Ảnh: “Sát thủ” Mig-31 có thể bắn tên lửa siêu thanh Kinzhal
VOV.VN - MiG-31 là máy bay đánh chặn chiến lược của Liên Xô/Nga. Thời gian gần đây, các máy bay MiG-31 thường xuyên diễn tập rượt đuổi nhau với tốc độ siêu âm.
MiG-31 (NATO gọi là Foxhound) là một máy bay tiêm kích đánh chặn siêu âm được phát triển để thay thế cho MiG-25 'Foxbat'. Mig-31đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1975 và dựa trên cơ sở những gì đã thành công với MiG-25. (Ảnh Bộ Quốc phòng Nga) |
Là một máy bay đánh chặn, MiG-31 không được chế tạo để chiến đấu mà là để bảo vệ biên giới của Nga khỏi máy bay ném bom của kẻ thù, nó có thể nhanh chóng lao vào tiêu diệt mục tiêu và cũng nhanh chóng rút lui trước khi đối phương kịp hiểu điều gì xảy ra. (Ảnh Bộ Quốc phòng Nga) |
Khác với "tiền bối" MiG-25 chỉ có 1 chỗ ngồi, MiG-31 có 2 chỗ ngồi, 1 cho phi công điều khiển máy bay, 1 cho sỹ quan cảnh giới vận hành radar và vũ khí. MiG-31 trang bị radar quét mạng pha điện tử bị động, Zaslon S-800. Tầm hoạt động tối đa của nó đối với các mục tiêu có kích thước máy bay chiến đấu xấp xỉ 200 km. (Ảnh Bộ Quốc phòng Nga) |
MiG-31 cần một đường băng dài khoảng 1.188m để cất cánh. MiG-31 Foxhound có 2 động cơ loại lớn, với cửa hút khí nằm ở dưới cánh, cánh được đặt trên lưng với tỷ lệ kích cỡ là 2.94, có 2 cánh đuôi thẳng đứng. (Ảnh Bộ Quốc phòng Nga) |
Hai động cơ tuabin Tumanski R-15BD-300, có thể đưa MiG-31 lên 10.000m trong 8 phút. MiG-31 cũng có thể đạt tới độ cao 19.800 m trong gần 9 phút và thậm chí đạt độ cao 20.500 m. Tầng thứ hai của khí quyển, tầng bình lưu, bắt đầu từ 18.000 m (Ảnh Bộ Quốc phòng Nga) |
Nó có tốc độ tối đa Mach 3 và có thể đạt Mach 1.23 ở độ cao thấp. Đây là lý do tại sao nó được mệnh danh là "quái vật Mach 3". MiG-31 bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 1979, với những sản phẩm được đưa vào trang bị trong quân chủng phòng không Xô Viết năm 1982. (Ảnh Bộ Quốc phòng Nga) |
MiG-31 được sử dụng cho những nhiệm vụ tầm xa đa dạng. Đã có nhiều phi vụ của máy bay chiến đấu MiG-31 đuổi theo SR-71, máy bay do thám huyền thoại tầm cao của Mỹ. (Ảnh Bộ Quốc phòng Nga) |
Khoảng 500 chiếc MiG-31 đã được chế tạo, 370 chiếc trong số đó được biên chế trong không quân Liên Xô/Nga. Một vài chương trình nâng cấp được thực hiện trong các phi đội MiG-31, như phiên bản MiG-31BM đa năng với nhiều hệ thống được cải tiến (Ảnh Bộ Quốc phòng Nga) |
Một phi công Nga tuyên bố anh ta đã khóa tên lửa của mình vào mục tiêu là một chiếc Blackbird SR-71 trong một phi vụ chống xâm nhập và 6 chiếc MiG-31 Foxhound đã từng tiến hành ép một chiếc SR-71 khác trong một phi vụ đánh chặn khác. (Ảnh Bộ Quốc phòng Nga) |
Mig-31DZ, một biến thể được công bố vào năm 1989, là chiếc MiG-31 đầu tiên có thể tiếp nhiên liệu trên không trung. Bán kính chiến đấu của MiG-31 là 720 km với tốc độ Mach 2.35, bán kính tuần tiễu là 3.300 km (Ảnh Bộ Quốc phòng Nga) |
Vũ khí chính của Foxhound là tên lửa tầm xa R-33, tương tự như tên lửa AIM-51 Phoenix của F-14 và nó có thể khóa cùng lúc bốn mục tiêu. MiG-31 có thể mang bốn tên lửa tầm xa R-33, hai tên lửa tầm trung R-40TD-1 và bốn tên lửa tầm ngắn R-60MK. Nó cũng có súng máy 9-A-768 23mm. (Ảnh Bộ Quốc phòng Nga) |
MiG-31 cần khoảng 800m để hạ cánh. Năm 1996, chỉ có 20% trong số máy bay còn lại có thể hoạt động trong bất kỳ thời điểm nào; tuy nhiên, vào đầu năm 2006, những chính sách kinh tế hiệu quả của tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép 75% số MiG-31 trở lại hoạt động trong Không quân Nga. (Ảnh Bộ Quốc phòng Nga) |
Moscow hiện còn khoảng 252 chiếc MiG-31 hoạt động được và có kế hoạch sản xuất thêm 100 chiếc MiG-31BM và MiG-31BSM vào năm 2020. (Ảnh Bộ Quốc phòng Nga) |
Cùng với đó là nhà chế tạo máy bay Mikoyan có kế hoạch nghiên cứu và chế tạo máy bay kế nhiệm MiG-41. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, MiG-31 Foxhound sẽ tiếp tục phục vụ cho đến ít nhất là 2030. (Ảnh Bộ Quốc phòng Nga) |
Nga cũng đã thử thành công tên lửa Kh-47M2, hoặc Kinzhal, tên lửa siêu thanh từ MiG-31BM hồi tháng 3 và hiện đang lắp tên lửa cho biến thể MiG-31K. Moscow tuyên bố rằng Kinzhal có thể đạt tốc độ lên tới Mach 10, có tầm bắn 1.200 dặm và về cơ bản không thể phát hiện bởi các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại. (Ảnh Bộ Quốc phòng Nga)./. |