Vững vàng một dải biên cương Tây Bắc

VOV.VN - Với tinh thần "3 bám, 4 cùng", các chiến sĩ thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 - Quân khu II đang ngày đêm hỗ trợ cho người dân vùng biên giới.

“3 bám, 4 cùng” (3 bám là Bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; 4 cùng là Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào)  để cùng bà con chuyển đổi nếp nghĩ, cách làm là phương châm công tác dân vận của Đảng được cán bộ, đảng viên, chiến sỹ thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326-Quân khu II thực hiện tại cơ sở. Theo đó, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực đã được các anh triển khai giúp nhân dân không còn nghe theo kẻ xấu, yên tâm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự, giữ yên cột mốc biên giới.

Anh Bộ đội về bản cùng dân chuyển đổi nếp nghĩ cách làm.

Bản Pá Khoang, xã Mường Lèo giờ đây đã có những thay đổi diện mạo đáng kể. Là bản biên giới cách xa trung tâm huyện tới 90 km, nhưng con đường vào bản đã dễ đi hơn nhiều, ô tô, xe máy có thể đến tận nơi vào mùa khô. Trong những nếp nhà 3 gian thưng gỗ truyền thống thấp thoáng bên màu xanh của cây rừng được chính tay bà con trồng chăm sóc, niềm vui hiện rõ trên từng gương mặt của người dân. Họ, 46 hộ đồng bào Mông ở đây đang dần ổn định cuộc sống, vươn lên.

Đoàn 326 triển khai Mô hình trồng sắn cao sản.

Thế nhưng, khi nhắc tới chuyện cũ, đôi mắt của trưởng bản Pá Khoang Sùng A Dua không giấu được nỗi buồn. Nhiều năm nghèo đói cứ bám riết lấy người dân, nên nhiều hộ đã bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo tuyên truyền làm điều xấu. Cả bản không lúc nào yên. Cái nghèo khiến nhiều người nghe theo bọn xấu vượt biên hòng đổi đời.

Câu chuyện của năm 2015-2016 được trưởng bản Sùng A Dua nhắc đi nhắc lại, như thể nhắc mình sẽ tìm lại được những người đã không trở về: “Nghe theo lời lừa phỉnh của kẻ xấu, 7 hộ trong bản đã vượt biên trái phép sang nước ngoài làm ăn, thế nhưng đời chưa kịp đổi thì đã phải đối mặt với việc bị đánh đập, bóc lột sức lao động và có những người đến nay vẫn bặt vô âm tín”.

Vì thế mà Sồng A Hụ, một trong những hộ đã từng di cư tự do những năm trước, giờ đã thấm thía rằng: Không chịu khó lao động thì sẽ không bao giờ có cuộc sống ấm no. “Di cư tự do làm cuộc sống của mình vô cùng vất vả, nó ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình mình. Anh em, bà con mình không nên di cư tự do đâu, khổ lắm” - Sồng A Hụ nói lời gan ruột.

Điều gì đã làm người Mông ở đây thay đổi, giọng của trưởng bản Sùng A Dua sôi nổi hẳn lên khi kể với chúng tôi về cán bộ chiến sỹ đoàn Kinh tế quốc phòng 326, quân khu 2. Không hiểu hết nguyên tắc 3 bám 4 cùng của các anh là phải như thế nào, nhưng các anh đã làm dân tin, dân nghe và tuyệt đối yên tâm làm ăn, cùng bảo vệ đường biên, mốc giới.  Không chỉ là chăm sóc sức khoẻ, những mô hình phát triển kinh tế do chính các anh thực hiện và chuyển giao, đã mang đến những thay đổi trong cuộc sống. Cái đói, cái nghèo đã không còn bám riết lấy người Mông nơi đây, đã là câu chuyện của ngày trước.

Đoàn KT-QP 326 trao tặng lợn giống cho hộ nghèo.

Lau những giọt mồ hôi còn lăn dài trên gương mặt rám nắng sau một ngày đến bản hướng dẫn bà con chăm sóc diện tích cây lâm nghiệp đã trồng, Trung tá Lò Hữu Chiến, đội trưởng đội sản xuất và xây dựng chính trị số 3 đóng tại địa bàn xã Nậm Lạnh cho biết: Với phương trâm “3 bám, 4 cùng”, vượt nắng thắng mưa, điều kiện đi lại khó khăn, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sỹ thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 được phân công phụ trách địa bàn thường xuyên có mặt tại bản để nắm tình hình nhân dân.  

Tận dụng lợi thế về điều kiện đồi rừng ở Pá Khoang, các anh đến tận nơi chuyển giao mô hình trồng xoan, sơn tra, hỗ trợ dân trồng 1.000 cây ăn quả, cây lấy gỗ và hỗ trợ bò sinh sản cho các hộ gia đình nuôi luân chuyển để phát triển đàn. “Bò giống Đảng, Nhà nước đã cho mình thì bà con mình phải chăm sóc cho tốt, nuôi cho đảm bảo. Có như thế mới thoát được đói, giảm được nghèo” - Anh Mùa A Tộng, một hộ dân ở bản được nhận bò sinh sản phấn khởi bày tỏ.

Theo thượng tá Nguyễn Hữu Cảnh, phó Chính ủy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326: Trong công tác tuyên truyền vận động, đơn vị lấy lực lượng nòng cốt là các cán bộ, đảng viên, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện các đội sản xuất và xây dựng chính trị đóng quân tại các xã, bản trực tiếp thực hiện. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với địa phương khảo sát, phân loại, đánh giá tình hình và lập kế hoạch giúp đỡ trên từng địa bàn cụ thể. Việc “3 bám, 4 cùng” với dân cũng giúp các anh xác định rõ tiêu chí, cũng như giải pháp cụ thể để giúp nhân dân. “Đoàn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá, thấy yếu khâu nào, mặt nào thì tập trung vào giúp đỡ khâu đó, mặt đó, tổ chức đó” - Thượng tá Nguyễn Hữu Cảnh cho biết thêm.

Trung tá Lò Hữu Chiến, đội trưởng đội 3 Nậm Lạnh chia sẻ: những mô hình kinh tế cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên chuyển giao đến bà con, thực sự là cách làm hiệu quả. Cấp ủy Chi bộ đã có Nghị quyết chuyên đề triển khai thực hiện các mô hình tới từng đồng chí cán bộ, đảng viên, mỗi đồng chí phải có một mô hình trở lên có thu nhập. Và hiện nay các cán bộ, đảng viên trong đơn vị thực hiện rất tốt.

Từng là nơi có những diễn biến phức tạp về truyền đạo trái phép, nhưng giờ đây, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, đã có những thay đổi vượt bậc. Với sự sáng tạo và khéo léo trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của đảng về công tác tín ngưỡng tôn giáo, đoàn kinh tế quốc phòng 326 không chỉ giúp người dân nhận thức đúng mà còn chủ động định hướng bà con ở 3 điểm bản hoạt động tín ngưỡng tôn giáo theo quy định sống tốt đời đẹp đạo. Song song với đó là hướng dẫn bà con tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng những mô hình trồng rừng, cây ăn quả có múi, nuôi vịt siêu trứng, phát triển nuôi cá nước ngọt.

Đơn vị cũng liên hệ với các doanh nghiệp ở các tỉnh miền xuôi để đưa thanh niên đi lao động, vừa tạo công ăn việc làm cho lao động lúc nông nhàn, vừa tăng thu nhập cho bà con. Bí thư Đảng ủy xã Nậm Lạnh Lê Đức Trường đánh giá: “Đội sản xuất số 3 đã sâu sát cơ sở, bám nắm hệ thống chính trị ở các bản. Qua đó, đã giúp một số chi hội, đoàn thể ở bản hoạt động tốt hơn, gây dựng phong trào ở cơ sở bản. Đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở xã trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh ở cơ sở. Từ những hiệu quả thấy rõ, bà con đã thực sự tin tưởng, làm theo bộ đội”.

Vùng dự án khu Kinh tế-Quốc phòng Sông Mã mà Đoàn Kinh tế-Quốc phòng  326 Quân khu II phụ trách gồm 177 bản và 4 cụm dân cư ở 15 xã đặc biệt khó khăn thuộc 3 huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) và huyện Điện Biên, Điện Biên Đông (Tỉnh Điện Biên). Đây là những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, hiện còn tới trên 4.700 hộ nghèo trong tổng số trên 16.000 hộ, chiếm trên 29%.

Chỉ trong năm 2019 và các tháng đầu năm nay, tại địa bàn các xã thuộc vùng dự án của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 phụ trách đã có 15  hộ với 78 khẩu di cư tự do; 983hộ với trên 5.800 khẩu ở 47 bản và 11 xã theo đạo trái pháp luật.

Có thực mới vực được đạo, nói đi đôi với làm. Những việc làm cụ thể, thiết thực của các anh đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh anh Bộ đội cụ Hồ trong lòng dân và dân thêm tin yêu Đảng, Bộ đội, không bị mắc mưu kẻ xấu.

Đoàn 326 giúp dân thu hoạch nông sản

Vững vàng một dải biên cương Tây Bắc

Nơi biên cương Sốp Cộp thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, tình quân dân ngày một bền chặt từ những việc làm cụ thể, thiết thực mà chính quyền, lực lượng vũ trang, trong đó có các anh Bộ đội thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326, Quân khu II đã làm cho dân. Đồng bào các dân tộc nơi này đang  đoàn kết cùng Bộ đội xây dựng một dải biên cương ngày một vững mạnh.

“Nhờ có Đảng, Nhà nước và cấp ủy chính quyền xã, bộ đội ở địa phương rất nhiệt tình giúp đỡ gia đình cháu Tòng Thị Hải. Gia đình chúng tôi rất cảm ơn”; “Rất cảm ơn Đảng, Nhà nước, Đoàn kinh tế Quốc phòng 326 rất quan tâm đến gia đình hộ nghèo Lường Thị Liên và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu vùng xa. Thay mặt gia đình, xin cảm ơn các cấp, ngành, đoàn thể, các anh Bộ đội đã giúp cháu có nhà ở, không lo mưa nắng nữa”.

Đó là ý kiến của các ông Tòng Văn Thành và ông Lường Văn Phênh, là người thân của các chị Tòng Thị Hải ở xã Sốp Cộp và chị Lường Thị Liên ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp. Chị Hải và chị Liên đều thuộc diện hộ nghèo, người khuyết tật, người câm điếc bẩm sinh, và đều làm mẹ đơn thân. Được chính quyền, các đoàn thể, các anh bộ đội thuộc các đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 giúp xây dựng nhà đại đoàn kết. Giờ có mái ấm kiên cố, chị Hải và chị Liên đều bày tỏ quyết tâm phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Trưởng bản Pá Khoang Sùng A Dua vui mừng: Từng là bản có vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, trong nhiều năm lại đây, bản Pá Khoang, xã Mường Lèo đã liên tục giữ được tiêu chuẩn “4 không” về ma túy (không thử dùng, không sử dụng, không kiếm tiền bằng việc buôn bán ma túy, không làm ngơ trước biểu hiện ma túy). Được các anh Bộ đội giúp đỡ, bà con trong bản không còn nghe theo kẻ xấu, quyết tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống: 

Với mỗi đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ, đều có chung một suy nghĩ: để có một dải biên cương vững chắc, thì chính cuộc sống của người dân phải đủ no, đủ mặc. “Trên nền tảng sống cùng dân, ở cùng dân, làm cùng dân thì chúng tôi lấy những việc làm thiết thực để làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ của bà con. Để đảm bảo được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thì trước hết người dân phải có ăn đã. Do đó, trong những năm vừa qua chúng tôi tập trung vào các mô hình kinh tế. Chính vì như thế mà bà con nhận thức ra rằng chúng ta phải bỏ mồ hôi công sức, phải tiếp cận khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế thì mới ổn định cuộc sống” - Trung tá Nguyễn Văn Ngọc, đội trưởng đội 7- Mường Lèo cho biết những việc làm xuyên suốt của các đơn vị thời gian qua.  

Đoàn KT-QP 326 thăm tặng quà gia đình chính sách.

Trước đây, cứ đến mùa giáp hạt, Nhà nước lại phải trợ cấp cho nhiều hộ nghèo ở các xã, bản đặc biệt khó khăn ở Sốp Cộp. Khi được các cán bộ, đảng viên của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng về chuyển giao mô hình sản xuất, nhiều hộ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, có thêm thu nhập để phát triển kinh tế gia đình. Ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, giờ đây, không những không nghe lời kẻ xấu, mà bà con còn chính là những chiến sỹ bảo vệ biên cương, khi cung cấp cho chính quyền, bộ đội xử lý kịp thời các vụ việc trên biên giới.

Những ghi nhận, đánh giá của Bí thư huyện ủy Sốp Cộp Bùi Thanh Thuỷ  về Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 đã cho thấy, đơn vị đang hoạt động rất hiệu quả trên địa bàn: “Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 hiện nay đang thực hiện toàn diện các mặt về kinh tế chính trị, quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện. Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã có sự phối hợp chặt chẽ với Đoàn, đặc biệt trong việc giúp nhân dân xây dựng các vùng dự án, từng bước nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Cùng với huyện xây dựng nông thôn mới, cũng như giữ vững an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của bà con”.

Chỉ tính từ năm ngoái đến nay, Đảng ủy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 đã cử hàng nghìn lượt cán bộ, đảng viên, trí thức trẻ về các bản, cụm dân cư vừa tuyên truyền vận động, vừa kết hợp giúp nhân dân. Qua đó, đã giúp địa phương củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động cho 27 chi bộ bản, bồi dưỡng phát triển được 63 đảng viên mới; xây dựng, củng cố gần 40 tổ chức chi đoàn, chi hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh từ trung bình lên khá.

Đơn vị cũng triển khai 76 mô hình chăn nuôi, trồng trọt đến nhân dân, trong đó có các mô hình rất hiệu quả như: Trồng và sản xuất dược liệu; trồng cây ăn quả trên đất dốc; chăn nuôi gia xúc, gia cầm khép kín; mô hình bơm va đưa nước lên cao…giúp hàng trăm hộ nghèo thực hiện các nội dung thoát nghèo; Giới thiệu việc làm cho nhiều lao động nông thôn có thu nhập; khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho dân; giúp địa phương tu sửa, làm mới hàng chục km đường giao thông, mương phai, cầu treo, nhà văn hóa bản...trị giá nhiều tỷ đồng.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy Đoàn kinh tế-Quốc phòng 326 Quân khu II đã xác định mục tiêu: Phối hợp tốt với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự địa bàn. Hằng năm cán bộ, đảng viên mỗi Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị trực thuộc sẽ tham gia giúp nâng cao chất lượng hoạt động của 3-4 tổ chức chính trị xã hội, giúp từ 7-10 hộ dân thực hiện tốt một số nội dung thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, giúp 1-2 bản thực hiện các nội dung về xây dựng nông thôn mới; phấn đấu mỗi năm địa bàn giảm từ 4-5% hộ nghèo.

Sẽ còn nhiều việc mà các anh Bộ đội Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326-Quân khu II cùng chính quyền, các lực lượng phải làm để xây đắp dải biên cương ngày thêm vững chắc. Và phong cách dân vận của Đảng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở tinh thần trọng dân, gần dân, lắng nghe và tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân sẽ tiếp tục được mỗi cán bộ, đảng viên thuộc đơn vị thực hiện nhuần nhuyễn hơn nữa bằng cả trách nhiệm, trái tim, khối óc của những người lính cụ Hồ nơi biên cương Tổ Quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên