Điểm danh những tiêm kích có sức mạnh đáng gờm nhất trên thế giới
VOV.VN - Mỹ là quốc gia sở hữu nhiều máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới. Tuy nhiên, 19fortyfive đã đưa ra danh sách những tiêm kích hàng đầu hiện nay đến cả từ Nga.
F-35 Lightning II
3 năm trước, tiêm kích F-35 của nhà sản xuất Lockheed Martin có thể chưa lọt vào danh sách những máy bay hàng đầu thế giới. Quá trình phát triển của F-35 chậm tiến độ, vượt quá ngân sách và gặp nhiều vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, kể từ đó, F-35 đã vươn lên trở thành một trong những tiêm kích số một thế giới.
Theo các báo cáo mới nhất, F-35 có tốc độ tối đa chỉ khoảng Mach 1,61 (khoảng 1.930 km/h).
“Nếu phải tham chiến, tôi sẽ lái chiếc F-35. Yếu tố quyết định F-35 là máy bay phản lực có kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay là chức năng nhận thức về tình huống. Khác biệt lớn nhất của F-35 so với các loại tiêm kích khác là sự kết hợp và tích hợp với tất cả các cảm biến khác nhau”, Chris Spinelli, phi công thử nghiệm F-35 của Lockheed Martin, nói.
Mỗi chiếc F-35 được trang bị hệ thống khẩu độ phân tán, hệ thống nhắm mục tiêu quang điện tử và hệ thống điện tử hàng không AN/APG-81 (AESA).
Không giống như radar mảng thụ động, radar AESA đồng thời tạo ra nhiều sóng có tần số khác nhau. Các sóng này được định hướng bằng điện tử chứ không phải bằng cách di chuyển vật lý và được truyền và nhận bởi các mô-đun do máy tính điều khiển. Những đặc điểm này nghĩa là hoạt động của radar AESA tạo ra dữ liệu tình huống hiệu quả hơn, đồng thời khó bị phát hiện hơn.
F-35 tương thích với các tên lửa không đối không và tên lửa không đối đất mới nhất, bao gồm AIM 9X SideWinder và Storm Shadow.
F-22 Raptor
19fortyfive nhận định, F-22 Raptor là loại tiêm kích xếp thứ hai sau F-35 Lightning II về sức mạnh đáng gờm.
Khả năng tàng hình, tốc độ và khả năng cơ động của F-22 khiến nó trở nên khác biệt so với những loại máy bay chiến đấu khác. F-22 có thể đạt tốc độ Mach 2,25 (khoảng 2.410km/h), và có hệ thống bay bằng dây Triplex cũng như công nghệ vectơ lực đẩy.
F-22 sử dụng radar quét mạng pha điện tử chủ động AN/APG-77 có tầm hoạt động lên tới hơn 200km. Radar được thiết kế để chiếm ưu thế trên không, hỗ trợ trong thực thi nhiệm vụ với các khả năng bị phát hiện thấp. AN/APG-77 còn giúp F-22 có khả năng tấn công điện tử khi cần, tập trung luồng phát làm quá tải cảm biến của đối phương.
F-22 cũng có khả năng giảm tín hiệu hồng ngoại thông qua công nghệ vòi phun vectơ lực đẩy.
Sukhoi Su-57
Su-57 có tốc độ tối đa 2.600km/h, trần bay 20km, tải trọng vũ khí tối đa của Su-57 lên tới khoảng 14-16 tấn. Tiêm kích này có 12 điểm treo vũ khí, một số giá treo có thể gắn vũ khí có trọng lượng tối đa 1,5 tấn mỗi quả.
Với khả năng cơ động cao, Su-57 có thể lẩn tránh tên lửa và chuyển sang phản công đối phương.
Điểm mạnh của Su-57 không chỉ là khả năng tàng hình, mà còn là các công nghệ hàng không tiên tiến nhất của Nga hiện nay như radar mảng định pha chủ động (AESA), hệ thống hỗ trợ phi công ePilot, cũng như hàng loạt cảm biến và vũ khí hàng không hiện đại.
AESA được tích hợp bên hông của máy bay chiến đấu để có phạm vi hoạt động rộng hơn, cũng như công nghệ tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại trên máy bay.
Cũng giống như các tiêm kích F-35 và F-22, Su-57 cũng có khả năng tác chiến điện tử.
Tuy nhiên, mặc dù rất tiên tiến trong nhiều lĩnh vực, Su-57 được cho là sử dụng động cơ Saturn AL-41F1, một kiểu cũ hơn so với các loại máy bay chiến đấu khác.
F/A-18E/F Super Hornet
Các báo cáo có sẵn cho thấy F/A-18 Super Hornet có bán kính chiến đấu hơn 900km với tốc độ tối đa trên Mach 1,8 (khoảng 1.915 km/h) đưa máy bay chiến đấu này trở thành công cụ hiệu quả để triển khai sức mạnh trên không của Hải quân Mỹ. Dù có tốc độ chậm hơn F-22, nhưng hiệu quả và khả năng đánh chặn vũ khí của tiêm kích này vẫn rất đáng chú ý.
Các phiên bản F/A-18 và E/F có khả năng dự trữ nhiên liệu tầm xa và E/F có 11 điểm treo vũ khí trên khoang dành cho các hệ thống vũ khí không đối không và không đối đất. Máy bay chiến đấu này cũng có khả năng mang vũ khí thông minh dẫn đường bằng laser tiên tiến.
Tuy nhiên, F/A-18E/F không mang vũ khí bên ngoài, điều này làm giảm khả năng tàng hình của nó.
F-15 Eagle
F-15 đáng chú ý về năng lực đánh chặn vũ khí và tốc độ. Cùng với F-22 và F-35, F-15E tương thích với các hệ thống vũ khí hàng đầu trong kho vũ khí không đối không, bao gồm AIM-120 và AIM-9x Sidewinder.
Bên cạnh đó, F-15 có công nghệ phát hiện và theo dõi mục tiêu tiên tiến.
F-15 có khả năng bay với tốc độ lớn hơn Mach 2,5, khoảng 2.655 km/h và được cho là một trong những máy bay thành công nhất từng được chế tạo. Tiêm kích này sẽ phục vụ Không quân Mỹ cho đến năm 2025 và được xuất khẩu sang nhiều nước khác như Nhật Bản, Israel,…
Sukhoi Su-35
Sukhoi Su-35 của Nga có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,25 ở độ cao lớn (bằng F-22 và nhanh hơn F-35, F-16), có khả năng tăng tốc tốt và bán kính chiến đấu 1.700km không cần tiếp nhiên liệu trên không. Ngoài ra, Su-35 có công nghệ vectơ lực đẩy ba chiều giúp máy bay chiến đấu này vừa nhanh vừa cơ động.
Tiêm kích của Nga có tổng cộng 12 điểm treo vũ khí và có thể mang nhiều hơn gấp đôi vũ khí so với F-15 Eagle. Tuy nhiên, mặc dù chưa được xác nhận, nhưng Su-35 được cho là sử dụng radar mảng pha quét điện tử thụ động Irbis-E, không giống như radar AESA, chỉ có thể phát ra một sóng đơn ở tần số cố định và có khả năng dựa vào các ăng-ten vật lý./.