Bộ đội Công binh: Lực lượng chiến đấu trong thời bình
VOV.VN-Tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi”, Bộ đội Công Binh ngày nay tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.
Nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Binh chủng Công binh (25/3/1946 – 25/3/2017), phóng viên VOV phỏng vấn Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn, Tư lệnh Binh chủng Công Binh.
Thực hiện nhiều nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”
PV: Là binh chủng kỹ thuật, bảo đảm chiến đấu, đồng thời thực hiện nhiều nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, 71 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Bộ đội Công binh đã có những bước tiến vượt bậc như thế nào, thưa ông?
Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn, Tư lệnh Binh chủng Công Binh.
Lực lượng công binh được xây dựng, tổ chức phù hợp trong cả 3 thứ quân, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ ở cả 3 cấp: chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Hiện nay, Binh chủng có sự phát triển về tổ chức, lực lượng và biên chế: thành lập Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), Đội Công binh cứu sập ASEAN và phòng chống khủng bố; Đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Lực lượng Công binh là lực lượng đầu ngành toàn quân về xây dựng, nâng cấp, bảo quản, quản lý hệ thống công trình quốc phòng trên khắp mọi miền của Tổ quốc, nhất là các công trình nơi biên giới, hải đảo, trong các khu vực phòng thủ… phải khắc phục vô vàn khó khăn, gian khổ và giữ bí mật tuyệt đối.
Công binh cũng là lực lượng chủ công trong khảo sát, thiết kế và thi công đường tuần tra biên giới; Thiết kế, thi công, sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình nhà giàn DKI trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc; rà phá, xử lí bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Bên cạnh đó, công binh còn là lực lượng nòng cốt trong phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, khắc phục sập đổ công trình, sự cố giao thông... (tháng 12/2014 Bộ đội Công binh đã giải cứu thành công 12 công nhân bị mắc kẹt trong sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng, để lại trong lòng nhân dân sự tin yêu, mến phục).
PV: Thưa ông, là một trong những đơn vị được giao xây dựng những tuyến đường tuần tra biên giới (TTBG) huyết mạch giao thông của Tổ quốc, lực lượng công binh nói chung và Binh chủng Công binh nói riêng đã thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này như thế nào?
Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn: Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Công binh đã triển khai những giải pháp: Quán triệt toàn lực lượng nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò của tuyến đường, từ đó đôn đốc và thường xuyên kiểm tra các đơn vị công binh toàn quân cũng như các cơ quan đơn vị công binh thuộc quyền cụ thể hoá nhiệm vụ xây dựng đường tuần tra biên giới.
Binh chủng thường xuyên xây dựng đội ngũ cán bộ công binh có phẩm chất đạo đức cách mạng, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao tham gia các nhiệm vụ xây dựng đường TTBG;
Tham gia cùng các cơ quan chức năng khác của Bộ, lập đề án quy hoạch đường TTBG đảm bảo sát với thực tế, mang tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật của tuyến đường, đặc biệt đảm bảo được yêu cầu về an ninh biên giới cũng như đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại vùng biên theo hướng ưu tiên trình Thủ trưởng Bộ phê duyệt.
Bộ đội Công binh vận chuyển đá làm đường tuần tra biên giới (Ảnh: Phòng tuyên huấn Binh chủng Công Binh cung cấp). |
Viết tiếp truyền thống “mở đường thắng lợi”
PV: Với truyền thống “mở đường thắng lợi”, những bài học kinh nghiệm của thế hệ cha anh đi trước đã được Binh chủng Công binh ngày nay vận dụng ra sao để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thưa ông?
Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn: Với 4 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho Bộ đội Công binh “Mở đường thắng lợi”, Bộ đội Công binh mang đầy đủ bản chất, truyền thống của Quân đội ta, đồng thời có những nét đặc trưng riêng của một binh chủng kỹ thuật, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu và chiến đấu, từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ hết sức đặc thù, đó là: “Đi trước, về sau trong mỗi trận đánh, mối chiến dịch; Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm; Sống để dạ, chết mang theo (một yêu cầu bảo mật, giữ bí mật tuyệt đối khi thiết kế, thi công, bảo quản các công trình và nhiệm vụ quan trọng).
Kết hợp nhiều nội dung, biện pháp để phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng Binh chủng và từng đơn vị công binh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị; thường xuyên bồi dưỡng đạo đức cách mạng, giáo dục bản chất, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quân đội và binh chủng. Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng làm thất bại mọi âm mưu, hành động “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, “phi chính trị hoá Quân đội” của các thế lực thù địch.
Quán triệt nắm vững chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Công binh, nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Phát huy vai trò của các tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng và các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn đóng quân và làm nhiệm vụ trong bồi dưỡng và phát huy bản chất, truyền thống “Mở đường thắng lợi” của Bộ đội Công binh trong thời kỳ mới.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Lính Công binh không có thời bình