Quan hệ Mỹ-Cuba: Sóng gió chưa yên

VOV.VN - Những diễn biến mới cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba ngày càng xấu đi kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức tháng 1/2017.

Mỹ ngày 13/5 tuyên bố đã đưa Cuba trở lại danh sách các quốc gia không hợp tác đầy đủ với các nỗ lực chống khủng bố. Đây là sự leo thang căng thẳng mới nhất của Mỹ đối với Cuba kể từ khi ông Donal Trump lên nắm quyền, đưa hai nước trở lại thế đối đầu.

Biện minh cho hành động này, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Cuba bị đưa vào danh sách đen này do từ chối phối hợp có hiệu quả với Chính phủ Colombia, thể hiện sự không hoàn toàn hợp tác với Mỹ để hỗ trợ những nỗ lực đảm bảo hòa bình, an ninh lâu dài cho nhân dân Colombia.

Mỹ ngày 13/5 tuyên bố đã đưa Cuba trở lại danh sách các quốc gia không hợp tác đầy đủ với các nỗ lực chống khủng bố. Ảnh: Getty

Theo văn bản của cơ quan ngoại giao Mỹ, Cuba vẫn cho phép 10 thành viên nhóm đàm phán hòa bình của Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN), nhóm du kích lớn hoạt động ở Colombia, tới Cuba vào  năm 2017, có mặt trên lãnh thổ nước này và từ chối dẫn độ họ theo yêu cầu của Colombia sau khi nhóm vũ trang tấn công bằng bom xe vào một trường sĩ quan cảnh sát ở Bogota khiến 22 người thiệt mạng và 60 người bị thương.

Ngoài ra, Mỹ cũng cho rằng, Cuba đang là nơi tị nạn của một số kẻ chạy trốn khỏi luật pháp Mỹ, trong đó có Joanne Chesimard, người bị kết án tại Mỹ do hành quyết một người lính bang New Jersey Foerster vào năm 1973.

Trong phản ứng của mình, Bộ Ngoại giao Cuba đã phản bác lại những cáo buộc của Mỹ khi nói rằng, các nhà lãnh đạo Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN) đã tới La Habana như một phần của các cuộc đàm phán hòa bình. Cuba tôn trọng giao thức của các cuộc đàm phán mà nước này tổ chức. Điều này để đảm bảo các nhóm vũ trang du kích quay về các khu vực miền núi hoặc rừng rậm tại Colombia theo thời gian thỏa thuận. Theo Bộ Ngoại giao Cuba, nước này đã nhận được nhiều lời khen ngợi trong quá khứ vì đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình thành công giữa chính phủ Colombia và lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) trước đây.

Đây là những tranh cãi mới nhất sau khi ngày 13/5, Cuba một lần nữa nhắc lại yêu cầu Mỹ nhanh chóng điều tra vụ nổ súng nhằm vào Đại sứ quán Cuba ở thủ đô Washington cách đây 2 tuần. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez, Cuba là nạn nhân của "các hành động khủng bố do chính phủ Mỹ thực hiện hoặc  đồng lõa".

“Chúng tôi hy vọng rằng chính phủ Mỹ thực hiện nghĩa vụ của mình theo các điều ước quốc tế. Chúng tôi kháng cáo trên cơ sở luật pháp quốc tế có liên quan (đối với vấn đề này) và chúng tôi sẽ tiếp tục những yêu cầu cầu của mình. Chúng tôi hy vọng, chính phủ Mỹ ít nhất  phải có những hành động phù hợp với lời hùng biện chống khủng bố và chính sách chống khủng bố quốc tế khi xảy ra cuộc tấn công nhằm vào một phái bộ ngoại giao ở thủ đô Washington”, ông Rodriguez nói.

Những diễn biến này cho thấy mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Cuba kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức tháng 1/2017. Chính quyền Mỹ trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba vào tháng 9/2017 sau khi rút nhiều nhân viên đại sứ quán Mỹ ở La Habana về nước do “vấn đề bí ẩn” gây ảnh hưởng đến nhân viên Mỹ.

Ngoài ra, ông Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Cuba,  trong đó gần đây nhất là các biện pháp hạn chế gây tác động mạnh tới ngành du lịch - nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai của Cuba và áp dụng hoàn toàn điều 3 của Luật Helms-Burton gây tranh cãi chống Cuba. Mỹ nói rằng mục tiêu chính của chiến dịch gây áp lực là buộc Cuba từ bỏ ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, điều mà Cuba tuyên bố "sẽ không bao giờ làm"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên