các tên lửa phòng không Javelin và Stinger được cung cấp vào những ngày đầu xung đột. Hệ thống Patriot là một phần trong danh sách dài các thiết bị quân sự trước giờ Mỹ vẫn trì hoãn cung cấp cho Ukraine, cùng với tiêm kích F-16, xe tăng chiến đấu và các tên lửa tầm xa. Patriot có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy mọi thứ đang thay đổi và có thể Washington sẽ cung cấp cho Kiev nhiều hệ thống vũ khí hiện đại hơn trong năm tới./.