Vùng 4 Hải quân: Giúp ngư dân bằng tình cảm và trách nhiệm của người lính biển
VOV.VN - Những hoạt động cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ kịp thời đó đã để lại hình ảnh đẹp về người lính Hải quân, tạo niềm tin mạnh mẽ trong ngư dân; giúp bà con yên tâm vươn khơi, bám biển
Không chỉ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những người lính Vùng 4 Hải quân còn là người bạn đồng hành với ngư dân, làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển ở ngư trường Nam Trung Bộ và ngư trường Trường Sa.
Sự hỗ trợ kịp thời của cán bộ, chiến sĩ Hải quân đối với bà con ngư dân giữa biển khơi hay những động viên, tuyên truyền, những món quà đầy ắp nghĩa tình của người lính biển ở các đảo, âu tàu, làng chài trên quần đảo Trường Sa là động lực để bà con yên tâm khai thác, giữ vững vùng biển, đảo của đất nước.
Hiện đang cao điểm mùa mưa bão với nhiều diễn biến bất thường của thiên tai, Vùng 4 Hải quân tiếp tục có nhiều phương án nhằm hỗ trợ tốt nhất mọi hoạt động của ngư dân. Đại tá Trần Mạnh Chiến, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân chia sẻ với phóng viên VOV.
PV: Thưa Đại tá Trần Mạnh Chiến, đồng hành với những chính sách của Đảng và Nhà nước, Vùng 4 Hải quân đã có những hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản thông qua những hoạt động gì?
Đại tá Trần Mạnh Chiến: Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Quân chủng Hải quân trong đó có Vùng 4 Hải quân với tất cả tình cảm và trách nhiệm, luôn sát cánh đồng hành và hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, khẳng định chủ quyền Tổ quốc. Bằng nhiều hình thức, cách làm với nhiều chương trình và nội dung hoạt động hỗ trợ ngư dân rất thiết thực, hiệu quả, điển hình là “Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”.
Vùng 4 Hải quân đã phối hợp với các lực lượng liên quan, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành tốt các quy định về khai thác thủy hải sản, khai thác gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và không vi phạm các vùng biển của nước bạn để đánh bắt trái phép.
Hệ thống các âu tàu, các làng chài của huyện Trường Sa là nơi thường xuyên bảo đảm nhiên liệu, nước ngọt, thu mua hải sản, giúp ngư dân. Hệ thống y tế quân - dân y trên các đảo luôn hỗ trợ, giúp đỡ về y tế, chăm sóc sức khỏe và cấp cứu ngư dân khi gặp nạn; đồng thời chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có ngư dân gặp nạn trên biển.
Chính điều đó đã tạo niềm tin vững chắc cho ngư dân; đồng thời tô thắm phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, người Chiến sĩ Hải quân trong lòng nhân dân.
PV: Trong những hoạt động mà ông vừa cho biết thì “Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” được triển khai trong hơn 2 năm qua có ý nghĩa rất lớn đối với bà con ngư dân. Thực hiện chương trình này, Vùng 4 Hải quân đã tập trung vào những nội dung gì để phù hợp với tình hình thực tiễn?
Đại tá Trần Mạnh Chiến: Nhiều năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân, Vùng 4 Hải quân đã phối hợp với các tỉnh Nam Trung bộ như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đẩy mạnh thực hiện “Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Chúng tôi tập trung vào 3 yêu cầu và 4 mục tiêu.
Ba yêu cầu đó là: Thứ nhất, xác định nhiệm vụ giúp dân, bảo vệ dân là nhiệm vụ chiến đấu, là mệnh lệnh từ trái tim; Thứ hai, tập trung khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo là trọng yếu; Thứ ba, sát thực tiễn, sát ngư trường và đồng hành cùng ngư dân.
Bốn mục tiêu đó là: Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về biển đảo, luật biển quốc tế và các quy tắc, quy định trên biển. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo và sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Thứ hai là hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, nhất là thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu ngư dân gặp nạn trên biển xa.
Thứ ba là bảo vệ ngư dân, trong bất luận hoàn cảnh nào cũng luôn cùng các lực lượng chức năng khác trên biển bảo vệ an toàn cho ngư dân làm ăn trên các vùng biển, đảo chủ quyền của Tổ quốc và thứ tư là luôn phát huy vai trò của ngư dân, xây dựng thế trận lòng dân trên biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
PV: Gần 4 năm qua, Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh cáo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của nước ta do ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép. Vùng 4 Hải quân đã tuyên truyền phổ biến những kiến thức về biển đảo và những quy định về pháp luật biển với hình thức ra sao để giúp ngư dân dễ hiểu, dễ nhớ từ đó vươn khơi an toàn?
Đại tá Trần Mạnh Chiến: Chúng tôi nhận thấy, đa số bà con ngư dân nắm và hiểu biết chưa sâu về luật pháp, các quy định về khai thác thủy hải sản nên dễ vi phạm các quy định, quy tắc trên biển. Thời gian qua, nhiều tàu cá vì lợi ích trước mắt mà vi phạm vùng biển của nước ngoài và đánh bắt tận diệt nguồn lợi dẫn đến Ủy ban châu Âu EC cảnh cáo thẻ vàng đối với thủy sản của nước ta. Việc này không những tác động rất lớn đến ngành thủy sản, mặt khác còn ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, thu nhập của bà con ngư dân.
Do đó, thời gian qua chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến những kiến thức về biển đảo và những quy định về pháp luật biển để nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật cho ngư dân làm ăn trên biển. Trong đó tập trung vào tuyên truyền miệng tại bến, nơi ghe tàu của ngư dân neo đậu tập trung của các địa phương ven biển; tại âu tàu, làng chài trên biển; cử báo cáo viên xuống tận bến, đến tận tàu thuyền khi ngư dân cập cảng để phát tờ rơi, ấn phẩm tuyên truyền.
Khi thực hiện nhiệm vụ trên biển, các bộ chiến sĩ các tàu của Vùng sử dụng hệ thống loa tuyên truyền đặc biệt, phát tài liệu tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành tốt các quy định trong khai thác hải sản, không vi phạm các vùng biển của nước bạn; sử dụng các phương tiện đánh bắt hải sản bền vững, thân thiện với môi trường.
Qua các hình thức tuyên truyền, linh hoạt chuyển tải nội dung kiến thức về biển đảo và chủ quyền biển đảo của Việt Nam; pháp luật Nhà nước, luật pháp quốc tế về biển, Chỉ thị số 45 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đồng thời bồi dưỡng kỹ năng cấp cứu trên biển, kỹ năng đi biển và xử lý các tình huống bất trắc trên biển… xây dựng niềm tin để ngư dân yên tâm bám biển dài ngày; gửi gắm tình cảm của cán bộ chiến sĩ Hải quân mong bà con vươn khơi an toàn, đoàn kết quân dân chặt chẽ để giữ vững chủ quyền biển đảo.
PV: Bên cạnh tuyên truyền pháp luật biển, thời gian qua, những tàu đánh bắt ở ngư trường Trường Sa đã được sự trợ giúp rất lớn từ lực lượng trên các đảo, âu tàu, làng chài. Cụ thể hoạt động của các âu tàu, làng chài ở Trường Sa đã hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển như thế nào?
Đại tá Trần Mạnh Chiến: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng, tại các xã, thị trấn đảo của huyện đảo Trường Sa có các âu tàu và làng chài tạo chỗ dựa cho hàng nghìn tàu cá vào neo đậu, tránh trú trong mùa mưa bão. Đây được xem là “những ngôi nhà chung trên biển của ngư dân”.
Khi vào các âu tàu, làng chài ở Trường Sa, ngư dân có chỗ neo đậu, tránh trú thời tiết nguy hiểm; được khám, chữa bệnh miễn phí; được sửa chữa, thay thế hỏng hóc thông thường và cung cấp nước ngọt miễn phí, cung ứng dịch vụ thu mua hải sản; và được mua nhiên liệu với giá như trên đất liền.
Nhiều ngư dân cho biết, mỗi chuyến đánh bắt tại Trường Sa thường kéo dài khoảng hai tháng nên kể từ khi có làng chài, âu tàu và dịch vụ hậu cần nghề cá trên một số đảo, bà con cảm thấy rất an tâm. Những dịch vụ thiết yếu phục vụ cho đánh bắt cá đã giúp ngư dân tiết kiệm được rất nhiều cả về nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước ngọt. Nếu như trước đây, những thứ này đều phải quay về bờ để lấy, nay trên đảo đã có sẵn. Giá dịch vụ trên đảo cũng bằng với giá ở đất liên nên thuận tiện và tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho mỗi chuyến đánh bắt của bà con.
Ngoài ra cán bộ chiến sĩ trên đảo và âu tàu, làng chài còn cung cấp, hỗ trợ thông tin về tình hình trên biển, diễn biến thời tiết, thủy văn cho bà con; thông tin và hướng dẫn bà con chấp hành pháp luật trên biển, nhất là Chỉ thị 45 năm 2017 của TTCP. Từ năm 2018 đến nay, các âu tàu trên quần đảo Trường Sa đã hướng dẫn cho hơn 1.281 lượt tàu cá vào âu tàu, làng chài tránh trú bão với hơn 16.646 lượt ngư dân. Cứu nạn và đưa vào bờ 310 ngư dân an toàn.
Quân y ở Trường Sa nhiều năm qua cũng là chỗ dựa cho bà con ngư dân khai thác thủy hải sản quanh khu vực. Các bệnh xá các đảo được trang bị nhiều thiết bị, máy móc y tế hiện đại như máy siêu âm, điện tim… có khả năng thực hiện các cấp cứu thông thường cho bộ đội và ngư dân khi làm ăn trên biển. Đặc biệt, một số đảo đã được đầu tư hệ thống y khoa trực tuyến Telemedicine, kết nối truyền hình ảnh, dữ liệu về các bệnh viện lớn trong đất liền để hội chẩn, điều trị. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Vùng đã chỉ đạo các tổ chức cứu giúp, hỗ trợ ngư dân 23 vụ, cấp cứu, điều trị 49 bệnh nhân trên đảo khi mắc viêm ruột thừa, chấn thương phần mềm, ngộ độc, sơ cấp cứu ban đầu các trường hợp bị nặng…đảm bảo an toàn, không có biến chứng.
Khi ngư dân khai thác ở trên biển, trên ngư trường Trường Sa, gặp khó khăn cần có hỗ trợ, bà con liên lạc với đường dây nóng của Vùng 4 Hải quân. Khu vực biển Vùng 4 quản lý có 4 đài canh, trực 24/24 giờ. Đó là: Đài canh kênh 16 VHF trên các xã, thị trấn đảo của huyện Trường Sa có tên là: Đồng Đăng 52, Đồng Đăng 53, Đồng Đăng 54. Đài canh tần số HF 13.098 KHz. tại Sở Chỉ huy Vùng 4 có tên là Khánh Hòa.
Sự hỗ trợ của các âu tàu, làng chài ở Trường Sa thời gian qua đã giúp cho bà con ngư dân yên tâm, có chỗ dựa vững chắc vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
PV: Hiện đang là cao điểm mùa mưa bão với diễn biến thời tiết bất thường, tàu thuyền ngư dân rất dễ gặp nạn trong điều kiện thời tiết xấu. Để đáp ứng được yêu cầu tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn cho ngư dân bám biển, vươn khơi, đặc biệt ở ngư trường Trường Sa, Vùng 4 Hải quân có giải pháp như thế nào thưa Đại tá?
Đại tá Trần Mạnh Chiến: Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân xác định nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ tính mạng tài sản nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh từ trái tim, bất luận tình hình nào, khi có lệnh, lực lượng và phương tiện của Vùng phải luôn có mặt kịp thời để hỗ trợ, cứu giúp ngư dân gặp nạn.
Xác định quyết tâm đó, để bảo đảm con người sẵn sàng; phương án sẵn sàng; phương tiện sẵn sàng; có lệnh là lên đường thực hiện nhiệm vụ được ngay, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể:
Thứ nhất, về con người: Cán bộ, chiến sĩ được bồi dưỡng, giáo dục có bản lĩnh, ý chí, xác định tốt nhiệm vụ; được trang bị kiến thức, huấn luyện thành thạo các kỹ năng xử lý tình huống cứu hộ, cứu nạn an toàn.
Thứ hai, về phương án: Xây dựng kế hoạch tìm kiếm cứu nạn sát với thực lực và khả năng của đơn vị, theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Đồng thời phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng chức năng, nhanh chóng xác định thông tin tàu thuyền bị nạn để triển khai lực lượng tìm kiếm, cấp cứu.
Thứ ba, về phương tiện: Tổ chức hệ thống phương tiện trực nghiêm túc; các tàu trực cứu hộ cứu nạn luôn bảo đảm đủ cơ số vật chất, kỹ thuật hậu cần, sẵn sàng cơ động rời bến tìm kiếm cứu nạn được ngay khi có mệnh lệnh.
Thực tiễn những năm qua, nhờ có sự chủ động, tích cực chuẩn bị cho công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân đã nhiều lần hoàn thành tốt nhiệm vụ, để lại nhiều tình cảm, ấn tượng tốt đẹp.
Điển hình, là ngày 31/10/2017, trong khi đánh cá, gặp cơn bão số 12. Tàu cá QNa 91739 trên đường vào đảo Song Tử Tây tránh bão, đã bị lật chìm. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã không quản ngại hy sinh, dầm mình trong cơn sóng dữ, cứu được 34 ngư dân đưa vào đảo an toàn. Ngày 27/2/2020, Vùng 4 Hải quân đã cứu nạn thành công 33 ngư dân tàu cá QNa 94899 do ông Phạm Bảo Ngoan làm thuyền trưởng bị lật chìm tại vùng biển Trường Sa và đã đưa ngư dân về đất liền an toàn.
Ngư dân Phạm Bảo Ngoan đã xúc động: Đây là lần sinh thứ 2 của anh em chúng tôi, các anh đã không sợ hy sinh để cứu chúng tôi, các anh thật đúng là Bộ đội của Bác Hồ. Tháng 10/2020, nhóm 3 tàu cá của Bình Định với 38 ngư dân trên đường di chuyển tránh bão số 9 đã gặp nạn, tàu chìm, nhiều ngư dân mất tích. Đội tàu của Vùng 4 Hải quân đã không quản ngại sóng gió có mặt ở Vùng biển nhóm tàu gặp nạn tìm kiếm tàu và ngư dân…
Những hoạt động cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ kịp thời đó đã để lại hình ảnh đẹp về người lính Hải quân, tạo niềm tin mạnh mẽ trong ngư dân; giúp bà con yên tâm vươn khơi, bám biển, cùng các lực lượng khẳng định và bảo vệ ngư trường truyền thống, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại tá./.