“Lính cụ Hồ ” nơi biên ải: Nghĩ cho dân, làm cùng dân
VOV.VN - Với, phương châm “3 bám, 4 cùng”, bước chân của các anh đã in dấu trên mọi nẻo đường rừng, từng bản làng, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân.
Sơn La là tỉnh miền núi vùng cao Tây Bắc có đường biên giới với nước bạn Lào dài 250 km, với địa hình rộng, giao thông chia cắt, có đông đồng bào dân tộc, đời sống của bà con ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều.
Thượng úy Kiêm và chiếc giá kéo xuồng |
Lợi dụng đặc điểm này, các thế lực thù địch luôn tìm cách đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thông qua việc truyền đạo trái phép, di cư tự do, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc... Bên cạnh đó, tội phạm ma túy, mua bán người, vẫn là vấn đề nóng trên địa bàn.
Thực tế đó đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh Sơn La cùng với các lực lượng khác ngày đêm bám nắm địa bàn, “3 bám, 4 cùng” với nhân dân, xây dựng vững chắc thế trận lòng dân.
Xuất phát từ thực tiễn công tác cứu hộ, cứu nạn mùa mưa lũ hằng năm tại địa bàn, thượng úy chuyên nghiệp Lò Văn Kiêm, nhân viên hậu cần-kỹ thuật thuộc Ban CHQS huyện Sông Mã thực sự trăn trở khi 2 chiếc xuồng cứu hộ của đơn vị cồng kềnh, khó vận chuyển. Khi có tình huống nguy cấp, đơn vị phải huy động ít nhất 10 người khuân vác, đưa xuồng ra sông suối cứu người rất tốn nhân lực, thời gian. Mày mò, suy nghĩ, năm 2017 thượng úy Kiêm đã chế tạo chiếc giá kéo xuồng, với các vật liệu được tận dụng gồm: 2 bánh xe loại vừa, 1 bánh xe loại bé, các thanh sắt, dây cáp, móc sắt… Có chiếc giá kéo xuồng, khi xảy ra tình huống cứu người, cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị chỉ cần móc giá xuồng, cùng các dụng cụ cứu hộ vào xe quân sự, di chuyển rất cơ động mà không mất nhiều nhân lực.
“Trong các lần đi thực tế, về nhà tôi rất trăn trở, sau đó đã nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc giá kéo xuồng này. Khi có tình huống xảy ra, chúng tôi chỉ cần móc giá kéo xuồng này vào móc kéo xe chỉ huy cơ động đến nơi cần ứng cứu. Đồng thời trên chiếc xuồng còn tận dụng chở được phao cứu hộ cứu nạn, dây bảo hộ, áo phao, các đồ vật dụng, thậm chí cả người trong các tình huống”, thượng úy Lò Văn Kiêm giới thiệu.
Mùa lũ năm ngoái, nhờ có chiếc giá kéo xuồng này, ngay khi nhận tin báo từ cơ sở, đơn vị đã nhanh chóng đưa được xuồng cứu hộ đến cứu nạn thành công 1 cháu bé ở xã Chiềng Khoong và 1 gia đình ở xã Chiềng Cang ra khỏi dòng nước lũ cuồn cuộn đổ về.
Bà Lò Thị Thiên, một người dân ở xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã nhớ lại: “Lúc đó, lũ ở đâu cuồn cuộn đổ về to lắm. Nếu như không có xuồng của bộ đội đến cứu thì người dân bị lũ cuốn đi mất rồi. Dân chúng tôi rất cảm ơn các anh bộ đội”.
Quân dân cùng nhau làm đường giao thông nông thôn |
Chứng kiến nỗi cực nhọc của bà con ở bản trong việc đi lại, trao đổi mua bán hàng hóa, nhất là các em học sinh phải tới trường hàng ngày trên con đường đất lầy lội nhất là vào mùa mưa, thiếu tá Hoàng Văn Nghĩa, Phó tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Sông Mã đã vận động gia đình mình hiến tặng 500m2 đất để làm đường giao thông nông thôn tại bản Pá Công, một bản đặc biệt khó khăn của xã Huổi Một. Theo gương gia đình thiếu tá Nghĩa, 5 hộ khác cùng bản cũng đã tự nguyện hiến đất để làm hơn 250m đường vào bản.
“Hàng ngày các cháu học sinh đi qua đường dốc, trơn trượt, ngã xoành xoạch. Tôi chỉ mong muốn có một con đường nên động viên bà con. Sau khi có con đường nông thôn mới, học sinh của 3, 4 bản đi lại rất thuận tiện; buôn bán, giao thương, phát triển kinh tế tốt hơn trước”, thiếu tá Nghĩa bày tỏ.
Cùng với thượng úy Lò Văn Kiêm và thiếu tá Hoàng Văn Nghĩa, mỗi cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh Sơn La đều có những cách làm cụ thể, thiết thực giúp nhân dân các địa bàn. Với, phương châm “3 bám, 4 cùng”: Bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; 4 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào, bước chân của các anh đã in dấu trên mọi nẻo đường rừng, từng bản làng. Đến vùng đồng bào nào, cán bộ được cử đến đều có thể nói, hiểu được tiếng, văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc đó. Các nội dung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được truyền tải ngắn gọn, dễ hiểu. Miệng nói, tay làm, các anh vừa trực tiếp lao động sản xuất giúp bà con, hướng dẫn thực hiện các mô hình trồng trọt chăn nuôi. Trong quá trình thực hiện giúp dân, các cán bộ, chiến sỹ đều khảo sát, ưu tiên những nội dung nhân dân đang thiếu, đang cần nên phát huy hiệu quả thiết thực.
Thiếu tá Hà Hồng Quảng, cán bộ dân vận, Ban chỉ huy Quân sự huyện Sốp Cộp cho biết: “Chúng tôi thường xuyên có những đợt ở lại xã, bản đặc biệt khó khăn, ăn ở cùng với dân. Những gì bà con chưa hiểu thì chúng tôi hướng dẫn trực tiếp, cụ thể để bà con nắm chắc hơn, làm tốt hơn”.
Bộ đội giúp dân gặt lúa |
Trong những năm qua, cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ CHQS tỉnh đã tham gia hàng trăm nghìn ngày công, đóng góp hàng trăm triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, giúp dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, dạy văn hóa, xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới…Chỉ tính riêng trong năm 2019, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng đã tổ chức trên 87.000 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia làm công tác dân vận ở cơ sở, góp sức củng cố trên 55 tổ chức chính trị, trên 20 cơ sở xã phường có người dân theo đạo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn biên giới, nơi có vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Các anh cũng tham gia trên 1.300 ngày công làm đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi; huy động trên 4.000 ngày công và quyên góp trên 12 triệu đồng giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Ông Tòng Văn Công, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã đánh giá: “Lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ là lực lượng nòng cốt cùng nhân dân thực hiện các mục tiêu chương trình làm đường nông thôn, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Lực lượng vũ trang cũng đã giúp dân giữ vững an ninh trật tự, phòng chống lũ bão, thể hiện tình đoàn kết quân dân”.
“Bộ đội Cụ Hồ” là từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân. Những công việc lặng thầm mà những người lính cụ Hồ Sơn La đã và đang làm cho dân là minh chứng rõ nét nhất./.
Những việc làm cụ thể, thiết thực vì nhân dân của những người lính cụ Hồ Sơn La với phương châm “3 bám, 4 cùng” đã được người dân ghi nhận bằng hành động cụ thể thông qua bài 2 của loạt bài này với nhan đề: “Dân đoàn kết cùng bộ đội xây dựng bản mường”.