Điểm sáng trong hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ
VOV.VN -Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, hợp tác quốc phòng là một trong những yếu tố tích cực trong quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, đặc biệt là tìm kiếm quân nhân bị mất tích, rà phá bom mìn và tẩy độc dioxin. Đây cũng là một trong những trọng tâm của chuyến thăm Hoa Kỳ của đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng do Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu tham dự đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ tại thủ đô Washington vừa qua.
Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh về những nét chính của chuyến đi.
Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ phỏng vấn Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh |
PV: Xin Thứ trưởng cho biết những nội dung chính của đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ 2017?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam- Hoa Kỳ lần này được tổ chức ở thủ đô Washington, theo cơ chế luân phiên hàng năm, năm 2016 được tổ chức ở Hà Nội.
Cuộc đối thoại chính sách quốc phòng lần này tiếp nối ngay sau chuyến thăm Hoa Kỳ rất thành công của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, chủ yếu để cụ thể hóa những nội dung mà hai Bộ trưởng đã thống nhất trong chuyến thăm cấp cao của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch.
Tuy nhiên, do diễn ra trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân dịp dự APEC tại Đà Nẵng, nên tại cuộc đối thoại chính sách quốc phòng lần này, hai bên cũng bàn bạc một số nội dung để làm sao chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump có một cái nhìn đầy đủ về các lĩnh vực hợp tác với Việt Nam, trong đó có cả quốc phòng.
PV: Trong lần đối thoại này, hai bên có đề ra khoảng thời gian nhất định nào để tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Theo thống nhất giữa hai Bộ trưởng trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, hai nước sẽ xây dựng các kế hoạch hợp tác về quốc phòng trong 3 năm từ 2018 tới 2021.
Lần này chúng tôi sang để cùng với đối tác Mỹ trao đổi, bàn bạc và đi đến thống nhất những nội dung cơ bản của kế hoạch 3 năm đó, còn cụ thể như thế nào, ở mức độ nào, thời gian nào thì do các cơ quan của hai bên tương ứng trao đổi bàn bạc để đi đến thực hiện.
PV: Thứ trưởng có thể cho biết những nét chính của kế hoạch 3 năm?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Kế hoạch 3 năm nằm trong khuôn khổ của Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng 2011 và Tầm nhìn quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2015, có nghĩa là những lĩnh vực mà chúng ta đang hợp tác với Hoa Kỳ thì vẫn tiếp tục thực hiện theo những văn bản đó. Nhưng những nội dung cụ thể hóa trong từng năm sắp tới đây với mục tiêu làm sâu sắc hơn, có hiệu quả thực chất hơn trong những lĩnh vực hợp tác.
Ví dụ như hợp tác về đào tạo, nâng cao năng lực với một số ngành, hợp tác về gìn giữ hòa bình là một điểm sáng trong hợp tác quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ, rồi hợp tác quân y, hợp tác về an ninh biển và một số lĩnh vực khác. Những nội dung này chúng tôi bàn bạc với đối tác Mỹ để trong thời gian tới chúng ta sẽ lần lượt xây dựng những kế hoạch cụ thể trong từng nội dung để đi vào hợp tác thực chất.
PV: Một trọng tâm nữa của chuyến đi lần này là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Hai bên đã đạt được thống nhất trên những lĩnh vực nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Đây là nội dung trọng tâm mà đoàn không chỉ làm việc với Bộ Quốc phòng mà còn với rất nhiều cơ quan khác để làm sao công tác khắc phục hậu quả chiến tranh đạt được hiệu quả mạnh mẽ hơn, khẩn trương hơn và thực chất hơn.
Các quan chức Hoa Kỳ hoàn toàn thống nhất với Việt Nam rằng đây là một nội dung hợp tác đã có những kết quả rất tích cực, đem lại lợi ích cho cả hai phía. Không chỉ là vấn đề khắc phục hậu quả của quá khứ mà nó còn tạo nền tảng lòng tin cho tương lai hợp tác giữa hai bên.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng khẳng định sẽ tích cực hỗ trợ chúng ta trong khắc phục hậu quả bom mìn, hậu quả dioxin, tìm kiếm các liệt sỹ Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng đánh giá cao sự hợp tác của chúng ta với Hoa Kỳ về tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Có thể nói đây là một lĩnh vực hợp tác mà chúng ta rất tự hào. Chúng ta làm vì lòng nhân đạo, vì trách nhiệm của người chiến thắng và cũng vì xây dựng lòng tin để tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hợp tác với chúng ta tích cực nhất trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, khắc phục hậu quả chiến tranh lại không phải là một chức năng của Bộ Quốc phòng, vì vậy trong dịp này chúng tôi cũng gặp rất nhiều các cơ quan khác, như cuộc gặp với Giám đốc cấp cao châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ, cũng là cố vấn của Tổng thống về khu vực châu Á-Thái Bình Dương; trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, cơ quan phát triển USAID của Hoa Kỳ, cơ quan bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ.
Đặc biệt, tôi gặp các nghị sỹ thường ủng hộ chúng ta về khắc phục hậu quả chiến tranh như ông Patrick Leahy hay ông John McCain, mặc dù ông đang ốm nhưng ông đã gặp tôi để bàn về khắc phục hậu quả chiến tranh. Tôi gặp cả nhóm cố vấn của các thượng nghị sỹ của hai viện. Tất cả những cuộc gặp ấy đều tập trung vào một nội dung là khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.
Như các bạn biết dioxin là một vấn nạn khủng khiếp đối với nhân dân ta và càng đi sâu khắc phục hậu quả càng thấy hậu quả nó mang lại rất lớn và lâu dài. Đây là một trọng tâm hợp tác của chúng ta với Hoa Kỳ về khắc phục hậu quả chiến tranh.
Một điểm sáng rất đáng mừng mà tôi muốn thông báo là dự án tẩy độc dioxin ở Đà Nẵng do Hoa Kỳ tài trợ gần 100 triệu USD bắt đầu từ năm 2014 tới nay đã chính thức thành công, có thể kết thúc được. Lần này tôi sang bàn với phía Hoa Kỳ để dự kiến báo cáo hai Chính phủ tổ chức lễ công bố hoàn thành dự án này vào dịp tháng 11 khi Tổng thống Donald Trump sang Đà Nẵng dự hội nghị APEC và thăm chính thức Việt Nam.
Hiện nay chúng ta còn 1 dự án tẩy độc ở sân bay Biên Hòa, nếu nói sân bay Đà Nẵng lớn thì sân bay Biên Hòa lớn hơn rất nhiều lần. Cách đây 2 năm, Tổng thống Obama đã tuyên bố sẽ hỗ trợ Việt Nam tẩy độc ở sân bay Biên Hòa. Cơ quan phát triển Mỹ và Đại sứ Mỹ cũng đã chính thức gửi văn bản cho chúng tôi về dự án này với kinh phí từ 300 triệu tới 500 triệu USD, chưa kể các phát sinh sau này.
Cách đây 2 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án tiền triển khai trị giá 14 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc tẩy độc dioxin ở Biên Hòa. Lần này chúng tôi sang để thúc đẩy phía Hoa Kỳ sớm khẳng định việc chính thức tài trợ cho Việt Nam và sớm khởi công dự án tẩy độc dioxin Biên Hòa vào thời gian sớm nhất có thể để chúng ta có đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể, Cơ quan phát triển Hoa Kỳ cần ký bản ghi nhớ với Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam và cam kết tài trợ để chúng ta thực hiện dự án này. Tất cả các cơ quan tôi gặp đều bày tỏ sự đồng tình và khẳng định cam kết của Tổng thống Obama vẫn còn giá trị và họ sẽ thực hiện cam kết này.
Chúng tôi rất mong lần này, khi Tổng thống Donald Trump sang Việt Nam sẽ mang theo một tín hiệu tích cực cho dự án dioxin Biên Hòa nói riêng cũng như công tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam nói chung.
PV: Tháng 11 tới, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ sang Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh APEC và thăm chính thức Việt Nam. Nội dung hợp tác quốc phòng giữa hai nước sẽ được đề cập như thế nào trong chuyến thăm này, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Hợp tác quốc phòng chỉ là một nội dung trong các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đầu tiên là hợp tác về kinh tế, thứ hai là văn hóa xã hội, hợp tác về đối ngoại, rồi mới đến hợp tác quốc phòng. Tuy nhiên, tôi tin rằng hợp tác quốc phòng là một trong những yếu tố tích cực trong quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Liên quan trực tiếp tới chuyến thăm của Tổng thống Trump, tôi hy vọng chúng ta sẽ tổ chức được buổi lễ công bố hoàn thành dự án dioxin ở Đà Nẵng với sự có mặt của quan chức cao cấp của hai nước và tôi cũng rất mong là ông Trump sẽ tới để nhìn thấy thành quả hợp tác của hai nước. Tôi cho rằng đây sẽ là một hành động rất có ý nghĩa để chúng ta tiếp tục hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh trong những năm tới đây.
PV: Xin cảm ơn ông./.