Việt Nam tham dự Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng ADSOM+
VOV.VN - Tiếp theo thành công tốt đẹp của Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM), Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+) đã được tổ chức hôm nay 26/9 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào với sự tham dự của 10 quốc gia thành viên ASEAN, Timor-Leste, Ban Thư ký ASEAN và 8 nước đối tác, dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch Lào.
Trong phát biểu khai mạc, cảm ơn và đánh giá cao sự ủng hộ của các quốc gia dành cho nước Chủ tịch Lào, Trung tướng Somphone Mittaphone, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào, Trưởng đoàn Lào cho biết: Các Hội nghị ADSOM và ADSOM+ có ý nghĩa quan trọng nhằm hiện thực hóa các nội dung, mục tiêu hợp tác trong khuôn khổ ADMM và ADMM+ thông qua thúc đẩy đối thoại và hợp tác thực chất giữa ASEAN và các nước đối tác; chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới và khu vực cùng quan tâm nhằm tăng cường hiểu biết và nhận thức chung.
Hội nghị đã nghe báo cáo kết quả Hội nghị Nhóm làm việc Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN Mở rộng (ADSOM+ WG), tình hình gần đây của ASEAN; cập nhật việc thực hiện Kế hoạch công tác các Nhóm chuyên gia ADMM+ chu kỳ 2021 - 2023 và thông qua Kế hoạch công tác Nhóm chuyên gia ADMM+ chu kỳ 2024 - 2027; xem xét dự thảo Tuyên bố chung chuyên đề của ADMM+ về Biến đổi khí hậu; trao đổi về các vấn đề an ninh khu vực và thế giới.
Về tình hình thế giới và khu vực, các Trưởng đoàn chia sẻ nhận định, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp và khó đoán định; nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen, trong đó, những thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng, an ninh nguồn nước, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia… gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm trầm trọng hơn các thách thức truyền thống, gia tăng nguy cơ khủng hoảng đa chiều, đa hình thái. Trong bối cảnh đó, chủ đề “Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường” được nước Chủ tịch Lào đưa ra phản ánh nguyện vọng và mong muốn chung của tất cả các nước về một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển; tăng cường kết nối, hợp tác là yếu tố quan trọng để hiện thực hóa những mong muốn này.
Tại hội nghị, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đã có bài phát biểu quan trọng về tình hình thế giới, khu vực và đưa ra đánh giá, đề xuất hợp tác quốc phòng giữa ASEAN và các nước đối tác. Trưởng đoàn Việt Nam cho rằng khu vực và thế giới đang đối mặt với một loạt các thách thức an ninh, bên cạnh các thách thức an ninh truyền thống, các vấn đề an ninh phi truyền thống đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Những thách thức này nằm ngoài khả năng ứng phó của bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào, đòi hỏi sự hợp tác toàn diện của cộng đồng quốc tế.
Về lĩnh vực quốc phòng - an ninh, trong đó có an ninh biển, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh, Việt Nam luôn kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982), thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế, khu vực như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông - DOC; ủng hộ việc thiết lập các cam kết pháp lý rõ ràng, thực chất, hiệu quả hơn như Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông - COC.
Để có thể ứng phó hiệu quả với các thách thức phức tạp hiện nay, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh 5 yếu tố cơ bản; đó là (i) Củng cố, tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và tin cậy chính trị lẫn nhau giữa các nước, trước hết là các thành viên ASEAN và các nước cộng; trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc, không phân biệt nước lớn, nước nhỏ; không can thiệp nội bộ, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của các quốc gia; (ii) Tiếp tục đề cao vai trò trung tâm của ASEAN và các hoạt động hợp tác thực chất trong các Nhóm chuyên gia của ADMM+; (iii) Kiên trì giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ luật pháp, cam kết quốc tế, khu vực; không đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, mong muốn thúc đẩy đối thoại cởi mở, thực chất trong ADMM+; (iv) Tăng cường và thường xuyên chia sẻ nhận thức, kinh nghiệm ứng phó với các thách thức an ninh một cách chân thành, thực chất; phát huy vai trò tích cực của các cơ chế hợp tác, trong đó có cơ chế ADMM+; (v) Nâng cao vai trò của các nước lớn trong hợp tác giải quyết các thách thức an ninh phức tạp hiện nay.
Tại Hội nghị, các Trưởng đoàn cũng đã thảo luận và thống nhất nhiều nội dung quan trọng trong công tác chuẩn bị cho Hội nghị ADMM+ dự kiến diễn ra vào tháng 11/2024.