Chuyên gia quân sự tiết lộ “tử huyệt” của xe tăng Challenger 2
VOV.VN - Các chuyên gia quân sự đã chỉ ra một số nhược điểm khiến xe tăng Challenger 2 dễ bị tấn công khi đối đầu với hỏa lực của Nga.
Xe tăng Challenger 2 do Anh chế tạo, là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực được sử dụng rộng rãi tại châu Âu và được đánh giá cao về hỏa lực cũng như độ tin cậy. Tuy vậy, vẫn chưa rõ xe tăng này có phát huy hiệu quả khi hoạt động trên chiến trường Ukraine – một trong những môi trường tác chiến cực kỳ khắc nghiệt với các loại phương tiện chiến đấu hiện đại hay không.
Challenger 2 do tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Anh Vickers Defense Systems nghiên cứu và phát triển trong những năm 1980, thay thế cho dòng tăng Challenger 1 lỗi thời. Anh biên chế xe tăng Challenger 2 cho quân đội từ năm 1994 và đã triển khai tới Bosnia, Iraq cùng các vùng xung đột khác.
Challenger 2 dài 13,5m (tính cả nòng pháo), rộng 3,5m, cao 2,49m. Kíp chiến đấu có 4 người, gồm trưởng xe, lái xe, liên lạc viên và xạ thủ. Challenger 2 được trang bị pháo L30 hoặc L30A1 cỡ nòng 120mm cùng hai súng máy đồng trục sử dụng cỡ đạn 7,62 x 51 ly NATO. Loại pháo này có độ chính xác cao hơn các loại pháo nòng trơn từ 5 đến 7%.
Pháo của xe tăng có thể sử dụng nhiều loại đạn khác nhau, trong đó có loại đạn làm từ uranium nghèo có khả năng xuyên thủng lớp giáp dày tới 740mm hoặc đạn nổ mạnh đầu đạn dẻo (HESH). Đạn HESH không chọc thủng lớp giáp xe tăng mà làm cho xe tăng nổ tung luôn. Khi đầu đạn va vào mục tiêu, vụ nổ tạo ra sóng xung kích ở lớp giáp và công phá thành nhiều mảnh, có thể sát thương kíp lái và kích nổ các loại vũ khí trong xe tăng. Tăng Challenger 2 sử dụng giáp phức hợp Chobham.
Theo các chuyên gia quân sự, với sức mạnh như vậy Challenger 2 sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của dòng tăng T-72 do Nga sản xuất. Tuy nhiên, nó khó có thể hạ gục phiên bản nâng cấp của xe tăng T-80BVM và T-90M vốn được bảo vệ khá chắc chắn trước các loại đạn pháo. Vẫn chưa rõ xác suất đối đầu giữa Challenger 2 và xe tăng Nga là bao nhiêu khi Ukraine chỉ nhận được hơn 10 chiếc xe tăng này, trong khi chiến tuyến với Nga dài gần 1.000km.
Nhược điểm của xe tăng Challenger 2
Dù sở hữu nhiều tính năng ưu việt, nhưng xe tăng Challenger 2 lại có những nhược điểm khó khắc phục khiến nó bị hạn chế hiệu quả trên chiến trường.
Nhược điểm đầu tiên là pháo chính của xe tăng khá lỗi thời. Quân đội Anh hiện đang xem xét thay thế khẩu pháo L30 cỡ nòng 120mm bằng khẩu L55A1 của Đức trong thế hệ thứ ba của Challenger. L30 có cơ chế nạp đạn riêng, trong khi giảm tốc độ bắn ở giai đoạn cuối. Chưa kể tất cả các loại đạn dành cho xe tăng đều được thiết kế riêng biệt, đòi hỏi phải có một tuyến hậu cần riêng.
Một nhược điểm khác của xe tăng Challenger 2 đã được các binh sỹ Ukraine phát hiện đó là giá đỡ tháp pháo rất dễ bị tấn công. Máy bay không người lái sử dụng đạn sát thương từ Thế chiến 2 có thể khiến xe tăng ngừng hoạt động một khi tấn công vào vị trí này.
Challenger 2 là xe tăng nặng nhất của NATO. Trọng lượng của nó có thể dao động từ 62,5 tấn đến 75 tấn, tùy thuộc vào nhiệm vụ chiến đấu. Trọng lượng của xe tăng có thể gây ra nhiều vấn đề đối với Ukraine. Thứ nhất, không phải tất cả các cây cầu tại Ukraine đều có thể chịu được tải trọng lớn như vậy. Ngay cả khi quân đội Ukraine sử dụng thiết bị bắc cầu tạm, họ cũng không thể tạo ra những cây cầu có khả năng vận chuyển loại xe tăng này.
Thứ hai, các lực lượng vũ trang không có những phương tiện hay thiết bị chuyên dụng có thể kéo những chiếc xe nặng hơn 60 tấn ra khỏi chiến trường trong trường hợp chúng bị hỏng hóc hoặc mắc kẹt trong bùn lầy. Trong trường hợp đó, Anh có thể phải xem xét cung cấp cho Ukraine xe cứu hộ xe tăng có lực kéo tối đa 98 tấn.
Trọng lượng lớn cũng làm giảm khả năng cơ động của Challenger 2. Các chuyên gia quân sự cho rằng, nếu xe tăng này được trang bị đầy đủ hệ thống bảo vệ bổ sung, khả năng cơ động của nó chỉ ngang bằng với xe tăng hạng nặng của Đức từ thời Thế chiến 2.
Xe tăng Challenger 2 sử dụng giáp phức hợp Chobham khá dày, loại giáp được quảng cáo là tốt nhất thế giới, có thể vô hiệu hóa hoàn toàn đạn chống tăng nổ lõm (HEAT). Tuy nhiên, đã có nhiều câu hỏi đặt ra về tính ưu việt của giáp Chobham khi phiến quân tại Iraq từng sử dụng súng chống tăng RPG-29 bắn hạ một chiếc Challenger 2 của Anh trên chiến trường.
Một vấn đề khác liên quan đến việc bảo trì. Do Challenger 2 có rất nhiều thiết bị và linh kiện riêng biệt nên khó có thể sử dụng những bộ phận thay thế từ các loại xe tăng khác của NATO. Điều này sẽ gây ra thách thức lớn cho các binh sỹ Ukraine khi vận hành Challenger 2 trên chiến trường./.