Vũ khí siêu thanh “thổi bùng” cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc
VOV.VN - Nếu vũ khí siêu thanh được phát triển thành công, nó sẽ đóng vai trò là con át chủ bài trong hàng loạt cuộc chạy đua giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ và địa chính trị.
Chạy đua thử nghiệm vũ khí siêu thanh
AFP dẫn thông tin từ Hải quân Mỹ ngày 21/10 cho biết, Mỹ vừa thử thành công công nghệ tên lửa siêu thanh –vũ khí mới đang được Nga và Trung Quốc phát triển. Vụ thử được tiến hành vào ngày 20/10 tại một cơ sở của NASA ở Wallops, Virginia.
Thông báo của Hải quân Mỹ nêu rõ, đây là “một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển tên lửa siêu thanh. Vụ thử đã chứng minh hiệu quả và khả năng hoạt động của các công nghệ siêu thanh tiến tiến trong môi trường thực tế”.
Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi tờ Financial Times hôm 17/10 đưa tin, Trung Quốc vừa thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng hạt nhân mới vào tháng 8 vừa qua. Tên lửa này được phát triển từ Hệ thống vũ khí tấn công từ quỹ đạo thấp (FOBS), sử dụng phương tiện lướt siêu thanh với động năng rất lớn, có thể bay nhiều vòng quanh Trái Đất ở quỹ đạo thấp và tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa. Nhiều quan chức và nhà lập pháp Mỹ đã cảnh báo rằng, đây là bước đi vô cùng nguy hiểm của của Trung Quốc.
Công nghệ FOBS không phải là mới. Liên Xô đã triển khai một hệ thống như vậy bắt đầu từ những năm 1970, sau đó loại bỏ vào giữa những năm 1980. Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu FOBS vào những năm 1970, nhưng đã thử nghiệm không thành công.
Vậy tại sao ở thời điểm hiện tại các nước lại chạy đua phát triển công nghệ tên lửa siêu thanh này? Theo giới phân tích, câu trả lời khá đơn giản: Nếu FOBS có thể hoạt động, nó sẽ đóng vai trò là con át chủ bài trong hàng loạt cuộc chạy đua về công nghệ và địa chính trị, giúp Trung Quốc chứng minh khả năng phát triển tên lửa tầm xa và Mỹ khẳng định tiến bộ trong công nghệ phòng thủ tên lửa.
Jeffrey Lewis, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury cho rằng, khái niệm về vũ khí này đã có từ lâu nhưng giờ đây nó mới được sử dụng như một cách thức để đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa.
Mỹ và Trung Quốc luôn đề phòng lẫn nhau
Doug Loverro, cựu quan chức tại Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý: “Tôi cho rằng chúng ta cần phải suy nghĩ lại về cách thức thực hiện phòng thủ tên lửa. Chúng ta cần phải hiểu rằng Trung Quốc đang tiếp tục làm việc để khai thác các lỗ hổng trong các hệ thống cảnh báo và hệ thống phòng thủ của chúng ta ở mức độ lớn hơn nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh”.
Trung Quốc và Nga đã công khai chống lại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ kể từ thời chính quyền Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Thời gian gần đây, các nhà phân tích Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về sự hiện diện ngày càng gia tăng của các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ tại những nơi gần Trung Quốc, trong đó có việc triển khai hệ thống phòng thủ Aegis Ashore ở Nhật Bản.
“Một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, bằng cách sử dụng “chuỗi phòng thủ tên lửa” bao vây Trung Quốc, Mỹ đang tìm cách thiết lập “ưu thế tuyệt đối về an ninh” và làm suy yếu “sự trỗi dậy của Bắc Kinh”, Tong Zhao chuyên gia an ninh hạt nhân tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie – Tsinghua ở Bắc Kinh lưu ý.
Giới chức Trung Quốc cho rằng chính sách phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Thái Bình Dương là nhằm kiềm chế nước này. Nhưng ông Tong Zhao đã đặt ra câu hỏi về việc liệu người dân Trung Quốc có thực sự lo ngại về những hệ thống này hay không khi mà họ nắm rất ít thông tin chi tiết về nó.
Các nhà lãnh đạo Mỹ từ lâu đã bác bỏ những mối lo ngại của Trung Quốc và Nga về hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này. Họ khẳng định rằng những hệ thống đó đang hoạt động như vũ khí chống vệ tinh để ngăn các quốc gia sử dụng không gian nhằm mục đích do thám hoặc tấn công Mỹ. Washington nhiều lần tuyên bố, các hoạt động phòng thủ tên lửa của họ không nhắm vào Trung Quốc mà đó là nhưng “quốc gia bất hảo”.
FOBS làm thay đổi cuộc chơi?
Những hành động của Trung Quốc thời gian gần đây, từ việc xây dựng và bồi lấp trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông, tiến hành tập trận rầm rộ đến nỗ lực chiếm lĩnh thị trường về các công nghệ chiến lược như mạng 5G đã khiến Mỹ lo ngại về một hệ thống vũ khí FOBS tiềm năng, ông Todd Harrison, giám đốc phân tích ngân sách quốc phòng và dự án an ninh hàng không vũ trụ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định.
Theo quan điểm của Mỹ, bất kể loại vũ khí nào tương tự như FOBS mà Bắc Kinh đang phát triển, dù đó là công nghệ tái hồi quyển sử dụng trọng lực hay thiết bị lướt siêu thanh (HVG), đều có thể được coi như vũ khí tấn công phủ đầu xét trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy nhanh việc xây dựng hạm đội ICBM (tên lửa đạn đạo liên lục địa).
Ông Loverro lưu ý, nếu những báo cáo về vụ thử nghiệm của Trung Quốc là chính xác thì vũ khí này thật sự đáng lo ngại cả về mặt quân sự lẫn pháp lý vì nó vượt qua các giới hạn của Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967, theo đó cấm triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian.
Nhưng FOBS không thực sự được đặt hoàn toàn trong không gian, thay vào đó nó xuất hiện ở thời điểm hiệu lệnh tấn công được đưa ra. Điều này khiến các quan chức và các nhà lập pháp Mỹ lo ngại nó có thể tạo ra mối đe dọa phức tạp hơn nhiều so với chương trình FOBS bị Liên Xô từ bỏ.
Trái lại, ông Pavel Podvig, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ cho rằng, nếu mục đích là xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa thì FOBS không phải vũ khí phù hợp nhất do nó mang được ít đầu đạn hơn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) - vốn được trang bị phương tiện chứa nhiều đầu đạn dẫn đường độc lập (MIRV), chưa kể mồi nhử và pháo sáng có thể đánh lửa radar của hệ thống phòng thủ tên lửa.
“Đây không phải vũ khí làm thay đổi cuộc chơi”, Laura Grego, chuyên gia về tên lửa tại Liên minh Các nhà khoa học nhận xét khi nói về khả năng phát triển FOBS của Trung Quốc. Bà lưu ý, hiện Trung Quốc có khoảng 100 ICBM và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) của Mỹ từ lâu đã không được thiết kế để chống lại các tên lửa này.
Việc hai nước đối đầu luôn trong tình trạng đề phòng lẫn nhau, cũng như đánh giá quá mức các khả năng của nhau là điều dễ thấy trong một cuộc chiến tranh Lạnh. Trước phản ứng của cộng đồng tình báo Mỹ với báo cáo của Financial Times, cùng việc các quan chức quốc phòng hàng đầu nước này liên tiếp cảnh báo về khả năng phát triển vũ khí siêu thanh và các năng lực không gian của Trung Quốc, nhiều người đã đặt câu câu hỏi liệu tâm lý chiến tranh Lạnh có đang quay trở lại hay không?