Vũ khí lợi hại của Nga khiến Ukraine đau đầu đối phó trên chiến trường
VOV.VN - Những quả bom lượn đang trở thành vũ khí lợi hại nhất của Nga trên chiến trường Ukraine.
Vũ khí lợi hại của Nga trên chiến trường Ukraine
Các binh lính Ukraine thường than phiền, vị trí của họ đang bị phá hủy bởi những quả bom sắt thời Liên Xô, được chuyển đổi thành những quả bom lượn dẫn đường chính xác chẳng hạn như FAB-1500 nặng 1,5 tấn và FAB-3000 nặng 3,4 tấn. Được các chiến đấu cơ Nga thả từ trên cao, nằm ngoài tầm hoạt động của hầu hết tên lửa phòng không Ukraine, các phương tiện này gần như không thể bị đánh chặn.
Bom lượn đã đóng vai trò lớn trong việc giúp Nga giành được thành phố Avdiivka chiến lược và khiến các tòa nhà công sự của đối phương bị phá hủy. Nga đã thả 3.500 quả bom lượn trong năm nay và việc triển khai hàng loạt vũ khí này có thể sẽ tiếp tục hoặc thậm chí mở rộng. Đây là một diễn biến đáng lo ngại với Ukraine và hiện chưa rõ liệu Kiev đã tìm ra cách đối phó hay chưa.
Những quả bom lượn mang đến cho không quân Nga điều họ chưa thể thực hiện hiệu quả trong 2 năm qua, đó là hỗ trợ lực lượng mặt đất.
Các tiêm kích của Nga nằm phía sau tiền tuyến để giữ khoảng cách với các hệ thống phòng không của Ukraine song chúng lại ở quá xa để có thể phóng tên lửa vào các thành phố của nước này. Để giành được chiến thắng, quân đội cần phải tiến công. Tuy nhiên, họ thiếu khả năng chiến thuật để tiến lên và chỉ trông cậy vào sự hỗ trợ của hỏa lực số lượng lớn.
Đây là lúc bom lượn xuất hiện và khắc phục hạn chế trên. Với tầm hoạt động 64km, những phương tiện này nằm ngoái phạm vi hoạt động của hệ thống phòng không Ukraine. Các vũ khí giống như bom lượn là kiểu vũ khí "phóng và quên": Chúng có GPS dẫn đường, tức là các chiến đấu cơ triển khai chúng không cần lảng vảng trong tầm hoạt động của hệ thống phòng không trong khi vẫn nhắm tới mục tiêu. Chúng cũng có kích thước nhỏ nên khó bị bắn hạ và chứa nhiều chất nổ so với kích thước của mình hơn là đạn pháo.
Các cuộc tấn công bom lượn đang làm nóng chiến trường. Ukraine tuyên bố bắn hạ 7 tiêm kích Nga chỉ trong 1 tuần vào tháng 2/2024 và phá hủy nhiều chiến đấu cơ đỗ trên mặt đất bằng UAV. Giới quan sát nhận định, điều này cho thấy nỗ lực của Kiev nhằm phá hủy các phương tiện triển khai bom lượn. Tuy nhiên, việc gần đây không còn những báo cáo về việc phá hủy chiến đấu cơ của Nga đã cho thấy Moscow thay đổi chiến thuật để bảo vệ các phương tiện của mình. Trong khi đó, các chiến dịch sử dụng bom lượn vẫn tiếp tục.
Liệu các quả bom lượn của Nga có đạt được độ chính xác như Bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) của phương Tây hay không? Với Nga, câu hỏi này không quan trọng. Từ Thế chiến II, Nga đã dựa vào hỏa lực số lượng lớn để phá hủy phòng tuyến đối phương trước khi bắt đầu cuộc tấn công trên bộ. Một quả bom lượn để lại miệng hố rộng tới hơn 20 mét khi phát nổ không cần độ chính xác tuyệt đối.
Ukraine đau đầu đối phó
Các nhà lãnh đạo Ukraine dường như ngày càng tuyệt vọng trong nỗ lực đối phó với vũ khí này của Nga. Các lực lượng của Kiev đã kiệt sức sau hơn 2 năm giao tranh, kho vũ khí và đặc biệt là đạn pháo ở mức thấp, trong khi hiện nay, quân đội liên tục đối mặt với những quả bom khổng lồ. Hệ thống phòng không và lực lượng không quân với quy mô nhỏ của Ukraine được cho là đã hoàn thành nhiệm vụ trong việc bảo vệ lục quân nhưng điều này có lẽ sẽ không kéo dài.
Ukraine có thể làm gì? Các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa, chẳng hạn như Patriot của Mỹ hoặc SAMP/T của Pháp và Italy với tầm bắn lên tới 120km sẽ có ích khi bắn hạ hoặc ngăn cản các máy bay của Nga thả bom lượn. Moscow được cho là sẽ tăng cường nỗ lực phá hủy hoặc vô hiệu hóa những vũ khí trên. Hai tổ hợp Patriot đã bị các tên lửa của Nga phá hủy vào tháng 3/2024.
Một lựa chọn nữa là gây nhiễu các tín hiệu GPS giống như cách Nga làm với HIMARS và đạn dẫn đường GPS của phương Tây. Tuy nhiên, khả năng tác chiến điện tử của Nga vượt xa khả năng của Ukraine và phương Tây.
Lựa chọn tốt nhất là các tiêm kích, chẳng hạn với 60 tiêm kích F-16 được các nước châu Âu vận chuyển cho Ukraine. Với việc các phi công đang trải qua huấn luyện, các chiến đấu cơ này có lẽ sẵn sàng hoạt động trong năm nay. Câu hỏi là liệu các tiêm kích F-16 được nâng cấp có thể đối phó với những chiến đấu cơ tiên tiến của Nga như Su-35, được trang bị tên lửa tầm xa không đối không hay không.
Nếu có bất kỳ sự lợi thế nào cho Ukraine lúc này thì chỉ là bom lượn của Nga chưa tạo ra lợi thế quyết định. Kiev có thể khiến Moscow tiêu hao nguồn lực trong khi chờ đợi các biện pháp đối phó về mặt công nghệ, ít nhất là làm giảm mối đe dọa từ bom lượn.