Trong diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, phái bộ Gìn giữ Hòa bình của Việt Nam được xem là điểm sáng trong công cuộc phòng chống dịch.

Trung tuần tháng 8 này, 10 sĩ quan QĐND Việt Nam đã vinh dự nhận quyết định của Chủ tịch nước đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên Hợp Quốc tại 3 địa bàn là: Trụ sở Liên Hợp Quốc, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Với nhiệm kỳ 1 năm, có người đi lần đầu, có người nhận nhiệm vụ lần thứ hai song, với họ, được làm nhiệm vụ quốc tế, vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm. Chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, họ đã, đang và sẽ giữ gìn hình ảnh người lính cụ Hồ, không lùi bước trước những thử thách, nguy nan.

Chúng tôi gặp trung tá Nguyễn Duy Quảng – phòng Công tác Địa bàn, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam trong một ngày tháng 8. Anh đã có một nhiệm kỳ công tác tại Trung Phi và sẽ tiếp tục lên đường nhiệm kỳ thứ hai trong tháng 9/2020, với vị trí là sĩ quan điều phối hoạt động quân sự. Vẻ rắn rỏi, nước da nâu sạm của một người lính đã dày dạn kinh nghiệm khiến chúng tôi hơi bất ngờ khi được biết anh mới chỉ 36 tuổi.

Trung tá Nguyễn Duy Quảng cho biết, hiện ở Trung Phi có 14 phe phái vũ trang được chính phủ công nhận. Các phe kiểm soát, thậm chí thu thuế ở những khu vực mà họ chiếm đóng. Giữa các phe vẫn thường xảy ra xung đột, nên Trung Phi được coi là một trong những “mặt trận điểm nóng” được Liên Hợp Quốc chú ý. Sắp tới, Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ triển khai 7 cán bộ, chiến sĩ tới công tác tại đây, thay thế cho 5 chiến sĩ thuộc phái bộ cũ trở về nước. Trung tá Quảng là người duy nhất tiếp tục ở lại làm việc cho nhiệm kỳ sắp tới.

“Ở nhiệm kỳ đầu tiên, tôi được phân công làm việc ở “vùng đỏ”. Tại Trung Phi, lực lượng của Liên Hợp Quốc chia các khu vực ra làm 3 vùng: vùng xanh (an toàn), vùng vàng và vùng đỏ (nguy hiểm). Làm việc ở vùng đỏ thì phải thường xuyên chứng kiến những lực lượng vũ trang của các phe phái. Thậm chí có những lần, người dân đi qua chốt kiểm soát của họ mà không “nộp thuế” thì bị bắn ngay.” - anh chia sẻ.

Để nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế, đầy vinh quang nhưng cũng nguy hiểm này, theo Trung tá Quảng thì người lính Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng về nhiều mặt. Quan trọng nhất là phải tìm hiểu phong tục tập quán của người địa phương, văn hóa của đồng nghiệp để có những cách hành xử khéo léo, vừa hoàn thành được nhiệm vụ vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và đồng đội.

Ngoài việc đối mặt với những hiểm nguy rình rập, một vấn đề khiến Liên Hợp Quốc quan ngại trong thời gian gần đây là tình hình dịch bệnh Covid-19. Tại Cộng hòa Trung Phi, 300 trên tổng số 11.000 nhân viên của Liên Hợp Quốc làm việc tại đây đã dương tính với Covid-19.

“Trình độ về y tế tại Cộng hòa Trung Phi là rất hạn chế. Hiện chỉ có một bệnh viện duy nhất tại thủ đô Bangui đủ sức xét nghiệm và điều trị Covid-19. Đối với các nhân viên Liên Hợp Quốc, chủ yếu phải làm việc theo nhóm từ 10-20 người, mỗi nhóm trong một phòng điều hòa kín. Nên khi một người mắc Covid-19 thì khả năng lây lan là khá cao” – Trung tá Quảng cho biết.

Tại các phái bộ Liên Hợp Quốc, các chiến sĩ Việt Nam được đánh giá rất cao trong việc phòng chống Covid-19. Trên toàn thế giới hiện nay, chưa có một người lính Việt Nam nào tham gia lực lượng Gìn giữ Hòa bình mắc Covid-19. Để làm được điều đó, Trung tá Quảng cho rằng những người lính Việt Nam đã ý thức cao về việc phòng chống dịch bệnh ngay từ trong nước. Đó là những việc như: thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, tuân thủ cự ly giãn cách...

Cơn bão dịch Covid-19 tràn đến, ảnh hưởng mọi ngóc ngách trên toàn thế giới. Trong đó, có “vùng lửa đạn” Trung Phi – nơi 6 cán bộ, chiến sĩ của Cục Gìn giữ Hòa bình – Quân đội nhân dân Việt Nam đang công tác. Tính đến thời điểm này, đã có 300 trên tổng số 11.000 cán bộ của Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi mắc Covid-19. Phải công tác trong một môi trường hiểm họa rình rập bởi dịch bệnh và những xung đột vũ trang phe phái triền miên, nhưng những người lính Việt Nam vẫn thể hiện được phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ, kiên cường và nhân ái.

Ngoài việc tự bảo vệ cho mình, cán bộ chiến sĩ Việt Nam cũng hỗ trợ bạn bè quốc tế, người dân sở tại bằng cách may khẩu trang, tặng các truyền đơn hướng dẫn phòng chống dịch bằng tiếng Anh. Vừa qua, Tổng phái bộ Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi – ông Parfait Onanga Anyanga đã gửi thư khen phái bộ của Việt Nam vì những đóng góp trong công cuộc chống dịch Covid-19.

Để công tác tại một môi trường khắc nghiệt, đối với nam sĩ quan vất vả một thì nữ sĩ quan lại gian nan gấp đôi. Theo Thiếu tá Nguyễn Mỹ Hạnh, Trợ lý phòng địa bàn – Cục Gìn giữ Hòa bình thì trước khi tham gia phái bộ Việt Nam ở Cộng hòa Trung Phi, chị đã dự lớp tập huấn của Liên Hợp Quốc ở Canada trong vòng 2 tháng.

“Tôi khá bất ngờ khi thấy ở đó, họ đòi hỏi các yêu cầu về thể lực giữa nam sĩ quan và nữ sĩ quan là tương đương nhau. Vì thế, khi trở về Việt Nam tôi đã chú ý nhiều hơn đến việc rèn luyện thể lực và sức khỏe, để đáp ứng yêu cầu công việc trong chuyến đi Trung Phi sắp tới. Qua các đồng chí đã đi trước thì tôi biết được ở Trung Phi có nhiều thiếu thốn với chị em như điều kiện vệ sinh, ăn ở và các nhu yếu phẩm. Đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 như hiện nay thì mọi việc sẽ khó khăn hơn”.

Thiếu tá Nguyễn Mỹ Hạnh chia sẻ, trước khi lên đường cũng có nhiều điều lo lắng, nhất là hai con còn nhỏ phải xa mẹ trong thời gian dài. Rất may chồng chị là người chia sẻ, động viên tinh thần cho vợ nhiều nhất. Dù biết sắp tới sẽ phải cáng đáng công việc gia đình thay vợ, nhưng anh vẫn dành những lời động viên và nói: Không phải ai cũng có cơ hội thực hiện nhiệm vụ này.

Gia đình Thiếu tá Hạnh có hai cháu nhỏ, mới 11 tuổi và 5 tuổi. Nói về các con, chị Hạnh bùi ngùi: “Tôi cũng chuẩn bị tinh thần cho các cháu qua đợt công tác Canada vừa qua. Nhắn nhủ với các con là sắp tới mẹ đi công tác dài ngày, cũng như đợt vừa rồi. May mắn là gia đình cũng đã rèn luyện cho các cháu tính tự lập ngay từ bé”.

Sang Cộng hòa Trung Phi, những sĩ quan như Thiếu tá Hạnh sẽ không được Liên Hợp Quốc chu cấp về ăn ở hàng ngày. Do đó, việc tự tìm thuê nhà, thậm chí là mang các giống rau ở Việt Nam sang để tự trồng trọt là điều cần thiết. Theo Thiếu tá Hạnh, cũng có trường hợp nữ sĩ quan Liên Hợp Quốc thuê nhà ở ngoài bị các nhóm phiến quân bắt cóc. Bởi lực lượng an ninh, quân đội của Cộng hòa Trung Phi hiện nay tương đối yếu, không đủ trấn áp phiến quân. “Lãnh đạo Bộ Quốc Phòng chỉ đạo ưu tiên số một là bảo toàn tính mạng cho các sĩ quan. Do đó, ngay cả trong trường hợp bị bắt, hay bị dịch bệnh thì cũng phải luôn đưa ra mục tiêu bảo toàn tính mạng lên hàng đầu”.

Còn đối với Trung tá Lưu Đình Hiến, Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ Trung Phi thì những người lính đã quen với công tác xa gia đình, nhận nhiệm vụ là lên đường.

“Có khác chăng là lần này tôi nhận nhiệm vụ đi công tác đến một địa bàn xa xôi trong thời gian một năm. Gia đình luôn thấu hiểu và luôn là hậu phương, điểm tựa vững chắc cho tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi cũng không quên mang theo những file album ảnh gia đình, sách, tài liệu để xem trong những lúc rảnh rỗi”. – Trung tá Hiến chia sẻ./.


Thứ Bảy, 09:12, 05/09/2020