Châu Âu xem xét cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine
VOV.VN - Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell ngày 27/2 cho biết, khối này đang xem xét cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine nhằm đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga.
Châu Âu có rất ít lựa chọn
Mặc dù không nêu rõ những loại máy bay nào có thể chuyển giao cho Ukraine trong tương lai gần, nhưng ông Josep Borrell tiết lộ đó sẽ là những máy bay mà Lực lượng Không quân Ukraine đã vận hành để đưa chúng vào sử dụng nhanh hơn. Đây là một phần của gói hỗ trợ quân sự trị giá hơn 501 triệu USD mà Liên minh châu Âu dành cho Ukraine.
Quân đội Ukraine đã nỗ lực hiện đại hóa trong thời gian qua, nhưng lực lượng không quân của nước này vẫn khá lạc hậu và già cỗi. Không quân Ukraine được thành lập vào tháng 3/1992, với lực lượng máy bay tiếp quản từ không quân Liên Xô sau khi Liên Xô tan rã.
Kể từ đó, Không quân Ukraine đã liên tục thu nhỏ quy mô do thiếu ngân sách và phần lớn máy bay trong biên chế phải đưa vào diện bảo trì hoặc mất khả năng vận hành. Phi đội máy bay chiến đấu Ukraine bao gồm nhiều máy bay MiG-29 Fulcrums và Su-27 Flankers có từ thời Liên Xô. Nhưng hiện giờ không một quốc gia nào trong Liên minh châu Âu sử dụng Su-27. Điều này cho thấy việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine là một thách thức lớn và hiện tại cuộc thảo luận đang tập trung chủ yếu vào Mig-29.
Trước đó, tờ Washington Post dẫn nguồn tin từ một nhà ngoại giao châu Âu cho biết, Ukraine đang chuẩn bị tiếp nhận các máy bay của Bulgaria, Slovakia và Ba Lan.
Đây là 3 thành viên của NATO vẫn sử dụng các biến thể của Fulcrum và những biến thể này có thể được chuyển giao hoặc đưa vào trang bị rất nhanh chóng. Trong khi máy bay chiến đấu của Bulgaria chỉ có một số cải tiến nhỏ kể từ khi Liên Xô tan rã, thì hầu hết máy bay chiến đấu của Ba Lan và Slovakia đã được nâng cấp đáng kể.
Một số nước thành viên khác của EU trước đây từng vận hành Mig-29 có thể vẫn giữ loại máy bay này trong kho, song vẫn chưa rõ phải mất bao nhiêu thời gian để chúng vận hành trở lại. Tuy vậy, chúng vẫn được coi là nguồn dự phòng trong bối cảnh một số lượng lớn máy bay Mig-29 già cỗi của Ukraine đã bị phá hủy trong cuộc tấn công của Nga.
Ba Lan, Slovakia và Bulgaria đang trong quá trình thay thế các phi đội MiG-29 nhưng quá trình này có thể kéo dài. Ba Lan dự kiến sẽ tiếp nhận tiêm kích tàng hình tiên tiến F-35A mới vào năm 2024, còn Slovakia và Bulgaria sẽ bắt đầu tiếp nhận những chiếc F-16C/D lần lượt vào năm 2023 và 2025.
Ngoài 3 quốc gia trên, 2 thành viên khác là Romania và Croatia đang sở hữu những biến thể MiG-21 cũ hơn nhưng cũng đã được nâng cấp và loại máy bay này có thể là những đối thủ đáng gờm trong các cuộc không chiến. Ukraine hiện không vận hành MiG-21, nhưng các công ty ở nước này vẫn thực hiện việc bảo trì cho các quốc gia khác. Vì thế MiG-21 có thể được chuyển giao cho Ukraine trong trường hợp cần thiết.
Một dòng máy bay khác mà EU có thể cung cấp cho Ukraine là cường kích Su-25 Frogfoot mà Ba Lan đang sử dụng. Máy bay này hiện vẫn đang phục vụ trong lực lượng không quân Ukraine.
Hạn chế về năng lực không quân của Ukraine
Theo các nhà quân sự, EU sẽ cần phải loại bỏ một số thiết bị nhạy cảm được thiết kế theo tiêu chuẩn NATO ra khỏi những máy bay chiến đấu mà khối này định chuyển giao cho Ukraine.
Bất kể loại máy bay nào mà EU xem xét chuyển giao cho Ukraine, dù là máy bay chiến đấu cũ hay máy bay chiến đấu hiện đại, thì điều này sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực các phi đội của không quân Ukraine, vốn chịu tổn thất trong các cuộc giao tranh kéo dài 4 ngày qua.
Hiện, không quân Ukraine đang cần rất nhiều máy bay chiến đấu và nhu cầu này ngày càng gia tăng khi các lực lượng Nga được cho là đang đẩy mạnh chiến dịch quân sự từ nhiều hướng, cả ở miền Bắc, miền Đông và miền Nam Ukraine.
Câu hỏi đặt ra hiện giờ là phi công Ukraine cần bao nhiêu thời gian huấn luyện để có thể điều khiển thành thạo những máy bay nói trên. Các phi công của Ba Lan và Slovakia trước đó cần sự tập huấn đáng kể để vận hành những chiếc máy bay MiG-29 nâng cấp. Chưa kể, phần lớn máy bay trong số này có những hệ thống tiên tiến đòi hỏi phi công Ukraine phải nắm rõ trước khi đưa máy bay vào chiến đấu./.